Tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê vẫn gặp nhiều rào cản

Quỳnh Chi - 09:00, 31/10/2018

TheLEADERCơ chế chính sách hiện nay vẫn là rào cản lớn cho quá trình tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê phát triển dự án quy mô lớn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê vẫn gặp nhiều rào cản
Hà Nam áp dụng thí điểm tích tụ đất đai cho doanh nghiệp thuê sản xuất nông nghiệp

Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai để thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, theo hướng gia tăng giá trị, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực này.

Đến nay, Hà Nam đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 654,7ha, hai khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lý Nhân đã đi vào hoạt động với diện tích 202,3ha. Có hai khu thuộc thành phố Phủ Lý (22,4 ha) đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu Thanh Liêm 150ha đang vướng vì lý do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối không được thuê quyền sử dụng đất của dân.

Khi các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thu hút các hộ dân tập trung đất đai để sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp. Kết quả đã có 67 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi với diện tích 1.160ha của 2.200 hộ dân tham gia sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết với VinEco và Vina Seed...

Để thực hiện chủ trương đó, trong những năm qua tỉnh Hà Nam đã áp dụng thí điểm tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, chính quyền cấp huyện, cấp xã đứng ra thuê đất của dân (20 năm), sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng như thời gian thuê đất và giá thuê đất của dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông dân vẫn giữ.

Lý giải việc thực hiện thí điểm này, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, ruộng đất manh mún nhỏ lẻ, nhiều hộ dân không muốn cho thuê, họ cũng không muốn mất đi quyền sử dụng đất khi Luật đất đai năm 2013 không quy định các cấp chính quyền được thuê quyền sử dụng đất của dân. 

Nông dân lo mất đất khi ruộng đất được tích tụ cho doanh nghiệp thuê 20 năm
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam.

Khi thực hiện tích tụ đất ruộng, nhiều hộ dân vẫn băn khoăn vấn đề sau 20 năm cho thuê có còn đất hay không, và nếu còn thì khi kết thúc thời hạn giao đất còn có khả năng sản xuất nông nghiệp nữa hay không.

Theo ông Ngọc, chỉ có chính quyền là cơ quan có đủ tin cậy giải quyết những mối nghi ngại này cho người dân mới có thể đứng ra đàm phán giá cả và dồn ruộng đất để có quỹ đất gọn vùng cho thuê. 

Ông Ngọc cũng nhấn mạnh, cơ quan đứng ra thuê đất của dân là cấp huyện, xã nhưng người chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp thuê lại đất phải là cấp tỉnh vì chỉ có tỉnh mới xác định hoặc lựa chọn được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. 

Mọi vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng tỉnh phải đứng ra giải quyết và phải đảm bảo các điều kiện để thực hiện hợp đồng, hơn nữa Luật đất đai 2013 chỉ cho phép UBND tỉnh ký hợp đồng thuê đất đã giao cho dân khi đã được thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng. Ruộng đất manh mún nên doanh nghiệp không thể tự đàm phán trực tiếp với các hộ dân để thuê đất.

Trong thí điểm tích tụ đất đai cho doanh nghiệp thuê của tỉnh Hà Nam, tiền thuê đất trả cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm được ứng từ ngân sách tỉnh, sau đó doanh nghiệp trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sang năm thứ 11 nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại cho tỉnh. 

Ông Ngọc lý giải, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, rủi ro cao nên nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn bỏ ra lần đầu rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu vì còn phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất nông nghiệp nên tỉnh phải có cơ chế mạnh để thu hút đầu tư. 

Nhiều rào cản

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, trong quá trình triển khai thí điểm còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, việc tổ chức tuyên truyền vận động hàng trăm hộ dân đồng ý gặp nhiều khó khăn trong khi không có quy định bắt buộc như trong công tác giải phóng mặt bằng.

Một số hộ dân gây khó khăn cho công tác tích tụ đất do vẫn còn băn khoăn về chủ trương tích tụ ruộng đất, cho rằng cho thuê đất là mất đất, khi hết thời gian thuê đất doanh nghiệp trả lại đất thì mặt bằng ra sao có sản xuất được hay không.

Một số hộ dân đã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và những hộ kinh doanh vật tư phân bón,... đã có ý kiến gièm pha, kích động nhân dân không cho thuê đất, gây khó khăn cho công tác tích tụ ruộng đất do sợ tích tụ ruộng đất ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của họ.

Đáng chú ý, các cơ chế, chính sách hiện nay vẫn là rào cản lớn trong quá trình tích tụ ruộng đất cho thuê. Cụ thể, Luật đất đai hiện nay không quy định chính quyền được ký hợp đồng thuê đất của dân và không cho phép tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất khi chưa có quyết định thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng;

Luật ngân sách không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân sau đó thu của doanh nghiệp nhiều lần để hoàn trả. Quy định về hạn điền đã hạn chế việc các hộ dân đứng ra tích tụ, tập trung đất đai (không được quá 10 lần). 

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện tích tụ, tập trung đất đai chỉ có tuyên truyền vận động mà không được phép cưỡng chế thu hồi nên việc giải quyết vướng mắc đối với các hộ dân là rất khó khăn.