Thời trang Việt thu mình trước sự đổ bộ của thương hiệu ngoại

Nhật Minh - 16:23, 14/05/2021

TheLEADERSự xuất hiện của nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài đã khiến ngành thời trang nội vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng bị thu hẹp hơn.

CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC) trong báo cáo mới đây nhận định doanh nghiệp thời trang nội địa từ lâu đã mất lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế ngay trên sân nhà.

Nguyên nhân là do mẫu mã thiết kế nghèo nàn, quy mô nhỏ. Dù có nhiều cải thiện trong nhiều năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp thời trang Việt chủ yếu vẫn nặng về gia công.

Thị trường thời trang Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập và chiếm ưu thế như H&M, Zara, Uniqlo. VIRAC cho biết hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp có cửa hàng chính thức tại Việt Nam.

Sự đổ bộ này đã đẩy ngành thời trang nội vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng bị thu hẹp hơn.

Dữ liệu từ Euromonitor cho biết ba doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất thị trường thời trang Việt Nam đều là nằm trong tay nước ngoài, dẫn đầu là Adidas với 1,5%. Các doanh nghiệp Việt theo ngay sau tốp 3 là những doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu không còn xa lạ như Biti’s, Canifa, Việt Tiến, May 10.

Thương hiệu ngoại đổ bộ, thời trang Việt thua ngay sân nhà
Nguồn: VIRAC, Euromonitor.

Tuy vậy, một số thương hiệu nội địa được xem là có chỗ đứng trên thị trường như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10 cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở. Một số thương hiệu nội địa như Foci dù từng được coi là hàng hiệu với chuỗi cửa hàng số lượng lớn đã phải đóng cửa.

Theo VIRAC, các doanh nghiệp Việt Nam nhận gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới nên chất lượng các sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trên thực tế không quá chênh lệch nếu so với sản phẩm của nhiều thương hiệu nước ngoài.

Cùng với đó, các sản phẩm vẫn còn nặng về gia công, xuất khẩu dưới tên các thương hiệu nước ngoài khiến thị trường thời trang Việt Nam xa lạ trên bản đồ thời trang thế giới, kể cả trong khu vực.

Thời trang Việt tuy sở hữu nhiều gương mặt thiết kế tài năng ấn tượng được đánh giá cao bởi các đồng nghiệp quốc tế nhưng vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Không chỉ vậy, xu hướng kinh doanh tự phát đi kèm với sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều công ty khởi nghiệp thời trang Việt dẫn đến tình trạng khó có thể bán hàng bền vững do không có chiến lược phù hợp với quản lý, quảng bá thương hiệu trong dài hạn.

Nhiều thương hiệu trẻ thậm chí còn sao chép mẫu mã từ các thương hiệu quốc tế và bán giá rẻ hơn nhằm thu lợi mà không hướng tới những mục tiêu phát triển lâu dài.

VIRAC nhận định lý do của vấn đề trên phần lớn nằm ở việc Việt Nam hiện vẫn chưa có môi trường, trường lớp bài bản về vận hành thương hiệu thời trang để phát triển ngành công nghiệp thời trang trong nước một cách hiệu quả, có hệ thống.

Ngoài vị thế lép vế trên sân nhà, tình trạng kinh doanh tự phát, hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề nhức nhối trong ngành thời trang Việt Nam. Phần lớn các chợ, cửa hàng thời trang, thậm chí cả trên những kênh mua sắm thời trang trực tuyến tại Việt Nam ngang nhiên bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, với mẫu mã đa dạng và giá rẻ hơn rất nhiều so với mặt hàng thời trang chính hiệu.

Trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhưng tình trạng buôn bán hàng giả vẫn còn tràn lan, gây khó khăn cho các doanh nghiệp thời trang nói riêng và thị trường thời trang Việt Nam nói chung.

Xu hướng thị trường thời trang Việt 2021

VIRAC dự báo thời trang bền vững – cung cấp, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thời trang được thiết kế theo cách đảm bảo sự bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế - sẽ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thu nhập của người dân dần được cải thiện, ý thức trách nhiệm của giới trẻ với sản phẩm thời trang và môi trường ngày càng cao.

Trong thời gian tới, ngành thời trang sẽ chú trọng hơn vào tính bền vững, bao gồm vật liệu sản xuất từ các nguồn thân thiện môi trường, nguồn vật liệu tái chế và ít dùng hóa chất, quy trình sản xuất đảm bảo các yếu tố tiết kiệm năng lượng, phúc lợi lao động.

Bên cạnh đó, phân phối trên kênh thương mại điện tử ngày càng phổ biến, người tiêu dùng chuyển sang kênh trực tuyến nhiều hơn.

Nguyên nhân chủ yếu là nhờ việc quản lý chất lượng hàng hóa trên các trang thương mại điện tử đã tốt hơn, nhiều quy định chặt chẽ hơn về hình ảnh và mô tả sản phẩm giúp cải thiện lòng tin của người tiêu dùng với quần áo trên mạng.

Thêm vào đó, Covid-19 cũng là nguyên nhân thúc đẩy xu hướng mua sắm mặt hàng thời trang trực tuyến. Giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập nơi đông người khiến người dân hình thành thói quen mua hàng trực tuyến để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nội dung dưới dạng video (video content) đang ngày càng trở nên hấp dẫn và dự báo sẽ thống trị các các phương tiện truyền thông xã hội.

Phát trực tiếp (livestream) cũng đang cho thấy sự hữu ích của mình trong thúc đẩy doanh số bán hàng cho các thương hiệu thời trang. Nhiều sự kiện mua sắm quy mô lớn được tổ chức trên livestream và điều này đang ngày càng trở nên phổ biến, VIRAC đánh giá.