Tiền đề cho kinh tế tăng trưởng mạnh thời gian tới

Phạm Sơn - 16:42, 30/07/2022

TheLEADERTrung Quốc và Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đến năm 2030.

Đây là kết luận được đưa ra bởi Phòng thí nghiệm tăng trưởng của Đại học Harvard, trong dự án nghiên cứu Bản đồ về sự phức tạp kinh tế (Atlas of economic complexity).

Theo nhóm nghiên cứu, với những tác động lớn của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua, nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến những thay đổi lớn. Trong bối cảnh đó, những quốc gia đã có sự đa dạng hóa nền kinh tế, chuyển dịch sản xuất sang các lĩnh vực phức tạp hơn sẽ là những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong thập kỷ tới.

Vì vậy, tăng trưởng kinh tế trong dài hạn được dự báo sẽ duy trì ở khu vực châu Á, Đông Âu và Đông Phi. Trong đó, tại khu vực châu Á, các nền kinh tế đạt được độ phức tạp cần thiết để có mức tăng trưởng nhanh bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Campuchia.

Mức tăng trưởng trung bình hàng năm đến năm 2030 của Việt Nam được dự báo khoảng 5,56%, xếp vị trí thứ 7. Tăng trưởng nhanh nhất là Uganda, một nước Đông Phi, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 7,48%. 

Việt Nam tăng trưởng nhanh với nền kinh tế ‘phức tạp’
10 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đến năm 2030.

Bản đồ về sự phức tạp kinh tế cũng đưa ra bản xếp hạng chỉ số phức tạp của nền kinh tế (Economic Complexity Index – ECI).

Theo bảng xếp hạng này, trong thập kỷ 2021 – 2030, Việt Nam có mức cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2011 – 2020, cụ thể tăng 18 bậc, xếp thứ 52. Đây chính là tiền đề đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ECI là một chỉ số rất đáng chú ý, bao hàm các yếu tố liên quan đến trình độ hiểu biết, hàm lượng khoa học công nghệ trong nền kinh tế. Chỉ số ECI cao là yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế lâu dài.

Thực tế, một số quốc gia như Arab Saudi có GDP ở mức cao, tuy nhiên chỉ số ECI không cao do nền kinh tế chỉ chủ yếu dựa vào việc bán dầu mỏ. Đối với quốc gia này, rủi ro tăng trưởng là rất lớn.

Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 52 trên toàn thế giới về chỉ số ECI là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ông Doanh nhận định, cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn để đưa ra kết luận rằng liệu mức cải thiện trong chỉ số ECI đến từ nội lực của Việt Nam hay từ những nhà đầu tư nước ngoài.

“Nếu mức tăng chỉ số ECI của Việt Nam đến từ doanh nghiệp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài thì đây là mức tăng không thực”, nguyên Viện trưởng CIEM nhận xét.