Tấm chân tình từ Phố Hiến

An Chi - 08:00, 26/01/2023

TheLEADERVốn là gương mặt quen thuộc của giới kinh doanh bất động sản, bà Trần Thị Thu Hiền đã bất ngờ rẽ ngang sang kinh doanh nông sản.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Hai năm nay, trong giỏ quà tặng của người miền Bắc, ngoài là những hộp bánh kẹo ngoại đắt tiền là những loại nông sản từ vùng đất Hưng Yên được đóng gói rất bắt mắt. “Chân tình từ Phố Hiến” không chỉ là tên một dòng sản phẩm nông sản đến từ vùng đất giao thương nhộn nhịp từ xa xưa mà còn thể hiện tình yêu của nhà sáng lập Thương hiệu KHIM với sản vật của nơi vốn từng là thương cảng phồn hoa thế kỷ XVII.

Tiếc nuối cho những giá trị của nông sản chưa được phát huy hết tiềm năng đã thôi thúc bà Trần Thị Thu Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tân Việt Hưng Thủ Đô tâm huyết phát triển dòng sản phẩm quà tặng “Chân tình từ Phố Hiến” với mong muốn nâng tầm giá trị nông sản của Hưng Yên vùng đất giàu truyền thống văn hóa nơi được mẹ thiên nhiên ưu đãi nhiều món quà quê có tiếng. Trước khi bước chân vào lĩnh vực này, bà Hiền cùng chồng là ông Nguyễn Quốc Khánh đã sáng lập và gặt hái thành công với công ty đầu tư và phân phối bất động sản DTJ Group.

Tấm chân tình từ Phố Hiến
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tân Việt Hưng Thủ Đô

Đắm đuối với nông sản

Những ngày tháng 6 âm lịch, xuôi theo triền đê tả sông Hồng về Phố Hiến là những rặng nhãn xanh tốt, sai trĩu quả, soi mình xuống bờ sông. Được phù sa sông Hồng bồi đắp, Hưng Yên như một dải đất trù phú kết tinh nên hương vị ngọt đậm đà cho trái nhãn - một sản vật quý, thơm ngon nức tiếng từ bao đời.

Khi tiết trời vào hè, đổ nắng chói chang cũng là thời điểm nhãn Hưng Yên vào chính vụ. Gần như năm nào cũng bội thu nhưng người nông dân trồng nhãn vẫn chưa hết những vất vả, lo toan từ chất lượng đến đầu ra của quả nhãn. Tuy là sản vật quý nhưng nhãn chỉ có thời vụ rất ngắn, quả chín nhanh, nếu không kịp thu hoạch đúng thời điểm, nhãn tươi sẽ buộc phải thu hoạch làm long nhãn hoặc đông lạnh. Để trên cây quá lâu sẽ khiến quả nhãn bị “quá nước”, chất lượng bị giảm sút nghiêm trọng.

Mùa hè năm 2021 là một trong những thời điểm khó khăn của người trồng nhãn Hưng Yên nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng khiến giao thương gần như ngưng trệ. Lúc đó, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là nhãn bắt đầu chín rộ, bà con như ngồi trên lửa vì lo lắng cho khâu tiêu thụ.

“Mọi năm, các nhà vườn hợp tác đã nhộn nhịp thương lái và các đơn vị đầu mối về xem hàng để đặt mua cả cây, thậm chí cả vườn ... nhưng năm ấy, việc đi lại bị hạn chế nên các đầu mối không về được như mọi năm mặc dù vụ nhãn chín đã cận kề. Một sản lượng nhãn lớn của người nông dân chờ thu hoạch trở thành nỗi lo của các hợp tác xã và của toàn bộ các sở ban ngành trong tỉnh”, bà Hiền nhớ lại.

Khi dịch Covid-19 đang rất căng thẳng, không chỉ trong nước thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, mà trên thế giới, việc vận chuyển khó khăn khiến nhu cầu mua cũng giảm mạnh. Bà Hiền cùng với chính quyền tỉnh Hưng Yên đã phải rất vất vả để kết nối, vận chuyển nhãn ra Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận.

Thấy thứ quả đặc sản của Hưng Yên vượt qua biết bao nhiêu chốt, trạm kiểm dịch để đến được những kệ hàng tại nhiều siêu thị của Thủ đô, bà Hiền đã rất xúc động. Nhưng rồi, bà nhận thấy rằng, lượng tiêu thụ nhãn tươi của trong nước và xuất khẩu dù không có dịch bệnh nhưng vẫn có những hạn chế nhất định bởi đặc thù của loại trái cây này và khó khăn trong việc thu hoạch sản lượng tập trung khi muốn xuất khẩu.

Ngoài nhãn, cam, bà Hiền cũng tích cực phối hợp với tỉnh Hưng Yên, các đơn vị, ban ngành liên quan, các hợp tác xã để thực hiện quảng bá, tiêu thụ nhiều loại nông sản khác trong các chuỗi siêu thị đối tác, kênh thương mại điện tử nông sản, cũng như thúc đẩy truyền thông lan tỏa tới người tiêu dùng.

Nâng tầm giá trị

“Nếu chỉ đẩy mạnh xúc tiến và tiêu thụ là chưa đủ và chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị của nông sản”, bà Hiền đã trăn trở như vậy trước quyết định phát triển một dòng sản phẩm quà tặng từ nông sản Hưng Yên. Bởi, chỉ qua chế biến, nông sản mới được gia tăng giá trị, không bị ảnh hưởng của tính mùa vụ và phục vụ thiết thực, lâu bền cho nhu cầu của người dân.

Tại Hưng Yên, một vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi với một nền nông nghiệp đa dạng, bên cạnh nhãn còn có rất nhiều sản vật nổi tiếng như hạt sen, mật ong... Do vậy, bên cạnh việc xúc tiến đầu ra cho nông sản tươi, long nhãn và nhiều loại nông sản khác được bà Hiền hợp tác sản xuất và thu mua đúng vụ để sản xuất ra những sản phẩm quà tặng từ nông sản với chất lượng sản phẩm tốt nhất.

Đó chính là lý do khiến Công ty CP Đầu tư Tân Việt Hưng Thủ Đô tâm huyết với việc phát triển các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản Hưng Yên với thương hiệu KHIMfood.

Là người làm thương hiệu, bà Hiền rất cầu kỳ, cẩn thận, từ khâu sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đến thiết kế thương hiệu. Từ khâu nguyên liệu đầu vào, bà Hiền rất kỹ tính trong việc lựa chọn thu mua nhằm đáp ứng chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc làm việc chặt chẽ với các hợp tác xã để chuẩn về nguyên liệu, giám sát quá trình sơ chế, gia công các công đoạn của sản phẩm, tất cả các sản phẩm của KHIM đều được mang đi kiểm nghiệm nhằm đạt chuẩn về chất lượng, chịu trách nghiệm về sản phẩm trước người tiêu dùng.

Bà Hiền quan niệm, để sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường và tiến xa, chất lượng sản phẩm là yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất. Đơn cử như việc lựa chọn long nhãn để đưa vào các sản phẩm của mình, việc chọn giống nhãn nào, chất lượng quả, thời điểm thu hoạch ra sao cũng là cả một sự tính toán kỹ lưỡng.

Trong những ngày tháng đầu tiên, khi làm việc với các hợp tác xã cung ứng nguyên liệu, bà Hiền đã phải đào tạo cho họ cả một quy trình về chất lượng sản phẩm để họ hiểu, tin tưởng và đồng hành với doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm. Khi phát triển các loại trà, cũng cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để có định lượng phù hợp. Như sự kết hợp của cam, sả, gừng, táo đỏ trong Bảo Nhân Trà, phải sao cho các vị được kết hợp hài hòa, không lấn át lẫn nhau, đảm bảo được công dụng của sản phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe.

Chăm chút cho thương hiệu Việt

Có chất lượng rồi, khâu làm bao bì cho sản phẩm và phát triển thương hiệu cũng vô cùng quan trọng. Có dịp được đi nhiều nơi, bà Hiện nhận ra một thực tế là Việt Nam có rất nhiều đặc sản ngon, nhưng chưa được trú trọng vào bao bì, mẫu mã dẫn đến chưa thể phát triển thương mại một cách mạnh mẽ và đẩy nhanh việc xuất khẩu, cạnh tranh với thế giới.

“Tại nhiều nơi, bà con vẫn chế biến và đóng gói các đặc sản của địa phương theo thói quen. Hàng sản xuất ra chỉ đóng túi nilon, hoặc tiến bộ hơn một chút là cho vào hộp giấy đơn giản, thiếu mỹ quan. Trong khi đó, thị hiếu của người dân hiện nay là vừa phải thưởng thức được chất lượng, nhưng phải đẹp mắt hấp dẫn”, bà Hiền chia sẻ và cho rằng, muốn nâng tầm nông sản Việt, khâu hình thức là việc cần làm và phải làm thật tốt.

Sản phẩm không chỉ đòi hỏi chất lượng tốt mà mẫu mã cũng phải đẹp mắt, tiện dụng để chiếm được tình cảm, sự yêu mến của người tiêu dùng.

Với các sản phẩm trà túi lọc như Bảo Nhân Trà và Ngọc Tâm Trà, thay vì làm gói giấy như các loại trà khác trên thị trường, bà Hiền đã kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu làm túi lọc. Các hộp trà sử dụng loại túi lưới, giống như lụa mỏng, trong suốt, lấp lánh, rất thẩm mỹ.

Hay như đối với các sản phẩm quà tặng như Ngũ Phúc, Vĩnh Kết và Trường Xuân, thời gian đầu, các hộp quà được thiết kế dọc, nắp mở, tuy nhiên, xét về tính tiện dụng và sang trọng, các sản phẩm về sau đã được cải tiến, sử dụng thiết kế ngang và nắp sập âm dương.

Ngay cả cách kết hợp các sản vật vào trong một bộ quà tặng cũng được tính toán kỹ lưỡng. Nếu như hộp quà tặng Ngũ Phúc là kết hợp của 5 loại đặc sản của Hưng Yên gồm long nhãn, hạt sen, kẹo lạc hai nắng, mật ong, trà hoa cúc dùng cho buổi sáng, thì buổi trưa là thưởng trà, gắn với các sản phẩm của hộp quà Trường Xuân với 4 loại trà: Trà Đông Trùng Hạ Thảo; Trà Măng Tây; Bảo Nhân Trà (cam, sả, gừng, táo đỏ); Ngọc Tâm Trà (hoa cúc chi, long nhãn, táo đỏ, kỷ tử). Và buổi tối là thưởng rượu cùng hộp quà tặng Vĩnh Kết với rượu đông trùng hạ thảo, mứt nghệ và mứt cam sấy dẻo.

Tâm huyết từ chất lượng đến mẫu mã, nhưng yếu tố khiến bà trăn trở nhất vẫn là việc phải kể được câu chuyện về nông sản gắn với văn hóa của cả một vùng đất. Điều bà mong muốn không chỉ là nâng cao giá trị nông sản, giúp bà con nông dân có một hướng đi mới trong phát triển sản phẩm mà còn là đưa các sản vật của địa phương gắn liền với yếu tố văn hóa. Những người con của quê hương xa quê khi nhận quà sẽ cảm thấy rất đỗi gắn bó và tự hào khi thấy được tình cảm của người tặng gửi gắm trong đó.

Đó chính là lý do khiến bà Hiền rất kỳ công khi đặt tên cho các dòng sản phẩm. Ngay từ tên gọi, “Chân Tình từ Phố Hiến”, bộ sản phẩm quà tặng đã thể hiện mong muốn trong việc lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa của Hưng Yên xưa “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Tấm chân tình từ Phố Hiến 1
Dòng sản phẩm quà tặng “Chân tình từ Phố Hiến”

Cách thiết kế các hộp quà tặng, bà Hiền cũng dồn rất nhiều tâm huyết. Ba sản phẩm quà tặng với thông điệp “Chân Tình từ Phố Hiến” tương ứng với ba địa danh nổi tiếng của vùng đất này, mỗi sản phẩm lại có nét độc đáo riêng. Ba bộ quà Ngũ Phúc, Vĩnh Kết, Trường Xuân được thiết kế theo ý tưởng mang đến nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày cho người dùng. Với các hình ảnh đặc trưng như Văn Miếu Xích Đằng, hay sự tích Chử Đồng tử - Tiên Dung, rồi Đông Đô Quảng Hội.

Theo bà Hiền: “Mỗi món quà là câu chuyện riêng là tâm tình chúng tôi gửi gắm đến khách hàng. Hơn cả sự thưởng thức đây là sự kết tinh văn hóa và mong muốn nâng tầm nông sản của tỉnh, được phục vụ người tiêu dùng thường xuyên và chăm sóc cho sức khỏe khách hàng mỗi ngày”.

Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói, KHIM food là đơn vị tiên phong phát triển dòng sản phẩm quà tặng mang hương vị đặc trưng của Phố Hiến. Các hộp quà tặng của KHIM food đều là những sản phẩm nông sản đặc sản của vùng quê này.

“Việc nâng cao giá trị của nông sản, gắn liền với văn hóa của vùng đất là điều tôi luôn tâm đắc và tâm huyết. Các sản phẩm nông sản phải gần gũi với văn hóa, thể hiện được câu chuyện văn hóa. Có như vậy, những giá trị truyền thống mới không bị mai một mà luôn được bảo tồn, được sống trong đời sống đương đại của người dân và xã hội”, bà Hiền chia sẻ.

Khát vọng đưa nông sản Việt vươn xa

Từ nhiều năm trước, trong những dịp đi công tác, hay thăm, tặng bạn bè, người thân tại nước ngoài, bà Hiền chia sẻ rằng, rất mất công để chọn quà mang được “cái hồn Bắc Việt” một cách đúng nghĩa.

“Tôi lúc đó chỉ có cách “gói ghém” ít bột sắn dây, ít hạt sen, trà... mua trên phố cổ cho vào trong chiếc túi đỏ, hoặc “sang trọng” nữa thì để trong một chiếc hộp giấy. Khi ấy, tôi đã tự đặt câu hỏi rằng tại sao một đất nước nhiều sản vật, nhiều đặc sản ngon, độc đáo, rất đặc trưng như Việt Nam lại không có được những món quà tặng từ nông sản xứng tầm, vừa đảm bảo chất lượng vừa sang trọng, lịch sự như những hộp quà tặng từng làm lên thương hiệu của thế giới mà mỗi người con của đất Việt khi ra nước ngoài đều mang về làm quà tặng cho người thân.”

Trăn trở như vậy khiến bà Hiền càng quyết tâm với con đường lựa chọn phát triển sản phẩm quà tặng cao cấp từ nông sản của mình. Không chỉ tại Hưng Yên, điều KHIM food muốn làm là nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam nói chung và sau đó xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Tính toán ngay từ đầu như vậy nên tất cả các sản phẩm của KHIM đều sử dụng song ngữ Việt - Anh nhằm hướng tới mục tiêu không chỉ chinh phục thị trường trong nước, những người tiêu dùng yêu hàng Việt, làm quà tặng trong những dịp hội ngộ, tri ân, mà còn xuất khẩu để giới thiệu, cạnh tranh với quốc tế, hướng tới những người thực sự hiểu và trân trọng những giá trị của nông sản Việt.

Với những giá trị dày công tạo dựng, ngay từ mùa Tết đầu tiên ra mắt thăm dò thị trường cách đây hai năm, mặc dù chỉ bán trực tiếp tại Hưng Yên và Hà Nội qua giới thiệu là chủ yếu nhưng vẫn sản phẩm vẫn “cháy hàng”.

Năm nay, KHIM đã tiếp tục mở rộng thêm cả thị trường trong Nam, đưa sản phẩm hiện diện ở các sân bay và đẩy nhanh việc xuất khẩu để văn hóa, nông sản Việt Nam vươn xa, góp phần mang tinh hoa ẩm thực, đặc sản Việt ra thế giới.

Những ngày cuối năm, bà Hiền vẫn tất bật trong những chuyến bay ra Bắc, vào Nam để giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại. “Công việc vô cùng bận rộn, có rất nhiều việc phải làm cho nông sản, nhưng quan trọng là niềm vui, làm được điều ý nghĩa đã khiến mọi mệt nhọc đều tan biến”, bà Hiền tâm sự.

Và điều vui hơn cả đối với bà Hiền, có lẽ là trong các ngày lễ, Tết, hay trong những giỏ quà mà những người con Việt Nam mang ra nước ngoài có các sản vật từ quê hương, với biết bao niềm tự hào dân tộc được mang đi giới thiệu với bạn bè thế giới.