Thủ tướng: 'Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc'

Nhã Nam - 21:40, 04/06/2019

TheLEADERTheo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh và năng lực cấp đông. Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ cấp đông lại quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay.

Thủ tướng: 'Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc'
Nguồn cung thịt lợn cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.

Bộ Công Thương nhận định 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn do thời tiết nắng nóng và tâm lý lo ngại trước thông tin dịch bệnh, nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.

Do vậy, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Tại cuộc họp vào cuối tuần trước giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết phương pháp này sẽ đảm bảo được 3 mục đích gồm giảm thiệt hại cho nông dân, giảm chi ngân sách nhà nước, giảm ô nhiễm môi trường.

Đánh giá về tính khả thi của phương pháp giết mổ và cấp đông để đưa thịt sạch đến người dân, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, chủ trương của Chính phủ là thu mua sau đó cấp đông để giảm khó khăn cho người nông dân trong thời điểm hiện nay. Đồng thời, cũng phải tính đến nguồn cung của mặt hàng thịt lợn thời gian sắp tới rất đáng lo ngại.

Tuy vậy, khó khăn nhìn thấy ngay chính là người tiêu dùng vẫn quen sử dụng thịt lợn tươi, hằng ngày đi mua ở các chợ.

Ngoài ra, khả năng cấp đông của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Việc cấp đông thịt lợn với khối lượng lớn, trong thời gian dài sẽ gặp khó về nguồn lực, cơ sở hạ tầng, tài chính. Một số doanh nghiệp còn nhập khẩu thịt từ nước ngoài nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra, phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Bên cạnh đó, hạ tầng của cơ sở giết mổ nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu chế biến. Hiện cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh và năng lực cấp đông.

Tuy nhiên, 5/14 doanh nghiệp đó chuyên xuất khẩu lợn sữa (heo sữa) đã từ chối vì chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại tổng công suất kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, hiện đang cấp đông 1.200 tấn, như vậy kho chỉ còn trống khoảng 4.800 tấn, con số quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay.

“Do vậy, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có đề xuất với các cấp có thẩm quyền để ban hành các chính sách, trước hết với các doanh nghiệp thu mua thực phẩm đông lạnh và tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đây là thực phẩm an toàn và chắc chắn giá thành thu mua sẽ có hiệu quả. Tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen chuyển từ sử dụng thực phẩm tươi chuyển sang thực phẩm chế biến cũng là công việc rất quan trọng thời gian tới”, Thứ trưởng cho biết.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận các sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ việc tổ chức cấp đông cho các doanh nghiệp.

Bộ cũng đề nghị doanh nghiệp tích cực triển khai việc thu mua, giết mổ cấp đông đối với các sản phẩm thịt an toàn đã được ngành nông nghiệp chứng nhận. Các doanh nghiệp chăn nuôi có kế hoạch tái đàn sau dịch để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và sớm nhất có thể đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, khuyến khích doanh nghiệp thu mua thịt lợn dự trữ cấp đông.

Khả năng hỗ trợ cấp đông thịt lợn của doanh nghiệp là có hạn
Cả nước đã buộc phải tiêu hủy tổng số trên 2 triệu con lợn.

Từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục giảm trở lại, hiện giá lợn hơi tại phía bắc phổ biến từ 28.000-33.0000 đồng/kg; giá lợn hơi từ miền Nam phổ biến từ 32.000-38.000 đồng/kg (giảm 2.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước); giá thịt lợn thành phẩm từ 70.000-90.000 đồng/kg, tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại trên 3.000 xã, phường, thị trấn của 52 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy tổng số trên 2 triệu con lợn.

Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh đến các địa phương chưa có dịch; tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày; xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn là rất cao, dẫn đến buộc phải tiêu hủy nhiều lợn trong thời gian tới.

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhưng thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện gửi các bộ ngành về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm "phòng, chống dịch như chống giặc", "phòng là chính, cơ sở và người dân là chính".

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,... để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân.

Các Bộ, ngành và từng thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tổ chức các đoàn công tác đến đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa phương.