Thuế tài sản chỉ làm giảm thu nhập người giàu, không ảnh hưởng đến đói nghèo

An Chi - 11:02, 23/12/2018

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đức Thành, thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo mà chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu.

Thuế tài sản chỉ làm giảm thu nhập người giàu, không ảnh hưởng đến đói nghèo
Thuế Tài sản sẽ chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu

Tháng 4/2018, Bộ Tài chính đã có đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở có giá trị trên 700 triệu đồng và tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị trên 1,5 tỷ đồng.

Ngay khi đề xuất này được đưa ra, dư luận đã có sự phản ứng dữ dội. Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với phương án đánh thuế của Bộ Tài chính. Do đó, bộ này đã phải kéo dài thêm thời gian xây dựng dự thảo Luật Thuế tài sản để nghiên cứu phương án phù hợp. Sự việc nhờ đó đã tạm lắng xuống trong một thời gian dài.

Phải đến gần đây, câu chuyện về thuế tài sản mới được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ một cách kỹ lưỡng. Theo TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), thống kê từ Bộ Tài chính cho biết 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau.

Đáng chú ý, thuế bất động sản chiếm 80% thu ngân sách địa phương ở Thái Lan, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan. Tại nhiều nước như Úc, Pháp, Tây Ban Nha, thuế tài sản cũng chiếm quá nửa nguồn chi tiêu cho các địa phương.

Trong khi đó, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp 0,03 - 0,06% GDP mỗi năm, thua xa các nước khác trên thế giới. Vai trò của loại thuế này với ngân sách địa phương cũng rất khiêm tốn, chỉ từ 5 - 7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ 2%.

Theo ông Cường, ở các thành phố lớn, đơn cử một căn hộ ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội, nơi có vị trí đẹp, giá trị căn hộ theo thị trường cao, nên mức thuế đóng cũng phải tương xứng. Sau đó, địa phương sẽ dùng tiền thuế này để tiếp tục đầu tư vào hạ tầng phục vụ chính người dân.

Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu theo hướng thuế tài sản là một sắc thuế địa phương, tạo nguồn thu cho địa phương. 

Hơn nữa, thuế tài sản cũng là sắc thuế ít tác động tới hành vi kinh tế hơn các loại thuế khác như thuế thu nhập, thuế tiêu dùng. Việc đánh thuế tài sản có thể phân bổ lại dân cư, quy hoạch lại các khu dân cư theo từng nhóm người. Đánh thuế tài sản cũng có thể tác động tới thị trường nhà đất, khiến cho giá bất đống sản được điều chỉnh về mức phù hợp.

Đứng trên góc độ người nộp thuế, tại hội thảo “Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Việt Cường cho rằng, thuế tài sản là cú sốc làm giảm thu nhập và tiêu dùng của hộ gia đình, ít nhất là trong ngắn hạn. Thu nhập giảm sẽ làm mức chi tiêu thực tế giảm. Điều này nhiều khả năng sẽ làm tăng khả năng rơi vào nghèo đói.

Theo dự thảo Luật Thuế tài sản có ba đối tượng bị chịu thuế là đất phi nông nghiệp; nhà ở; tàu bay, ô tô có giá trị từ 1.5 tỷ đồng. 

Đối với đất, diện tích đất tính thuế được ghi trên Giấy chứng nhận sử dụng đất. Thuế suất: 0.4% đối với đất ở; 0.3% đối với đất phi nông nghiệp khác (trong đó thuế suất 0.52% với đất xây dựng nhà hàng)

Đối với nhà, diện tích nhà tính thuế là toàn bộ diện tích nhà sử dụng theo quy định của pháp luật. Giá 1m2 nhà tính thuế bằng giá 1 m2 nhà xây mới và tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà. Thuế suất 0.4% với phần giá nhà tính thuế trên 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá mỗi m2 nhà đất tính thuế là mức giá được quy định tại Bảng giá do UBND tỉnh công bố. Mức giá này thấp hơn nhiều giá trên thị trường. Theo ước tính ban đầu của ban soạn thảo, phần lớn nhà ở nông thôn, hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp sẽ không phải nộp thuế.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản tuy không phải quan trọng đối với ngân sách quốc gia, nhưng là nguồn thu quan trọng ở địa phương tại hầu hết các nước. Nguồn thu này giúp cải thiện chi tiêu công tại địa phương.

Cũng theo ông Thành, thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được nâng cao chất lượng cuộc sống

Vị chuyên gia này cho rằng, đây không phải một sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội.

Bên cạnh đó, không có thuế tài sản chung chung, mà cần cụ thể hóa thành một loại thuế nào đó, có bản chất liên quan đến tài sản. Việc thiết kế các luật thuế liên quan đến tài sản cần phải được xác định mục đích rõ ràng. 

Theo kinh nghiệm quốc tế, thuế bất động sản là loại thuế địa phương và chính quyền địa phương có quyền hạn nhất định trong việc đặt ra thuế suất. Việc áp dụng luật thuế đại trà như trong dự thảo là đi ngược lại với thông lệ quốc tế, khó thực hiện. 

Hơn nữa, thuế bất động sản không nhằm phân phối lại thu nhập mà là phân định lại khu dân cư. Nếu ngân sách địa phương không minh bạch và nguồn thu từ thuế bất động sản không được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và an ninh địa phương thì sẽ gây bất bình trong công luận.

Mặt khác, cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của ngân sách. Đặc biệt muốn cải thiện nguồn thu thuế được sự đồng thuận của người dân, phải nâng tính giải trình trong các khoản chi ngân sách. Việc cải thiện ngân sách cần bắt nguồn từ tiết kiệm chi, chứ không phải việc tăng cường thu, ông Thành khẳng định.