Thế giới bất ổn: Lo cho bất động sản nghỉ dưỡng

An Chi - 11:44, 17/05/2019

TheLEADERTheo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi kinh tế khủng hoảng, các sản phẩm xa xỉ như du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thế giới bất ổn: Lo cho bất động sản nghỉ dưỡng
TS. Nguyễn Trí Hiếu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng là ngành liên quan và chịu tác động trực tiếp từ tình hình kinh tế trong nước và thế giới. 

Theo ông Hiếu, thế giới có nguy cơ đang đi vào một giai đoạn khủng hoảng mới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu theo thang khi bai bên liên tục trả đũa nhau bằng việc áp thuế. Bên cạnh đó là những bất ổn, mâu thuẫn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong tình hình kinh tế thế giới gặp khó khăn, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng. Hiện đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tốt, kinh tế vĩ mô duy trì đà tăng trưởng ổn định, song theo ông Hiếu, luôn có độ trễ giữa những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới với Việt Nam. 

Ví dụ, năm 2008 khi Mỹ và thế giới khủng hoảng tài chính, Việt Nam vẫn rất an toàn. Tại thời điểm đó, đã có những tuyên bố khẳng định Việt Nam miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, một năm sau đó, nền kinh tế trong nước đã chịu sự ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ buộc phải đưa ra có gói hỗ trợ lãi suất ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Tại Hội thảo “Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019” tổ chức mới đây, ông Hiếu cho rằng, khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, một số sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là các sản phẩm được xã hội đánh giá là xa xỉ phẩm như du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng.

Nguyên nhân là do nền kinh tế khó khăn, những sản phẩm có mức chi trả cao sẽ bị người dân hạn chế tiêu dùng, đầu tư. Do đó, thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

"Tất nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản của Việt Nam hiện vẫn đang phát triển ổn định, song rất khó có thể dự báo được tương lai thị trường trong thời gian tới. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chuẩn bị sẵn sàng những chiến thuật để ứng phó với rủi ro," ông Hiếu nhận định.

Lạc quan hơn về thị trường, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở, Savills miền Bắc và miền Trung cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến khá nhiều nước đặc biệt là những nước đang có giao thương với hai quốc gia này.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một thị trường rất nhỏ so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, thậm chí khủng hoảng sẽ vẫn có những nhà đầu tư tìm đến những kênh đầu tư an toàn, những quốc gia có thể phát triển ổn định.

Vấn đề của Việt Nam là làm thế nào để trở thành một trong những quốc gia an toàn, có được niềm tin của các nhà đầu tư. Muốn vậy, trước tình hình thực tế như hiện nay, Chính phủ cần có những bước đi thận trọng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và hiểu rõ hơn về nhu cầu của các nhà đầu tư, ông Hiển chia sẻ. 

Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng, nhìn lại năm 2018, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trên 7%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Đà tăng trưởng này vẫn được duy trì khá cao trong quý I/2019. Các chỉ số vĩ mô khác của Việt Nam khá ổn định và tiếp tục có những chuyển biến tích cực, khả năng giữ ổn định vĩ mô kiềm chế lạm phát khá tốt. 

Trong đó, có hai điểm đặc biệt trong bức tranh tăng trưởng năm qua là FDI tăng trưởng rất cao và khách du lịch cũng tăng mạnh 20 - 25%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản.

Giữa xu thế bất ổn của thế giới, Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng. Điều này cho thấy kết quả điều hành kinh tế vĩ mô trong nước khá hiệu quả. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, dòng đầu tư đổ vào Việt Nam có thể tăng lên, tạo ra sức cầu rất lớn cho thị trường bất động sản, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Về thị trường bất động sản năm 2019, ông Thiên dự báo, năm nay du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt sẽ tác động tích cực lên bất động sản du lịch. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. 

"Trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến được đánh giá là đáng tin cậy của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Do đó, chúng ta có cơ sở để lạc quan nhưng cần phải thận trọng về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới”, ông Thiên chia sẻ.