‘Thương hiệu nông sản có được từ niềm tin của người tiêu dùng’

Nhật Hạ - 15:07, 08/06/2022

TheLEADERĐây là ‘chân lý’ mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh khi nói về việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Thương hiệu khác nhãn hiệu. Trong đó, nhãn hiệu chỉ mất 1 – 2 năm xây dựng và sau đó đăng ký qua Bộ Khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, thương hiệu bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng, mà để có được niềm tin người tiêu dùng mới khó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn Lê Minh Hoan nhận định tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua.

Theo ông, muốn xây dựng thương hiệu nông sản Việt thì phải từ thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu của hợp tác xã, của người nông dân, ví dụ ngành hàng thanh long của Long An, Bình Thuận phải mất 5 - 10 năm để hình thành được cảm xúc hay ấn tượng của người tiêu dùng.

Do đó, cần thay đổi tư duy, bắt đầu bằng hệ sinh thái ngành hàng, chứ không phải từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“Bởi đây là câu chuyện mà không tự áp đặt, tự dưng ra một slogan hay giới thiệu về thương hiệu, mà nó được nhận dạng qua những thứ vô hình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Chậm định vị thương hiệu

Hiện nay, thương hiệu nông sản Việt đang chậm được định vị trên thị trường quốc tế. Như trong chuyến thăm Mỹ cùng Thủ tướng Chính phủ vừa qua, vào các siêu thị hay hệ thống phân phối lớn, bộ trưởng nhận thấy nông sản Việt ít có mặt tại đó.

‘Thương hiệu nông sản có được từ niềm tin của người tiêu dùng’ 1
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 8/6. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Nguyên nhân là do chưa tổ chức lại hệ thống ngành hàng tốt để chuẩn hóa tất cả các yêu cầu của thị trường, tạo nên niềm tin về một nền nông nghiệp minh bạch trách nhiệm, bền vững, tạo ra tín nhiệm của thị trường liên tục trong nhiều năm.

Do đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống từ cấp cơ sở gồm nông dân và hợp tác xã thống nhất một quy trình, quy chuẩn canh tác để sản phẩm đồng nhất liên tục trong nhiều mùa vụ, cùng với sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp giúp dẫn dắt thị trường, tạo nên thương hiệu nông sản Việt.

Ông bày tỏ mong muốn trước nhất phải làm tốt thương hiệu trong nước, niềm tin nông sản trong nước sẽ làm bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài.

Chưa có niềm tin của người tiêu dùng trong nước

Tuy nhiên, đến nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu dân, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) cho hay và tỏ ra sốt ruột trong tiến trình thực hiện thông điệp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng đưa ra: “Chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khỏe hàng triệu dân”.

“Khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ thế giới”, đại biểu Mai chất vấn bộ trưởng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học không tuân thủ nguyên tắc ‘bốn đúng’ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Ông cho rằng việc thay đổi tập quán là không dễ khi tồn tại mối quan hệ ‘chằng chịt’ hay ‘khế ước ngầm’ giữa các đại lý vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và những người nông dân.

Để giải quyết vấn đề này, bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm.

Các địa phương vận động bà con vào hợp tác xã để có pháp nhân rõ ràng, hình thành cơ quan tài phán để phân biệt về giá cả, chất lượng, tư vấn giảm dần lệ thuộc vào chất bảo vệ thực vật vô cơ. Mặt khác, doanh nghiệp phải từ chối các nông sản chưa được minh bạch về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vấn đề hữu cơ cần phải kiên trì. Ngay cả tại các nước như Nhật Bản cũng có các phân khúc hữu cơ và không hữu cơ có độ an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm chứng từ các hệ thống phân phối để đánh giá chất lượng.

“Đáng tiếc, đến bây giờ Việt Nam chưa có hệ thống để đánh giá”, theo ông Hoan. Nền nông nghiệp Việt đang mang 3 ‘lời nguyền’ gồm manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có diện tích nông nghiệp lớn nhất nhưng lại là nơi manh mún nhất.

Tiêu chuẩn và quy chuẩn trong nông nghiệp còn dễ dãi

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận “Tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện vẫn còn dễ dãi trong điều hành để chuẩn hóa mặt hàng nông sản”.

Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại các quy trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nhằm tiết giảm chi phí đầu vào. Thế giới đang tiến tới một nền nông nghiệp với phương châm “ít hơn để được nhiều hơn”, tức là tối thiểu hóa chi phí nhưng tối đa hóa lợi nhuận thông qua khoa học công nghệ và nông nghiệp hữu cơ, bộ trưởng cho biết.  

Về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ Công thương đã chỉ đạo bên quản lý thị trường đưa ra khởi tố, điều tra các vụ hàng giả. Như Tây Ninh đã có sáng kiến đưa tất cả các hàng giả của phân, thuốc ra trưng bày để nông dân dễ dàng phân biệt. Do đó, tình trạng này cần kết hợp giữa biện pháp hành chính và truyền thông để hạn chế.

Để đồng thời giải quyết vấn đề về giá vật tư đầu vào và tình trạng hàng giả, bộ trưởng cho rằng Việt Nam cần tự chủ về vật tư đầu vào ngành nông nghiệp như một số người nông dân ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng cũng đã tự tuần hoàn những phế phẩm trong nông nghiệp để thay thế một phần nào thức ăn chăn nuôi, cũng như là những chế phẩm sinh học trong mặt hàng phân, thuốc.

Đồng thời, nếu 14 triệu nông dân vào kinh tế tập thể sẽ giải quyết được vấn đề giá vật tư đầu vào. Về nguyên tắc: “chúng ta mua khối lượng càng lớn, chiết khấu càng nhiều”, từ đó giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá của nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, vừa giảm được lượng khi dùng các chế phẩm tự sản xuất, vừa giảm được giá khi sản xuất tập thể. Điều này giúp đối mặt được với rủi ro thị trường, nhất là lúc bất ổn như hiện nay.

Cùng với đó nâng cao chất lượng nông sản, như bà con Tây Nguyên đã chia sẻ khi họ tuần hoàn được các chế phẩm sinh học từ vườn thược thì chất lượng cà phê tốt hơn và giá cao hơn, mặc dù có thể năng suất ban đầu thấp hơn. Do vậy, đây là lối tư duy lâu dài để hữu cơ hóa, sinh học hóa ngành nông nghiệp, từ đó tạo ra thương hiệu nông nghiệp Việt.