Diễn đàn quản trị
Thờ ơ với truyền thông nội bộ, doanh nghiệp nhận trái đắng
Theo các chuyên gia, việc thiếu quan tâm đến truyền thông nội bộ sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến chính thương hiệu của doanh nghiệp.
Mùa hè vừa rồi, anh Tú, lập trình viên của một công ty về công nghệ có tiếng ở Hà Nội cùng hơn 400 đồng nghiệp lên xe khởi hành đến Đà Nẵng trong vòng bốn ngày ba đêm để nghỉ mát.
Đây là một hoạt động thường niên của công ty này để thưởng cho nhân viên sau một năm làm việc vất vả.
Thế nhưng, suốt bốn ngày ở Đà Nẵng, những hoạt động mà anh Tú cùng bạn bè của mình tham gia cũng chỉ là nghỉ ngơi trong khách sạn, ăn uống và "tự khám phá". Mặc dù cả công ty có khoảng 400/1.000 người tham gia chuyến đi nhưng anh Tú cho biết trong suốt kỳ nghỉ, anh cũng chỉ tiếp xúc với vài người mà anh thường chơi cùng trong nhóm làm việc.
Không có kết nối, không có hoạt động team-building và cũng chẳng có lịch trình cụ thể cho chuyến đi có lẽ là những lý do khiến cho anh Tú cùng nhiều người khác trong đoàn cảm thấy "chưa bao giờ mà một chuyến đi chơi xa lại lâu và nhanh chán đến như vậy". Anh Tú ngán ngẩm lắc đầu: "Truyền thông nội bộ của công ty còn kém quá"!
Truyền thông nội bộ vẫn đang theo chiều dọc
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Chủ tịch hội đồng khoa học Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho biết ở Việt Nam hiện nay, có tới khoảng 80% doanh nghiệp không chú trọng đến truyền thông nội bộ; mà nếu có thì cũng chỉ làm theo chiều dọc theo kiểu sếp ở trên nói, dưới làm theo. Việc nhân viên đưa ra khuyến nghị hay đề xuất, nhận xét đối với cấp trên vẫn còn là một điều hiếm thấy ở các doanh nghiệp Việt.
"Nhiều người muốn góp ý lắm nhưng cũng chỉ biết tìm đến facebook với dòng trạng thái: Có một cảm giác buồn không hề nhẹ", ông Thịnh hài hước mô tả.
Truyền thông nội bộ vì thế, theo ông Thịnh, là bị thui chột và đôi khi còn mang tính áp đặt, và thậm chí là áp đặt đến mức vô lý.
"Có những doanh nghiệp mồng 1 âm lịch hàng tháng bắt buộc phải ăn cái này, mồng 2 phải ăn cái kia, giữa tháng phải ăn...thịt chó. Sếp thích uống Silva thì nhân viên cũng phải theo đó mà uống Silva", ông Thịnh lấy ví dụ.
Theo nhiều chuyên gia, việc thiếu quan tâm đến truyền thông nội bộ sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến chính thương hiệu của doanh nghiệp bởi lẽ nếu không quan tâm đến nhân viên và không yêu thương nhân viên để họ được cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ thì họ sẽ chẳng bao giờ chăm sóc khách hàng hết mình và làm tốt công việc.
Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó viện trưởng Viện Văn hóa doanh nghiệp, một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng một văn hoá và thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là nguyên tắc giám sát; điều ông Cương nhấn mạnh ở đây là sự giám sát của nhân viên đối với người lãnh đạo về phẩm cách và chuẩn mực đạo đức.
Ông Cương cho biết, một trong những phương pháp quản trị nhân sự tiên tiến mới được áp dụng là phương pháp đánh giá 360 độ, cho phép việc giám sát và đánh giá của nhân viên đối với lãnh đạo và giữa những người đồng cấp. Phương pháp này giúp cho lãnh đạo có những áp lực trong việc giám sát để tránh sai lầm, tạo môi trường dân chủ.
"FPT là một ví dụ điển hình. Chẳng hạn, nhân viên được mắng sếp, sếp không được mắng nhân viên, nếu có trót mắng nhân viên thì phải khen 2 lần", ông Cương lấy ví dụ.
Bà Phùng Thu Trang, Trưởng ban Truyền thông Công ty CP Viễn thông FPT cho biết, ở công ty này, văn hoá "tôn đổi đồng - chí gương sáng" luôn luôn được tôn trọng. Trong đó, "tôn đổi đồng" là tôn trọng cá nhân, tinh thần đổi mới và tinh thần đồng đội.
Theo đó, cấp dưới có thể nói thẳng với cấp trên, không phân biệt vị trí cao thấp, quan hệ thân sơ; luôn khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; và quan tâm đến từng nhân viên; thường xuyên tổ chức các hoạt động team-building để kết nối.
"FPT tạo ra một môi trường văn hoá không tham nhũng, sử dụng đánh giá 360 độ cùng nhiều hệ quy chiếu khác. Văn hoá doanh nghiệp không chỉ để xây dựng cho cán bộ nhân viên mà còn phải thấm nhuần và lan toả đến khách hàng", bà Trang cho biết.
Chẳng hạn như cơn bão số 10 ập đến vào giữa tháng 9 năm ngoái đã làm sập toàn bộ hệ thống kết nối mạng của FPT Telecom trong vòng 8 tiếng; lúc đó, người lãnh đạo cấp cao nhất đã dùng kết nối 3G để đăng tải thông tin có đính kèm lời xin lỗi trên chính trang cá nhân của mình; và khoảng 30 phút sau đó, hàng chục ngàn thông điệp khác không ngừng được phát đi từ các nhân viên của công ty này.
"Với động lực thì là nỗ lực của doanh nghiệp còn với khách hàng cần có sự chân thành; đó là nỗ lực từ trong tâm", đại diện FPT cho biết.
Tuy nhiên, Chủ tịch BCSI thừa nhận, với văn hoá mang đậm tính truyền thống như ở Việt Nam thì việc thực thi những điều này vẫn chưa thể dễ dàng vì theo ảnh hưởng của văn hoá gia đình, lãnh đạo là bề trên nên có quyền chỉ bảo và thậm chí là mắng cấp dưới nhưng không được mắng cấp trên.
Có cùng quan điểm, ông Cương cho rằng văn hoá doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay cũng giống như văn hoá gia đình. Nhiều người ở bên ngoài tỏ ra là một gia đình yêu thương nhau nhưng về đến nhà là chồng đánh vợ, bố đánh con; cũng như nhiều doanh nghiệp làm truyền thông rất hay nhưng lại đối xử với nhân viên của mình chẳng ra gì.
Theo ông Cương, các doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy đến hành động, đặc biệt khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào cuộc sống của mỗi cá nhân và tác động không nhỏ đến doanh nghiệp; cần tăng cường tương tác và liên kết giữa nhân viên và lãnh đạo để từ đó truyền cảm hứng, tiến đến truyền tải tới cả khách hàng.
"Thương hiệu chẳng phải là cái gì to tát; đôi khi chỉ là một nụ cười, một cái bắt tay hay một thái độ ân cần. Thương hiệu không phải là cứ lên truyền hình quảng cáo bao nhiêu phút, bao nhiêu giây; giờ đây mỗi cá nhân với một chiếc điện thoại thông minh cũng đã có thể trở thành một nhà báo", ông Thịnh nhìn nhận.
Truyền thông nội bộ: Chìa khóa vàng tái cấu trúc công ty
Các tập đoàn lớn đang lãng phí khoảng 50% chi phí truyền thông
Một khảo sát do Nielsen tổ chức với tất cả Giám đốc Sale và Marketing của các tập đoàn lớn trên thế giới cho thấy, có khoảng 30% đến 50% chi phí truyền thông bị lãng phí, 40% mục tiêu chiến dịch không đúng với yêu cầu.
Khủng hoảng truyền thông: Cái giá của sự thiếu minh bạch
Theo Chủ tịch Le Bros Lê Quốc Vinh, chỉ có sự minh bạch hoá thông tin mới là giải pháp tối ưu nhất để phòng ngừa các rủi ro khủng hoảng truyền thông trong thời đại ngày nay.
'Giới truyền thông đang phấn khích hơi quá về sự hiện diện của Amazon ở Việt Nam'
Lãnh đạo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tiết lộ, Amazon chỉ đang nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam xuất khẩu dễ dàng hơn thông qua việc bán hàng trên trang web của Amazon mà thôi.
Nguyên Cục trưởng Thông tin đối ngoại: 'Truyền thông chính sách là vấn đề sống còn'
Theo ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, truyền thông chính sách là vấn đề sống còn, phía sau khủng hoảng truyền thông là khủng hoảng chính trị, lòng tin của người dân.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.