Sắp tới, Bộ Công thương sẽ rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng đưa ra các chế tài bắt buộc thay vì khuyến khích thực hiện.
Năng lượng được ví như nguồn sống của nền kinh tế, do đó bài toán an ninh năng lượng luôn được đặt lên hàng đầu trong ưu tiên chính sách của các quốc gia. Bên cạnh đó, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chuyển dịch năng lượng cũng trở thành vấn đề cấp thiết.
Điểm chung của hai mục tiêu an ninh và chuyển dịch năng lượng nằm ở câu chuyện tiết kiệm. Bởi lẽ, sử dụng năng lượng tiết kiệm giúp tăng tính tự chủ trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng cũng như đảm bảo tính ổn định là nền tảng giúp công cuộc chuyển dịch năng lượng không tạo ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Chính vì lý do này, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương, cho biết, hiện nay Bộ đang tiến hành rà soát và sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng bổ sung những chế tài bắt buộc. Từ đó, tiết kiệm năng lượng thuộc về nghĩa vụ của các doanh nghiệp thay vì câu chuyện khuyến khích.
Thực tế, dù là nước đang phát triển với nhu cầu tiêu thụ năng lượng chưa ổn định nhưng Việt Nam đang là quốc gia sử dụng năng lượng rất kém hiệu quả. Cụ thể, Việt Nam cần tới năng lượng tương đương 376 tấn dầu quy đổi để tạo ra 1 nghìn USD cho GDP, trong khi trung bình các nước OECD chỉ cần khoảng 104 tấn.
Sử dụng năng lượng lãng phí tạo áp lực lớn cho an ninh năng lượng. Năm 2023, hiện tượng thiếu điện xảy ra vào giai đoạn tháng 5 – 6 đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2024, thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, cộng thêm kinh tế trên đà phục hồi tạo ra áp lực rất lớn cho ngành điện.
Dù Thứ trưởng Bộ Công thương vừa qua đã khẳng định “sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo” nhưng để đảm bảo đủ điện cung ứng, trách nhiệm không chỉ đến từ Bộ Công thương hay EVN mà còn xuất phát từ ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm của doanh nghiệp và người dân.
Làm sao để tiết kiệm năng lượng
Trong một tọa đàm về tiết kiệm năng lượng gần đây, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, ủng hộ việc đưa ra các chế tài mang tính bắt buộc đối với việc tiết kiệm năng lượng.
Ông Sơn lý giải, thời điểm hiện nay, câu chuyện biến đổi khí hậu cùng các cam kết “Netzero” đã khiến việc chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng năng lượng theo hướng tiết kiệm trở thành yêu cầu bắt buộc của không chỉ Việt Nam mà còn thế giới.
Trong khi đó, những chương trình, hoạt động mang tính truyền thông, giáo dục, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hành tiết kiệm năng lượng đã được triển khai từ cách đây hơn 20 năm. Đến hiện tại, nhận thức của cộng đồng có lẽ đã đủ “chín” để đưa ra các hành động mạnh mẽ, thậm chí là mang tính áp đặt hơn.
Các chế tài bắt buộc là điều cần thiết, tuy nhiên câu chuyện thực thi thế nào cũng rất quan trọng. Vị chuyên gia năng lượng chỉ ra thực trạng, ở một số địa phương, do mong muốn ưu đãi thu hút đầu tư nên chấp nhận doanh nghiệp sử dụng những công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa thực sự hiệu quả về sử dụng năng lượng.
Ông Sơn kỳ vọng, thời gian tới, cần có giải pháp điều chỉnh lại hiện tượng này để doanh nghiệp nâng cao ý thức về hiệu quả hóa sử dụng năng lượng.
Chuyên gia FPT Digital tin rằng, năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đạt mục tiêu kép, vừa nâng tầm năng lực cạnh tranh, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của các bên liên quan đối với doanh nghiệp sản xuất.
Chính phủ yêu cầu, việc sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các nội dung vướng mắc hiện nay, với tinh thần mở ra không gian để phát triển nhưng phải quản lý được.
Đây là kết luận của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn tại buổi làm việc với chủ đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành hôm 2/11.