Sớm nở tối tàn dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc

Minh Hoàng - 16:59, 03/01/2018

TheLEADERCác công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Chỉ mới 18 tháng trước, ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp còn là một cơn sốt ở Trung Quốc với gần 60 công ty khởi nghiệp, theo Yu Xue, nhà phân tích tại trung tâm dữ liệu Internet (IDC). Nhưng con số này sẽ giảm xuống dưới 10 công ty trong năm tới, ông dự báo.

Các công ty này cho phép khách hàng sử dụng một chiếc xe đạp bằng cách quét mã QR từ điện thoại thông minh, và cất chiếc xe đó ngay tại điểm đến. Mô hình này đã mang lại hiệu quả bất ngờ, nhưng chỉ có điều, nó đã phát triển quá nhanh.

Bằng chứng là xe đạp ngổn ngang khắp các vỉa hè đô thị Trung Quốc, nhiều chiếc trong số đó không được sử dụng và nằm đổ rạp, chồng chất lên nhau nơi công viên, đường phố và khắp các ngõ ngách. Nhiều người dân ở một số thành phố thậm chí đã phải khiếu nại chính quyền hạn chế số lượng xe đạp.

Một cuộc đào thải đang diễn ra với việc một số công ty đã rút lui khỏi hoạt động kinh doanh này. Số khác buộc phải bắt tay với nhau vì nguồn tài chính đang trở nên khan hiếm.

Sớm nở tối tàn dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc
Xe đạp được để la liệt ở công viên Xiashan ở Thâm Quyến, Quảng Đông vào ngày 16/1/2017.

Ông Xue cho biết rất khó để tính toán được quy mô thiệt hại, bởi vì nhiều công ty đã âm thầm đóng cửa và không có nhiều cảnh báo được đưa ra.

Zha Songcheng, Phó giám đốc công ty Hellobike, cho biết: "Tốc độ gia tăng người sử dụng xe đạp đang chậm lại". Hellobike là công ty lớn thứ ba ở Trung Quốc trong lĩnh vực dịch vụ chia sẻ xe đạp.

Tài chính cũng đang cạn kiệt. Bluegogo, công ty với 20 triệu người sử dụng và sở hữu hơn 600.000 xe đạp trong thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao, cho biết, vấn đề thiếu kinh phí là một trong những lý do chính khiến công ty này phải 'bán mình' vào tay Didi Chuxing vào tháng 11.

Một vấn đề nảy sinh khi các công ty đóng cửa đó là việc khách hàng đã bị mất khoản tiền đặt cọc để sử dụng dịch vụ. Shuting Wang, một người sử dụng dịch vụ tại Bắc Kinh cho biết cô đã mất khoảng 200 Nhân dân tệ (30 USD) cho Bluegogo.

"Một số người thậm chí còn mang xe đạp về và bán nó trực tuyến vì họ không thể lấy lại khoản tiền gửi", cô nói.

Tuần trước, Mingbike đã trở thành công ty chia sẻ xe đạp đầu tiên bị kiện vì không thể hoàn trả lại các khoản tiền gửi đặt cọc.

Sớm nở tối tàn dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc 1
Những chiếc xe đạp bị bỏ rơi trên một cánh đồng ở Hàng Châu, Trung Quốc.

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc tuyên bố tháng trước rằng sẽ kiềm chế ngành này để "bảo vệ lợi ích của khách hàng và siết lại trật tự".

Angela Cai, trưởng bộ phận truyền thông của Ofo, cho biết, các quy định có thể giúp dập tắt "bong bóng công nghiệp".

Hai công ty có thị phần lớn nhất là Mobike được hỗ trợ bởi gã khổng lồ công nghệ Tencent và Ofo được hậu thuẫn bởi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.

Họ kiểm soát 90% thị trường, theo ông Xue. Cả hai đều có giá trị hơn 1 tỷ USD, giúp họ có những tiềm lực cạnh tranh mà các công ty nhỏ không có.

"Sức mạnh tài chính của những người chơi khác không đủ mạnh", ông Xue nói.

Ofo và Mobike cho biết mục tiêu của họ không phải là sinh lợi, mà là mở rộng quy mô và phát triển thương hiệu. Mặc dù các công ty khởi nghiệp khác đang phải vật lộn để tồn tại, nhưng hai ông lớn vẫn lo lắng về việc mở rộng.

Ông Cai cho biết Ofo gần đây đã đạt được mục tiêu tiếp cận 20 quốc gia và 200 thành phố của Trung Quốc.

Trong khi đó, Luke Schoen, đại diện của Mobike, tiết lộ Mobike đã ra mắt tại 150 thành phố và hơn 10 quốc gia vào năm 2017.

Sớm nở tối tàn dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc 2
Người đi làm sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Bắc Kinh.

Những người chơi nhỏ đang cố gắng xoay sở với những gì họ gọi là mô hình kinh doanh bền vững hơn.

Hellobike gần đây đã tung ra cả dịch vụ chia sẻ xe máy điện. 60.000 chiếc xe điện đã được triển khai cho đến nay như là một cách để giảm sự phụ thuộc vào xe đạp.

Hellobike và Mobike cũng đang cân nhắc mở rộng sang dịch vụ chia sẻ xe hơi.