Thanh toán điện tử có thể trở thành nền tảng gắn kết ASEAN

Phạm Sơn - 20:00, 04/09/2020

TheLEADERThanh toán điện tử đang phát triển ngày càng mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á – thị trường nhộn nhịp, trẻ trung với xu hướng khởi nghiệp công nghệ cao đang lan rộng.

Thanh toán điện tử có thể trở thành nền tảng gắn kết ASEAN
Ngành công nghiệp thanh toán kỹ thuật số của thị trường Đông Nam Á sẽ đạt đến quy mô 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Trung Quốc từ lâu vẫn được coi là thị trường đi đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và thanh toán điện tử. Tuy nhiên, những năm gần đây, vị trí số một ấy dường như đang ngày càng bị đe dọa bởi các quốc gia Đông Nam Á.

Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Boston (BCG), tại Đông Nam Á, khoảng 49% khách hàng thành thị của các ngân hàng thương mại đã sử dụng ví điện tử. Dự đoán, tỷ lệ này sẽ tăng lên 84% vào năm 2025.

Đơn vị nghiên cứu thị trường Bain&Co cũng đưa ra dự đoán, ngành công nghiệp thanh toán kỹ thuật số của thị trường Đông Nam Á sẽ đạt đến quy mô 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025, với 6 thị trường tạo ra lợi nhuận cao nhất bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Thực tế, quá trình phát triển thanh toán điện tử ở Đông Nam Á được tăng tốc nhờ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19 dẫn tới xu thế về một “nền kinh tế ít chạm”.

Thanh toán điện tử - thị trường đầu tư màu mỡ

Theo bà Melinda Martinus, Chuyên gia Xã hội học đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), thị trường Đông Nam Á sở hữu nhiều đặc điểm tương đồng với Trung Quốc như tỷ lệ thâm nhập kỹ thuật số cao, thị trường năng động với trào lưu khởi nghiệp cũng như những chính sách khuyến khích từ chính phủ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của BCG nhận định, thông tin về các khoản thanh toán điện tử sẽ là tài nguyên quý giá để phân tích thị hiếu, mối quan tâm, mức thu nhập và thói quen tiêu dùng của khách hàng.

Vì vậy, nhiều công ty đã gia nhập cuộc chơi thanh toán điện tử với giải pháp tài chính nhanh chóng, sáng tạo, thuận tiện và chi phí thấp, không phải với mong muốn kiếm lời từ việc cung ứng dịch vụ, mà thực chất để khai thác dữ liệu tiêu dùng của thị trường.

Trong đó, các nền tảng gọi xe là những thế lực nổi bật nhất của ngành công nghiệp thanh toán điện tử. Hai ông trùm cung ứng dịch vụ đặt xe trực tuyến là Gojek và Grab đã mở thêm tính năng thanh toán trong “siêu ứng dụng” của mình, cung cấp một hệ sinh thái đa dạng và thuận tiện cho cả người mua và người bán.

Thanh toán điện tử có thể trở thành nền tảng gắn kết ASEAN
Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang dẫn đầu về sự phát triển thanh toán điện tử, còn thị trường Đông Nam Á thì đang ở giai đoạn bùng nổ.

Các ngân hàng thương mại cũng không bỏ qua xu hướng này khi giới thiệu nhiều nền tảng thanh toán kỹ thuật số với mục đích thuận tiện hóa và bổ sung trải nghiệm cho các dịch vụ truyền thống của mình.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Đông Nam Á tỏ ra yêu thích hơn các nền tảng được cung ứng bởi những đơn vị công nghệ và công nghệ tài chính như Android Pay, Samsung Pay, Apple Pay hay TransferWise. Những doanh nghiệp nhỏ hơn như Momo tại Việt Nam hay PayMaya tại Philippines cũng giành được phần lớn thị phần nội địa.

Thanh toán điện tử hướng tới giao dịch xuyên biên giới

Bà Martinus nhận xét, các ứng dụng thanh toán điện tử đã được bổ sung thêm nhiều tính năng sáng tạo và hữu ích nhưng vẫn chủ yếu hướng vào thị trường bán lẻ, tiêu dùng trong nước, bao gồm cả những ứng dụng có lượng lớn người dùng ở nhiều quốc gia như Gojek hay Grab.

Hiện nay, việc thanh toán điện tử xuyên biên giới mới chỉ đang nằm trên kế hoạch phát triển của PayNow (Singapore) và PromptPay (Thái Lan). Trong tương lai không xa, người dân có thể chuyển tiền nhanh chóng giữa hai quốc gia này chỉ bằng số điện thoại hoặc mua hàng thông qua mã QR, hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mang tính đột phá thúc đẩy doanh số tiêu dùng, bán lẻ.

Bên cạnh đó, việc mở rộng hoạt động của các nền tảng thanh toán ra nước ngoài cũng sẽ là tiền đề cho dòng lao động cũng như du lịch nội khối phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bà Martinus nhận định, một nền tảng thanh toán dễ dàng, thuận tiện, an toàn, bảo mật được thiết lập trên toàn ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn lao cho phát triển kinh tế khu vực, hướng tới mục tiêu và tầm nhìn của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Để thực hiện được điều này, các chuyên gia ISEAS đề xuất, doanh nghiệp cần thay đổi tầm nhìn dài hạn và nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển ra quốc tế. Bên cạnh đó, thách thức về tính minh bạch, an toàn thông tin cũng đang đặt ra cho sự phát triển của thanh toán điện tử, đòi hỏi chính phủ có những biện pháp, chính sách nhằm hỗ trợ các định chế tài chính trong việc định danh công dân trên nền tảng số.