Yếu tố giúp Việt Nam duy trì vị thế tăng trưởng dù nhiều rủi ro

Hoài An - 16:20, 11/07/2022

TheLEADERViệt Nam sẽ còn tiếp tục tỏa sáng với động lực quan trọng là FDI, và tích cực đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững, mà ở đó, tài chính đóng một vai trò quan trọng, theo chuyên gia HSBC.

Cẩn trọng với các rủi ro tăng trưởng

Là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch, Việt Nam hiện đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau Covid-19.

Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC đã dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay.

Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất, với tác động rõ rệt chính là chi phí năng lượng tăng lên, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam.

Mặc dù xuất khẩu vững mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp lại, dẫn đến mức thặng dư khiêm tốn chỉ 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, bào mòn lợi thế của tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên đồng VND.

Tổ chức này dự báo Việt Nam sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp, mặc dù mức độ thâm hụt sẽ ít hơn so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hết sức lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên.

Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.

Trong sáu tháng đầu năm nay, 94% kim ngạch nhập khẩu đến từ nhóm hàng tư liệu sản xuất, và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ nước này, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%).

“Đây chính là những yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay đến bao giờ”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 giúp đảm bảo an sinh xã hội, lạm phát gia tăng sẽ khiến việc phục hồi cuộc sống diễn ra không đồng đều.

Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khiến tình hình bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

Yếu tố giúp Việt Nam tiếp tục tỏa sáng

Ông Khoa nhấn mạnh, FDI sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam – một trong hai thành viên nổi bật nhất trong ASEAN xét về tỷ trọng FDI trên GDP, cho thấy mức độ thu hút của quốc gia này ngày một tăng lên.

a 1
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.

Từng bước tiến vững chắc lên cao hơn trong chuỗi giá trị, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử, thu hút FDI ổn định nhờ những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh, chính sách ưu đãi thuế và nguồn lao động giá rẻ, năng suất dồi dào.

Dù vậy, thu hút FDI nên đi đôi với tính bền vững, ông Khoa lưu ý. Nhiều bài học trên thế giới đã cho thấy tăng trưởng sản xuất nhanh chóng mà không đi đôi với bảo vệ môi trường sẽ để lại nhiều tác hại nghiêm trọng.

Đặc biệt, khi Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng tại COP26, những yếu tố bền vững càng được quan tâm hơn. Đơn cử, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ (VASI) đã đề xuất kiểm soát chất lượng FDI, trong đó, công nghệ đưa vào Việt Nam không được phép là công nghệ tiêu thụ nhiều năng lượng không tái tạo, hủy hoại môi trường.

“FDI xanh sẽ là xu hướng quan trọng trong tương lai mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc”, ông Khoa nhấn mạnh.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, và giảm phát thải nhà kính để thu hút được dòng FDI “xanh”, thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để hiện thực hóa chiến lược này, Chính phủ đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030” đề ra nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cho các ngành.

Trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Chiến lược phát triển ngành ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh – ngân hàng xanh, ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh.

Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng tham gia cho vay các dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác.

Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Rõ ràng, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính xanh còn rất rộng lớn.

Ông Khoa khuyến nghị Việt Nam nên tiếp cận thị trường vốn quốc tế cho phát triển xanh, tận dụng sự quan tâm của thị trường vốn với khẩu vị của nhà đầu tư đang theo chiều hướng có lợi.

Hiện tại, vốn quốc tế cho phát triển xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi. Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, nhà tài trợ còn dè dặt do hợp đồng mua bán điện chưa đủ vững mạnh để tài trợ trên cơ sở dự án, và môi trường pháp lý, luật lệ để tái tài trợ các dự án đã vận hành ổn định vẫn còn nhiều giới hạn.

“Chính phủ sẽ cần cân nhắc đẩy mạnh việc tạo ra môi trường thông thoáng về cơ chế và quy định pháp luật để có thể tận dụng hiệu quả được nguồn vốn quốc tế cho phát triển xanh của quốc gia”, ông Khoa đề xuất. 

Theo Nghị quyết Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 (NQ54):

- Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết danh mục dự án xanh, tiêu chí, điều kiện xác định dự án xanh và việc xác nhận dự án xanh để thúc đẩy hình thành và vận hành thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam.

- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài để tài trợ cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.

- Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:

+ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện kể từ ngày 1/1/ 2026.

+ Hướng dẫn phân loại dự án thuộc danh mục phân loại xanh để tổng hợp trong danh mục đầu tư công khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm làm căn cứ để Chính phủ, chính quyền địa phương lựa chọn khi phát hành trái phiếu xanh.