Tạo điều kiện phát triển các trường đại học số ở Việt Nam

Việt Hưng - 16:34, 30/04/2023

TheLEADERTrong cơ cấu nguồn nhân lực, Việt Nam cần khoảng 2% nhân lực kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, mục tiêu này là khó khả thi với số lượng và quy mô đào tạo của các trường đại học truyền thống hiện nay.

Văn phòng Chính phủ có văn bản 164/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và phát triển các trường đại học số phù hợp với xu thế của thế giới và yêu cầu trong nước.

Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 230 trường đại học, trong đó gần 150 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: CNTT, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin…. Hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000 (chưa tính cao đẳng, trung cấp khoảng 12.000).

Với năng lực đào tạo này, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Trong cơ cấu nguồn nhân lực, Việt Nam cần khoảng 2% nhân lực kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Tỷ lệ này hiện nay mới đạt khoảng 1,3%, tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia đang phát triển như Mỹ (2%), Hàn Quốc (2,5%).

Để đạt được tỷ lệ 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm (tăng khoảng 40% so với hiện nay). Mục tiêu này là khó khả thi với số lượng và quy mô đào tạo của các trường đại học truyền thống hiện nay.

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề đào tạo nhân lực số. Để giải quyết vấn đề, nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định phát triển đại học số, là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng.

Tạo điều kiện phát triển các trường đại học số ở Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại Đại học FPT Hòa Lạc

Từ năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động một dự án thử nghiệm triển khai 05 trường đại học số đầu tiên, mỗi trường do một tổ chức tư nhân xây dựng với mục tiêu là đào tạo được nhiều sinh viên hơn.

Cho đến nay, với khoảng hơn 50 triệu dân, Hàn Quốc đã có khoảng 20 trường đại học số. Trong đó, trường đại học số Seoul được xem là trường đại học số điển hình của Hàn Quốc và Châu Á. Hàng năm, trường này đào tạo tới 40.000 sinh viên với lựa chọn học trực tuyến hoàn toàn, nâng cao năng lực đào tạo hơn 30% sinh viên so với truyền thống.

Tương tự, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia xác định đại học số là giải pháp đột phá để phát triển nguồn nhân lực. Cho đến nay, Ấn Độ đã triển khai 3 đại học số.

Thủ tướng Ấn Độ - ông Narenda Modi coi đây là bước đi chưa có tiền lệ để giải quyết triệt để vấn đề giới hạn chỉ tiêu đào tạo tại các trường học. Việc phát triển đại học số có thể tăng chỉ tiêu từ 27% lên 50%, tức là có thêm 10 triệu dân Ấn Độ trong độ tuổi có thể tiếp cận với đào tạo trình độ đại học.

Hiện chưa có khái niệm thống nhất rộng rãi về đại học số nhưng có thể hiểu đơn giản, đại học số là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số.

Và vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, mô hình hoạt động của một trường đại học số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn về không gian, thời gian mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí rẻ hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương.

Tạo điều kiện phát triển các trường đại học số ở Việt Nam 1
Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm

Theo các chuyên gia, để hình thành đại học số thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ các bài giảng của giảng viên cùng mọi hoạt động của trường đại học lên môi trường số. AI, điện toán đám mây, điện thoại thông minh, IOT… không chỉ là công cụ phương tiện mà còn trở thành tác nhân và môi trường số.

Đồng thời, cần xây dựng môi trường số là nhằm tạo một hệ sinh thái số xoay quanh sinh viên. Mỗi sinh viên, giảng viên, các bộ phục vụ, những đồ vật hữu hình (giảng đường, lớp học, phòng thí nghiệm…), những đồ vật vô hình (thời khóa biểu, thư viện số, học liệu số, lịch kiểm tra, lịch thi…) được cung cấp một định danh số của riêng mình.

Khi đã hình thành môi trường số với một hệ sinh thái số, thì mọi hoạt động học tập giảng dạy, quản lý giáo dục đều thực hiện trên môi trường số. Do mỗi sinh viên đã có một định danh số nên mọi sinh hoạt trong trường của sinh viên đều có thể được thực hiện thông qua điện thoại hoặc máy tính.

Ngoài ra, trong đại học số, mọi bài giảng truyền thống cũng như bài giảng online của mọi thế hệ giảng viên, mọi môn học … đều được đưa lên hệ sinh thái số, để sinh viên có thể lựa chọn học bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào.

Trong đại học số, thầy trò có định danh số từ khắp nơi có thể tương tác được với nhau như đang ngồi trong lớp học. Khoảng cách về địa lý, về không gian và thời gian đã bị xóa nhòa. Tư duy giáo dục truyền thống như "đến trường" điểm danh mới là "đi học", không đến trường là "không đi học" đã không còn đúng nữa...

Trong bối cảnh đó, giảng viên trong đại học số phải thay đổi hoàn toàn tư duy cũng như phương pháp giảng dạy, thay đổi cách truyền đat kiến thức, kỹ năng phù hợp nhất cho mỗi sinh viên để thu hút người học.