Thống kê du lịch Việt Nam, bao giờ số liệu thôi nhảy múa?

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 11:20, 11/05/2023

TheLEADERĐã đến lúc phải thống nhất số liệu thống kê du lịch; những địa phương, cơ quan quản lý... cố tình lập lờ, phóng đại số liệu, cần phải xử lý nghiêm để tránh hậu quả khôn lường.

Thống kê du lịch Việt Nam, bao giờ số liệu thôi nhảy múa?
Khách du lịch tại TP.HCM. Ảnh Hoàng Anh/TL

Số liệu siêu nhanh

Ngày 4/5/2023, báo chí đồng loạt đưa tin “Tổng cục Du lịch cho biết, trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5 (tức từ 29/4 – 3/5); cả nước ước tính đón khoảng 7,3 triệu lượt khách gồm khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40%), hơn 300.000 khách quốc tế. Có 3,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu ước đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 9%). Công suất phòng trung bình 60%, một số nơi 100%”.

Thanh Hóa là địa phương có lượng khách cao nhất, khoảng 1.195.000 lượt khách (tăng 33,1%); tổng thu khoảng 2.865 tỷ đồng (tăng 48,3%). Cần Thơ đón 982.000 lượt khách (khoảng 1.800 lượt khách quốc tế), tổng thu ước đạt 523 tỷ đồng. Riêng Phú Thọ đột biến, đón 5,4 triệu lượt khách (chiếm 74% cả nước).

Thành phố Hồ Chí Minh đón 950.000 lượt khách (tăng 126,2%); khoảng 48.000 lượt khách quốc tế; tổng thu ước đạt 3.130 tỷ đồng (tăng 94%). Hà Nội đón 719.000 lượt khách (69.500 lượt khách quốc tế); tổng thu đạt 2.400 tỷ đồng. Kiên Giang, chủ yếu Phú Quốc đón khoảng 264.938 lượt khách (giảm 9,4%), công suất phòng 54%; tổng thu đạt trên 132,5 tỷ đồng (giảm 24,3%).

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi và vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh. Tín hiệu khách quốc tế tăng, mở ra kỳ vọng đạt 8 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, ông Khánh thừa nhận, do lượng khách tăng cao nên vẫn còn hiện tượng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Một số điểm hủy lịch trình, hủy dịch vụ, chất lượng phục vụ tại một số điểm du lịch chưa đáp ứng.

Thống kê không thể tin

Dân trong nghề, đọc xong có người cười nghiêng ngả, nhiều người chỉ lắc đầu. Cơ quan nhà nước, từ bộ, tổng cục đến sở và các phòng quản lý du lịch đều nghỉ lễ. Dù có làm việc liên tục, "ba đầu sáu tay" cũng không thể tổng hợp số liệu siêu nhanh như vậy; trừ khi mọi thứ lập trình sẵn, bấm nút ra số liệu.

Năm 2019, lượng khách quốc tế chiếm 22,5% so với nội địa (18/80 triệu). Kỳ nghỉ vừa qua, chỉ đạt 4% (300.000/7.300.000). Khách Campuchia và Lào không có trong thống kê khách inbound? Không thấy số liệu khách outbound. Khách inbound và outbound thì dựa vào số liệu xuất nhập cảnh (dù không phải tất cả đều đi du lịch). 

Đố ai biết cách tính khách nội địa dựa trên cơ sở nào? Lưu trú, ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí, shopping, đi chùa, lễ hội… một người đi nhiều nơi thì tính sao??

Lượng khách cả nước tăng 40% nhưng doanh thu chỉ tăng 9% là trái với xu thế sau dịch, khách chọn tour cao cấp, chi tiêu nhiều hơn, trải nghiệm tốt hơn. Thanh Hóa, năm thứ 2, đứng đầu cả nước. Cần Thơ đột biến, tăng 139% lượng khách và 185% doanh thu, còn hơn cả kỳ tích. Nhưng lấy tổng doanh thu 523 tỷ đồng chia cho 982.000 khách thì chỉ đạt 532.000 đồng người trong 5 ngày ở Cần Thơ? 

Phú Thọ còn mấy lần siêu: Lễ 30/4 năm ngoái không có trong Top 10, năm nay đón 5,4 triệu khách, bằng 74% cả nước (5,4/7,3 triệu). Đếm bằng cách nào mà biết 5,4 triệu lượt khách?

Chữ nghĩa lập lờ, có nơi tính khách (đầu người), có nơi tính lượt khách (một người nhiều lượt). Số tròn thì ước đạt, khoảng; số cụ thể cũng khoảng (Kiên Giang đón khoảng 264.933 lượt khách). Số liệu 30/4/2023 chỉ có lượng khách và doanh thu nhưng 2022, có thêm lưu trú. 

Dịp lễ 30/4/2022, Thanh Hóa vươn lên dẫn đầu cả nước với 898.000 lượt khách (bằng 9,3% cả năm 2019), tổng doanh thu 1.960 tỷ đồng (bằng 13%) cả năm 2019. Chỉ 4 ngày bằng 13% cả năm!? Tuy nhiên, số liệu 577.000 lượt khách lưu trú cần được thẩm định lại. Theo số liệu của Sở Văn hóa thể thao du lịch ngày 9/5/2019, toàn Thanh Hóa có 10.970 phòng lưu trú từ 1 – 5 sao. Giả sử có thêm 4.000 phòng guest house, homestay thì ổng cộng 15.000 phòng. Nếu hết công suất 100% trong 3 đêm, phòng 3 người; cũng chỉ có 135.000 lượt khách lưu trú thì lấy đâu ra số liệu 577.000 lượt? Thuê theo giờ cũng không ra số đó!

Nghệ An xếp thứ 2 với 712.000 lượt khách (bằng 11% năm 2019, gấp hơn 10 lần dịp lễ cùng kỳ 2021). Tổng doanh thu đạt 855 tỷ đồng (bằng 9,7% năm 2019; gấp 41,5 lần dịp lễ 2021). Hình ảnh du lịch Nghệ An dịp 30/4 – 1/5/2021 đã chen chúc, không hiểu là lượng khách tăng gấp 10 lần thì như thế nào, làm sao phục vụ và đảm bảo an toàn? Số liệu 285.000 lượt khách lưu trú (bằng 49% Thanh Hóa) cần được xác minh. Lượng khách đến Nghệ An bằng 79% Thanh Hóa nhưng doanh thu chỉ bằng 43,6% cũng cần lý giải.

Hình như ở Việt Nam, làm du lịch ai cũng thích "nổ”. Không chỉ các tỉnh thành, mà các công ty lữ hành cũng thường xuyên “nổ”, nhất là các dịp lễ tết.

Đáng buồn là việc “nổ” diễn ra trong hội thảo tầm cỡ của thành phố nhưng không ai phát hiện ra, hoặc biết mà không dám nói. Các địa phương có thể báo cáo vống, khoe thành tích ảo thì Tổng cục Du lịch phải thẩm định lại, nhắc nhở và tuýt còi. Đằng này, Tổng cục công bố luôn, xem như thành tích của ngành!

Thống kê du lịch Việt Nam, bao giờ số liệu thôi nhảy múa?
Top 10 tỉnh thành dẫn đầu lượng khách dịp 30/4 và 1/5/2022
Thống kê du lịch Việt Nam, bao giờ số liệu thôi nhảy múa? 1
Các tỉnh thành có lượng khách dẫn đầu dip 30/4 và 1/5/2023

Hậu quả và kiến giải

Lâu nay, việc báo cáo số liệu ở Việt Nam thường vênh nhau giữa địa phương với Trung ương và không thể kiểm chứng. Việc này là biểu hiện của bệnh thành tích, thói khoa trương, chạy theo số lượng, làm kinh tế kiểu phong trào.

Số liệu nhảy múa theo cảm tính thì làm kế hoạch cũng buộc phải cảm tính nhảy múa theo. Ở các nước, số liệu thống kê, có phân tích là cơ sở quan trọng nhất để hoạch định chiến lược phát triển, không riêng gì du lịch mà ngành nào cũng vậy. Các doanh nghiệp du lịch chuyên nghiệp chẳng ai tin vào mấy thống kê đó. Chỉ tội các nhà đầu tư ngoài ngành, cả tin, không có tư vấn thực tiễn.

Số liệu sai dẫn đến kế hoạch sai, thiệt hại kinh tế nhãn tiền, nguy hại hơn là mất niềm tin. Trước khi tiến hành công nghiệp 4.KHÔNG và chuyển đổi số, phải làm ngay 4.CÓ – THÔNG TIN MINH BẠCH – SỐ LIỆU CHÍNH XÁC – CÁCH LÀM HIỆU QUẢ – NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM. Cần đoạn tuyệt với thống kê tùy tiện, số liệu nhảy múa, cách làm chung chung, không ai chịu trách nhiệm cụ thể.

Riêng với ngành du lịch, tôi xin mạo muội đề xuất:

Thống kê định kỳ 3 hoặc 6 tháng, không chỉ thống kê dịp lễ, tết để khoe số liệu. Các festival, lễ hội phải tổ chức vào mùa thấp điểm để kéo khách đến; mùa cao điểm, không cần sự kiện, khách vẫn đông.

Khách du lịch gồm Inbound (khách nước ngoài); Outbound (người Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam mua tour qua nước khác) và nội địa. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) chỉ thống kê, xếp hạng khách Inbound và doanh thu. Đưa khách Campuchia và Lào và thống kê khách Inbuond.

Khách nội địa đi du lịch là phải lưu trú qua đêm (tính đêm lưu trú). Khách tham quan tính lượt (một người đi nhiều điểm). Không ghép khách dự các lễ hội, sự kiện miễn phí; đi chùa, nhà thờ vào lượng khách du lịch. Kinh doanh du lịch, ngoài tổng doanh thu, quan trọng nhất là doanh thu đầu người.

Chẳng nước nào mà doanh thu đầu khách du lịch chỉ vài trăm ngàn đồng. Năm 2019, du lịch Thái Nguyên đón 2.900.000 lượt khách; tổng thu 400 tỷ đồng; bình quân đầu người 138.000 đồng (nguồn VOV.vn 16/6/2021). Đồng Tháp đón 3.900.000 lượt khách, doanh thu 1.050 tỷ đồng; bình quân đầu người là 269.000 đồng (nguồn dulich.dongthap.gov.vn 23/1/2020)…

Làm du lịch là làm kinh tế, số liệu cần chính xác, tăng, giảm có phân tích, lý giải. Những địa phương cố tình lập lờ, phóng đại, phải xử lý nghiêm. Báo cáo sai làm nhiễu thông tin, dẫn đến việc đánh giá, dự báo, lập kế hoạch thiếu thực tế và vỡ trận. Hậu quả khôn lường!