Thế giới làm gì để cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khủng hoảng

Phạm Sơn - 12:36, 07/06/2020

TheLEADERCác doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong các nền kinh tế, chiếm tới 95% số doanh nghiệp, cung cấp việc làm cho 60% lực lượng lao động toàn cầu nhưng lại là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố báo cáo về tác động của cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới, trong đó nhấn mạnh những dư chấn từ sự sụp đổ của các chuỗi cung ứng và phân tích những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Tác động của khủng hoảng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trong bối cảnh khi ngành y học chưa thể cho ra đời vắc-xin phòng bệnh hay phương thuốc đặc trị, cách phòng chống sự lây lan của Covid-19 hữu hiệu nhất chính là các biện pháp cách ly xã hội mà đại đa số chính phủ đã ban hành trong thời gian qua.

Điều này gây ra sự suy giảm trong nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như sự sụp đổ của nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu, khiến quá trình sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp bị gián đoạn, đẩy họ vào tình trạng điêu đứng.

Thế giới làm gì để cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khủng hoảng
Cách ly xã hội khiến hàng loạt cửa hàng, doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động mà chưa biết ngày trở lại.

Các doanh nghiệp lớn có thể miễn cưỡng chống đỡ được tình trạng này, dựa vào tiềm lực tài chính hùng hậu. Tuy nhiên, những công ty có quy mô nhỏ hơn thì không có được sức chống chịu tốt như vậy.

Áp lực tài chính ngày càng đè nặng lên những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ bị hạn chế khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay. Nhiều công ty đã bắt buộc phải phá sản do không thể giải quyết được các khoản nợ đến ngày đáo hạn.

Một khảo sát được tiến hành tại Hàn Quốc cho thấy, nếu tình hình không biến chuyển khả quan hơn, khoảng 42,1% doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động trong vòng 3 tháng, và hơn 70% cho biết hoàn toàn có khả năng cao bị phá sản trong 6 tháng tới.

Ở một số quốc gia như Việt Nam, khi tình hình bệnh dịch đã ổn định trở lại, các doanh nghiệp cũng đang từng bước khôi phục hoạt động trong trạng thái bình thường mới (new normal). Tuy vậy, nỗi lo vẫn còn kéo dài đối với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc sản xuất kinh doanh phụ thuộc một phần vào xuất nhập khẩu, khi nhiều quốc gia vẫn phải thực hiện lệnh phong tỏa.

Báo cáo chỉ ra rằng, bên cạnh ngành du lịch, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đồ dùng văn phòng, điện tử, hóa chất, dầu khí và sản phẩm nhựa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tiếp sau đó là ngành công nghiệp ô tô, bao gồm cả những doanh nghiệp lắp ráp, cung ứng linh kiện và đồ nội thất.

Tác động từ thiệt hại của những doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong các nền kinh tế, chiếm tới 95% số doanh nghiệp, cung cấp việc làm cho 60% lực lượng lao động toàn cầu.

Theo báo cáo của WTO, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần lớn trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp ở phụ nữ và những người trẻ tuổi.

Chính vì vâỵ, thiệt hại của những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp gia tăng, kéo theo nguy cơ về những bất ổn trong xã hội.

Về lâu dài, sự phá sản của nhiều doanh nghiệp sẽ dẫn tới tình trạng ảm đạm trong thị trường, khiến các nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn. Đây là một điều hết sức nguy hiểm khi đầu tư là động lực quan trọng nhất cho quá trình phục hồi của các nền kinh tế.

Giải pháp từ chính phủ và WTO

Báo cáo của WTO đề xuất các chính phủ cần phải tung ra những gói hỗ trợ tài chính kịp thời để doanh nghiệp vừa và nhỏ tạm duy trì hoạt động, bên cạnh việc yêu cầu ngân hàng nới lỏng các khoản nợ. Đây là biện pháp cần thiết phải được áp dụng kịp thời để cứu sống các doanh nghiệp này.

Thực tế, biện pháp này đã và đang được nhiều quốc gia tiến hành, bước đầu cho thấy vai trò trong việc ổn định tình hình trước mắt. Tuy nhiên, các khoản ưu đãi không được giải ngân nhanh chóng vẫn là vấn đề cần phải giải quyết.

Thế giới làm gì để cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khủng hoảng 1
Số các nền kinh tế thành viên WTO áp dụng các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp trong khủng hoảng Covid-19. Nguồn: WTO.

Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, chính phủ cũng cần bổ sung thêm một số biện pháp mở rộng thương mại nhằm nâng cao khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Cụ thể cần phải tinh giảm thủ tục hải quan, cung cấp dịch vụ vận tải và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn cung ứng thay thế.

Úc và Brazil là 2 trong số các quốc gia tiêu biểu đã áp dụng biện pháp mở rộng thương mại và đạt được những hiệu quả nhất định.

Về dài hạn, WTO đề xuất chính phủ cần thúc đẩy quá trình số hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các thành tựu kỹ thuật số như fintech, blockchain hay internet vạn vật có thể giải quyết nhiều vấn đề khó khăn: tìm kiếm nguồn cung ứng mới, chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến hay tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn.

Trong công tác hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, WTO đảm nhiệm vai trò là cầu nối, diễn đàn để trao đổi các giải pháp, cung cấp cho doanh nghiệp môi trường thương mại thuận lợi và minh bạch thông qua những nguyên tắc hoạt động cốt lõi.

Từ đó, Ban thư ký WTO kêu gọi các quốc gia thành viên cần phải tích cực tham gia các chương trình đối thoại, trao đổi những sáng kiến, giải pháp hữu hiệu cũng như kinh nghiệm thực hiện một cách hiệu quả nhất, bên cạnh việc tuân thủ và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình thực hiện những cam kết thương mại trong khuôn khổ WTO.

Ngoài ra, WTO cũng đề nghị các chính phủ tham gia đóng góp, xây dựng và hoàn thiện khung chính sách về thương mại điện tử để tạo đà phát triển xu thế này trên quy mô toàn cầu.