Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu qua đường Nhật Bản

Quỳnh Chi - 16:09, 09/08/2022

TheLEADERViệc thúc đẩy hợp tác với các đối tác Nhật Bản vốn đang giữ vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng lực về cả sản xuất lẫn quản trị.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu qua đường Nhật Bản
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM và bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC)

“Việt Nam là điểm đến tiềm năng nhất từ góc nhìn của Nhật Bản”, ông Matsumoto, Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM nhấn mạnh trong buổi họp báo công bố triển lãm METALEX Việt Nam 2022 như lời khẳng định về sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là trong ngành sản xuất đến thị trường Việt Nam sau những biến động trên toàn cầu trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ông cũng chỉ ra một hạn chế của doanh nghiệp Việt là “chất lượng sản phẩm, kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến trở ngại cho việc thu mua linh kiện, nguyên vật liệu tại Việt Nam”.

Ông kể lại, doanh nghiệp Nhật thường mang linh kiện mẫu đến các triển lãm để các doanh nghiệp tham quan nắm được nhu cầu và yêu cầu của họ đối với từng sản phẩm cần thu mua. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ xác định liệu có thể sản xuất để trở thành nhà cung ứng của công ty Nhật hay không.

Đã từng có những doanh nghiệp Việt công bố làm được nhưng khi làm thử 100 sản phẩm thì chỉ có 10 sản phẩm đạt yêu cầu. Trong khi đó, yêu cầu của doanh nghiệp Nhật là ít nhất 99 sản phẩm phải bảo đảm chất lượng.

“Để tham gia vào chuỗi cung ứng thì doanh nghiệp Việt phải giải quyết vấn đề không đồng đều về chất lượng”, ông Matsumoto nói.

Khi được hỏi về những vấn đề khiến doanh nghiệp Việt trước đó chưa thể sản xuất các sản phẩm với chất lượng đồng đều, vị trưởng đại diện JETRO TP.HCM đã không trả lời, nhưng ông nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng của các công ty Nhật trong việc liên tục thực hiện 5S, Kaizen… thúc đẩy cải tiến, đổi mới, sáng tạo để hướng đến sự hoàn thiện. Chỉ có cải tiến liên tục, đổi mới liên tục thì vấn đề mới được tìm ra và “diệt” tận gốc. Có lẽ đó là điều mà các doanh nghiệp Việt đang thiếu.

Bên cạnh việc thu hút nguồn tiền đầu tư lớn từ Nhật Bản thì rõ ràng, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước này cũng sẽ là một bước đi quan trọng của các doanh nghiệp Việt trên con đường tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu qua hai yếu tố.

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể học hỏi được những kinh nghiệm quản trị đã được bồi đắp hàng chục, thậm chí hàng trăm năm của doanh nghiệp đến từ quốc gia vốn mạnh về sản xuất.

Gần đây, các doanh nghiệp nói nhiều về xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... tuy nhiên ông Matsumoto cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất cần tạo nền tảng cơ sở vững chắc thông qua một hệ thống quản trị chuyên nghiệp và bài bản trước khi chuyển đổi số để có kết quả cao hơn.

Các doanh nghiệp cơ khí như Nhật Minh, Bách Tùng hay Duy Thành đều khởi đầu kế hoạch hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp Nhật Bản vì tập quán của họ trong việc hợp tác là hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm quản trị, đặc biệt là văn hoá cải tiến liên tục tại nhà máy như 5S, Kaizen vì họ cho rằng không có cải tiến thì khó đạt được chất lượng để tham gia vào chuỗi cung ứng.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu qua đường Nhật Bản
Các triển lãm quốc tế là nơi các doanh nghiệp gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác

Thứ hai, các doanh nghiệp Nhật là mắt xích quan trọng trong chuỗi này, theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp Hỗ trợ TP.HCM (CSID). Bắt tay với các mắt xích này là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Oanh lấy ví dụ, việc trở thành một phần dù rất nhỏ trong chuỗi giá trị ngành ô tô đòi hỏi rất cao với các tiêu chuẩn rất khắt khe dành cho các doanh nghiệp sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt lại chưa thể sản xuất hàng loạt. Doanh nghiệp Việt có thể có đơn hàng là các sản phẩm cơ khí chế tạo bộ dây điện nhưng cũng chỉ một phần nhỏ trong đó. Lựa chọn tối ưu để có thể tham gia vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu với doanh nghiệp Việt chỉ mới có khả năng cung cấp các đơn hàng nhỏ là trở thành nhà cung ứng của DENSO (Nhật Bản) - hãng sản xuất phụ tùng ô tô hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô hiện đại.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo JETRO cho biết, doanh nghiệp Nhật muốn hoạt động hiệu quả thì cũng cần đến các đối tác Việt Nam.

“JETRO liên tục giới thiệu các doanh nghiệp tốt ở Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật”, ông Matsumoto cho biết.

Hiện nay, cả phía Việt Nam và Nhật Bản đều thúc đẩy các hoạt động để gia tăng năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cũng như kết nối với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Chẳng hạn, triển lãm METALEX Việt Nam 2022 sẽ quy tụ và kết nối các doanh nghiệp có năng lực và bề dày kinh nghiệm, đã tham gia vào chuỗi cung ứng; các doanh nghiệp còn non trẻ về cơ khí chế tạo; các doanh nghiệp Nhật đang tìm kiếm đối tác.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cũng cho biết, đơn vị này thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao năng lực quản trị, cập nhật các xu hướng quản trị mới của thế giới; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và tái tạo nguồn nhân lực mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành sản xuất.