Tài sản tri thức: Dầu mới cần tinh lọc của nền kinh tế

Hường Hoàng - 13:22, 19/05/2023

TheLEADERTrong khoảng thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, Singapore và Đài Loan nổi lên như một hiện tượng, trở thành những “con hổ châu Á”, dù đều mang diện tích nhỏ bé và sở hữu tài nguyên thiên nhiên giới hạn. Và tri thức là một trong những động lực chính, thúc đẩy những nền kinh tế này phát triển một cách thần kỳ.

Tài sản tri thức: Dầu mới cần tinh lọc của nền kinh tế
Các quốc gia trên thế giới hầu hết đã bắt đầu tham gia vào hoạt động quản trị tri thức (Ảnh: Starmind)

Liều thuốc thần kỳ và bền vững của nền kinh tế

Trước đây, động lực phát triển hầu hết của các quốc gia là tài nguyên thiên nhiên. Suốt nhiều thế kỷ, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Ấn Độ luôn là điểm đến đầy tham vọng của thương nhân từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế càng phát triển, xã hội càng hiện đại, một nguồn tài nguyên khác đã thế chỗ, trở thành động lực và lợi thế cạnh tranh lớn nhất để một quốc gia phát triển – tài nguyên tri thức. Không chỉ có tác động sâu rộng đến sự phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia, đây còn là nguồn tài nguyên không bao giờ cạn so với những nguồn tài sản hữu hình khác.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của loài người, nguồn tài nguyên này đã lộ thiên theo nhiều cách, dưới dạng những phát kiến, đổi mới sáng tạo, tri thức… làm cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn. Thế nhưng, mới chỉ trong vài thập niên gần đây, nguồn tài nguyên này mới được chú ý khai thác một cách có hệ thống và hiệu quả hơn.

Cụ thể, những năm 1960, sau thời hậu chiến, nền kinh tế, giáo dục của những quốc gia phát triển như Mỹ và các nước Tây Âu đã có những bước phát triển vượt bậc, đồng thời những nền kinh tế trên thế giới cũng chuyển trọng tâm kinh tế từ công nghiệp sang khối ngành dịch vụ. Đây là một trong những cơ sở ban đầu để các nền kinh tế trên thế giới chuyển từ động lực nguồn lực hữu hình sang nguồn lực vô hình – tri thức.

Tài sản tri thức: Dầu mới cần tinh lọc của nền kinh tế
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Học viện doanh nhân MVV Academy

Cùng với đó, sự ra đời và và áp dụng rộng rãi của máy tính điện tử vào thập kỷ 80, sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông vào thập kỷ 90 cũng khiến việc lưu trữ, trao đổi thông tin ngày càng dễ dàng hơn. Những yếu tố đó khiến nền kinh tế tri thức trở thành một trọng tâm và định hướng phát triển mới của các quốc gia này.

Hiện, quy trình quản trị tri thức đang nằm trong xu hướng chuyển đổi số, trong đó bao gồm số hóa kiến thức, dữ liệu, sử dụng điện toán đám mây, máy học, học sâu và trí tuệ nhân tạo để phân loại, lưu trữ, tạo ra những kiến thức mới, đặc thù cho từng ngành sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Học viện Doanh nhân MVV Academy, hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đang phần nào tham gia vào nền kinh tế tri thức, nhưng ở những giai đoạn khác nhau. Trong đó, những quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan… đã tiên phong trong việc áp dụng quản trị tri thức trong các doanh nghiệp và tổ chức, từ đó tạo ra những gã khổng lồ về công nghệ, y tế, tài chính và viễn thông lớn trên thế giới như IBM, Microsoft, Intel hay Novartis, Roche...

Trong đó, là một trong những quốc gia tiên phong trong việc áp dụng quản trị tri thức trong các doanh nghiệp và tổ chức, Hoa Kỳ đã tạo ra rất nhiều những thành quả tri thức có tầm ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Các công ty công nghệ như Google, Microsoft và Apple đã áp dụng các phương pháp và công nghệ quản trị tri thức để tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ sáng tạo đột phá và hiệu quả.

Tương tự, trong quá trình xây dựng một nền kinh tế tri thức, Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, kiến tạo ra một môi trường thuận lợi dể để khai thác và tạo ra giá trị từ tri thức. Ở thời điểm hiện tại, Singapore đã trở thành một câu chuyện thành công trong việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, và trở thành một trong những trung tâm tài chính và công nghệ hàng đầu trên thế giới.

Trong khi đó, hầu hết những quốc gia đang phát triển mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu của cuộc chơi. Và Việt Nam là một trong số đó.

Động lực của những nền kinh tế đang phát triển

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nền kinh tế tri thức không đòi hỏi quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, không cần quá nhiều sự chuẩn bị về mặt tài nguyên vật lý hay các máy móc thiết bị đặc thù. Việt Nam hiện tại đang mang trong mình lợi thế là “một số 0” như vậy trên con đường đổi mới sáng tạo và phát triển thành một nền kinh tế tri thức.

Đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra cái mới, đập bỏ những cái cũ. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, quá trình này còn diễn ra nhanh và mạnh hơn, khiến cho những thành tựu, những cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũ của một doanh nghiệp, quốc gia có thể trở nên hoàn toàn vô tác dụng.

Vì vậy, đối với những doanh nghiệp, quốc gia nắm trong tay quá nhiều thành tựu từ quá khứ, không phải doanh nghiệp nào, quốc gia nào cũng sẵn sàng đổi mới sáng tạo với tốc độ quá nhanh.

Nền kinh tế tri thức không đòi hỏi quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, không cần quá nhiều sự chuẩn bị về mặt tài nguyên vật lý hay các máy móc thiết bị đặc thù. Việt Nam đang mang trong mình lợi thế là “một số 0” như vậy.
Ông Nguyễn Thanh Sơn
Giám đốc Học viện doanh nhân MVV Academy

Điển hình, với sự thành công rực rỡ của những chiếc máy ảnh phim, hãng camera Kodak đã không chịu thay đổi sang công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số và cuối cùng bị bỏ lại phía sau. Tương tự, những công nghệ tiên phong trong lĩnh vực xe điện hay điện mặt trời gần đây không đến từ những doanh nghiệp hàng trăm năm tuổi như Ford mà là những doanh nghiệp mới chỉ hơn chục năm tuổi như Tesla. Đó là những bằng chứng cho thấy sự thành công đôi khi có thể níu chân hoạt động đổi mới sáng tạo đến nhường nào.

Những doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia còn nhỏ bé luôn là những đối tượng sẵn sàng đổi mới. Và trong vị thế là một nước đang phát triển, “không có nhiều điều để mất”, Việt Nam có nhiều cơ hội để bước những bước đi nhanh chóng và mạnh mẽ trên hành trình đổi mới sáng tạo và phát triển tri thức.

Và cách mạng 4.0 chính là cơ hội ngàn năm có một để Việt Nam tận dụng những lợi thế của mình để nhanh chóng phát triển thành một nền kinh tế tri thức trong tương lai.

Dầu mới của nền kinh tế

Như danh sĩ Thân Nhân Trung đã từng nói, “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Để phát huy, bảo toàn thứ tài nguyên, nguyên khí mới này, chúng ta cũng cần có chiến lược xây dựng, phát triển, sử dụng và bảo vệ một cách hợp lý.

Có thể thấy, mặc dù sở hữu những mỏ dầu, khoáng sản hấp dẫn, những quốc gia chưa đủ trình độ, kỹ năng để tự khai thác sẽ phải thuê ngoài hoặc không thể khai thác được tài nguyên một cách triệt để.

Tài sản tri thức giống như một nguồn dầu mới (new oil), quan trọng và rất tiềm năng. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để có thể khai thác được những nguồn dầu ở phía sâu chứ không phải chỉ ở bề mặt, đưa nó vào những nhà máy lọc dầu tân tiến, hiện đại, để có thể ra những loại dầu với chất lượng khác nhau.
Ông Nguyễn Thanh Sơn
Học viện doanh nhân MVV Academy

Tương tự, với nguồn nhân lực mạnh, đông đảo về số lượng, nguồn tài nguyên tri thức lớn nhưng không biết cách xây dựng, bảo vệ tài năng, tài sản trí tuệ, thì một quốc gia vẫn sẽ phải phụ thuộc vào thành tựu của các quốc gia khác và bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Tri thức là nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng làm sao để có thể khai thác được những tài nguyên đó một cách triệt để, tinh luyện, tạo ra những sản phẩm thích hợp và đóng gói nó, tài sản tri thức mới thực sự hiệu quả.

Nói về vấn đề này, ông Thanh Sơn ví von: “Tài sản tri thức giống như một nguồn dầu mới (new oil), quan trọng và rất tiềm năng. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để có thể khai thác được những nguồn dầu ở phía sâu chứ không phải chỉ ở bề mặt, đưa nó vào những nhà máy lọc dầu tân tiến, hiện đại, để có thể ra những loại dầu với chất lượng khác nhau. Dầu cao cấp, có thể cung cấp cho các hãng máy bay, dầu hạng trung có thể dùng cho xe cộ, trong khi đó những loại dầu có nhiều tạp chất, chúng ta có thể dùng làm nhựa đường. Mỗi loại sản phẩm này đều có ích. Và tri thức cũng vậy”.

Thế nào là tri thức và quản trị tài sản tri thức?

Tài sản tri thức là những nguồn lực vô hình, bao gồm kiến thức, kỹ năng, bản quyền, bí quyết công nghiệp, quy trình, nhãn hiệu, thông tin, dữ liệu và mối quan hệ, mà có thể được tận dụng để tạo ra giá trị và ưu thế cạnh tranh trong một tổ chức hoặc một hệ thống kinh tế.

Những biểu hiện cụ thể của kiến thức có thể sở hữu và trao đổi kinh doanh được gọi là tài sản tri thức. Nếu tài sản tri thức được pháp luật bảo chứng sẽ trở thành sở hữu trí tuệ. Có năm loại sở hữu trí tuệ là bản quyền (patents), tác quyền (copyrights), thương quyền (trademarks), bí mật thương mại (trade secrets), và bí quyết (know-how)

Hiện nay, trên thế giới, các hoạt động bảo vệ, quản trị tài sản trí tuệ đã trở nên tương đối phổ biến. Trong đó, quản lý tri thức (Knowledge Management) ngày càng trở nên quan trọng và trở thành tâm điểm phát triển của các tập đoàn, tổ chức lớn.

Sáng tạo, nắm bắt tri thức, lưu trữ, chia sẻ và sử dụng tri thức là những cấu phần vô cùng quan trọng trong triết lý vận hành lõi của các tập đoàn lớn. Đặc biệt, với những công ty hoạt động trong lĩnh vực dựa trên tri thức như công nghệ, tư vấn, chăm sóc sức khỏe hay giáo dục, tri thức vừa đóng vai trò sản phẩm, vừa là lợi thế cạnh tranh quan trọng.

Quản trị tri thức chính là quá trình mà trong đó, các tập đoàn lớn vừa bảo vệ thông tin trong tổ chức, sử dụng các thông tin, kiến thức này một cách hiệu quả, vừa phát triển sản phẩm, cải thiện hiệu suất làm việc và phát triển, giữ chân nhân công chất lượng cao trong môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng.

Không chỉ có vậy, quản trị tri thức cũng được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa con người với con người. Trong đó, các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực như: định hướng chia sẻ tri thức giữa các bộ phận và nhân viên trong tổ chức cũng như cộng đồng, tạo ra nền tri thức phối hợp có thể giúp cho hoạt động quản lý tri thức trở nên hiệu quả hơn.

Ngoài ra, quản trị tri thức cũng bao gồm phát triển nguồn nhân lực tri thức từ những kiến thức đã lưu trữ có sẵn, tạo ra văn hóa tri thức trong bộ máy, và tất nhiên là cả việc đặt nhu cầu, mong muốn của khách hàng vào trung tâm của hoạt động sản xuất.