Tăng thuế VAT: Câu hỏi cho Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckhardt

Hạng Vũ - 10:00, 01/09/2017

TheLEADERCó thực sự là thuế suất VAT thấp mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo hay nói cách khác là tăng thuế VAT thì người giàu chịu gánh nặng thuế nhiều hơn?

Tăng thuế VAT: Câu hỏi cho Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckhardt
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du. Ảnh Tuổi trẻ

"Tăng thuế VAT sẽ là gánh nặng cho những người nghèo"

(Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du)

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 31/8/2017, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam Sebastian Eckhardt cho biết: “Tại Việt Nam, theo tính toán của chúng tôi, 20% người nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT, trong khi con số chi trả của [20%] người giàu [nhất] là gần 40%. Điều này có nghĩa, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế VAT thấp, thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo.”

Có thực sự là thuế suất VAT thấp mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo hay nói cách khác là tăng thuế VAT thì người giàu chịu gánh nặng thuế nhiều hơn?

Theo điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân một tháng của một nhân khẩu của 20% dân số có thu nhập nhất là 660 nghìn đồng và 20% dân số có thu nhập cao nhất là 6.413 nghìn đồng, gấp 9,7 lần nhóm thấp nhất.

Tính ra, tổng thu nhập của nhóm thấp nhất (20%) chỉ chiếm 4,2% tổng thu nhập của các hộ gia đình cả nước, trong khi nhóm cao nhất (20%) là 48,6%.

Khi nhóm thấp nhất phải nộp khoảng 9% và nhóm cao nhất nộp gần 40% thuế VAT thì thuế suất trên một đồng thu nhập của nhóm thấp nhất gấp hơn 2,6 lần nhóm cao nhất [(9%/4,2%)/(<40%/48,6%)].

Nói cách khác là thuế VAT ở Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỷ phần thu nhập thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn rất nhiều so với người nghèo.

Như vậy kết luận phải là khi tăng thuế VAT thì gánh nặng của người nghèo cao hơn người giàu chứ không phải là ngược lại như phát biểu được báo trích dẫn của ông Sebastian Eckhardt.

Cũng có thể là truyền thông không nêu hết ý của ông Sebastian Eckhardt, nhưng nếu đúng ông ấy nói như vậy thì rất ngạc nhiên khi một người có vai vế của một tổ chức có uy tín lại dùng kỹ xảo của con số tuyệt đối như vậy.

Khoảng cách thuế chỉ là 4 lần, trong khi khoảng cách thu nhập gần 10 lần (khoảng cách thu nhập hiện tại có thể đã hơn 10 lần nếu xu hướng từ năm 2002 đến nay được duy trì – từ 8,1 lên 9,7 lần) và tính lũy thoái hay lũy tiến của thuế được tính theo tỉ lệ chứ việc người có thu nhập cao hơn nộp thuế cao hơn (về giá trị tuyệt đối) gần như là hiển nhiên mà

Tăng thuế VAT sẽ là gánh nặng cho những người nghèo

"Giảm mua, nhịn ăn thì rõ ràng là ít bị đánh thuế VAT"

(Nhà báo Trần Phi Tuấn)

Ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói về chuyện tăng thuế VAT giống y chang như một quan chức của Bộ Tài chính.

Đành rằng việc tăng 5 sắc thuế sắp tới là một "trận đánh đẹp" phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Tài chính và World Bank, nhưng như tất cả các "cuộc oánh nhau" đó, bên nào thắng thì nhân dân ta đều bại.

Ông Eckhardt của World Bank đã chứng minh cho chuyện tăng thuế kỳ này là "phù hợp với thông lệ quốc tế" thì chẳng ai có thể cãi cho lại được.

Và nhờ có sự phối hợp này, các quan chức Bộ Tài chính cứ thoải mái phát biểu: Người nghèo không bị tác động do bó rau ngoài chợ không chịu thuế VAT.

Để chứng minh người giàu chứ không phải người nghèo mới chịu tác động, ông phân tích: "Tại Việt Nam, theo tính toán của chúng tôi thì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế GTGT. Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế GTGT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo".

Thật không thể đúng hơn được. Mà lý do, chẳng lẽ mọi người không hiểu, là: do người nghèo không có tiền để chi tiêu, để mua hàng hóa, nên đóng góp cho ngân sách còn ít?

Giảm mua, nhịn ăn thì rõ ràng là ít bị đánh thuế VAT thôi, ít chịu tác động thôi. Có nhiều lúc cũng cần phải cảnh giác với những lời có cánh từ World Bank hay IMF vì những tổ chức có hiện tượng gọi là "con cưng". 

VAT chịu trận thay BOT

(Nhà báo Hoàng Tư Giang)

VAT đã ngay lập tức hứng bão dư luận và tự nhiên giúp làm lu mờ hình ảnh BOT xấu xí suốt 2 tuần nay. VAT vào tâm điểm do tác động đến 93 triệu người, mà phần lớn vẫn sống quanh ngưỡng nghèo, trong khi lại không được giải trình rõ ràng. Đến hôm qua, một số điểm quan trọng mới được Bộ Tài Chính và WB làm rõ hơn, sau khi công bố thông tin đơn thuần 2 tuần trước.

Nhà báo Hoàng Tư Giang (người mặc áo kẻ vàng)

Một số chuyên gia nhận xét, ngân sách khó khăn thì có ba cách là in, vay, và tăng thuế. Cách một miễn bàn; cách hai đã đến ngưỡng, và cách ba là còn room...

Song vẫn thấy, ngân sách không đến nỗi quá khó như họ nói. Thuế nhập khẩu đã về gần 0 với tất cả, giá dầu xuống dưới 50 USD nhưng ngân sách vẫn tăng thu quanh ngưỡng 4 tỷ USD so dự toán. Năm nay vẫn có thể vượt thu 8%. Vấn đề chính vẫn phải là cơ cấu lại chi.

“Cho” hội gì đó 90 tỷ đồng, 200 căn nhà! Hôm qua đi qua Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, một dự án tôi nhớ ngốn đến 3.000 tỷ đồng ở Hòa Lạc, vẫn thấy tiêu điều, cô quạnh như suốt nhiều năm qua. Tượng đài, quảng trường, bảo tàng,… xây vung vãi; dự án sản xuất ngàn tỷ thì đắp chiếu. Nhìn về phía chi, chưa thấy có biện pháp cụ thể nào.

Cho nên người dân mới bức xúc chuyện VAT. Chừng nào báo cáo đánh giá tác động với các số liệu chi tiết còn chưa được đưa ra, thì sẽ còn tranh cãi trên báo chí và facebook, biện pháp tự vệ “hiền nhất” của người dân.