Tốc độ thành lập mới doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu trong 7 tháng

An Nhiên - 10:18, 30/07/2018

TheLEADERTrong 7 tháng đầu năm nay, có tới 3.893 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới và có tổng số vốn đăng ký lớn nhất trong tất cá các ngành nghề trên cả nước.

Trong tháng 7 năm 2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.262 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 122.097 tỷ đồng, giảm 7,8% về số doanh nghiệp và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với tháng 6 năm 2018.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 7 đạt 10,84 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 là 114.976 lao động, tăng 19,9% so với tháng trước.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7 trên cả nước tăng 9,0% so với tháng 6 năm 2018.

So sánh tình hình đăng ký doanh nghiệp của tháng 7 với tháng 6/2018, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 7,3%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm 14,7% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,0%.

Tốc độ thành lập mới của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp tục dẫn đầu trong 7 tháng

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 75.793 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 771.064 tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 623.518 lao động, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới trong 7 tháng đầu năm liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2014 – 2018. So sánh giữa 7 tháng đầu năm 2018 với 7 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,8 lần và số vốn đăng ký tăng gần 3,0 lần.

Về số vốn đăng ký trong 7 tháng đầu năm, tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế là 2.231.530 tỷ đồng tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 771.064 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 1.460.466 tỷ đồng với 25.057 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn.

Tình hình doanh nghiệp thành lập mới chia theo lĩnh vực hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2018 có một số đặc điểm như sau:

Tốc độ thành lập mới của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp tục dẫn đầu trong 7 tháng 1
Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn và lao động theo vùng lãnh thổ

Thứ nhất là tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017 ở 10/17 ngành, trong đó, nổi bật có ngành Kinh doanh bất động sản tăng 43,9%; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas và Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội cùng tăng 24,9%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 24,6%.

Ở chiều ngược lại, có 7/17 ngành nghề có số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có tỷ lệ giảm mạnh nhất, cụ thể: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 46,2%; Khai khoáng giảm 18,6%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,8%; Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng khác giảm 6,2%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác giảm 4,6%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy giảm 4,5%; Thông tin và truyền thông giảm 2,4%.

Thứ hai là về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung nhiều nhất ở các ngành như: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 25.715 doanh nghiệp, chiếm 33,9%; Xây dựng chiếm 13,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,4%. Các ngành, lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp nhất là: Khai khoáng có 365 doanh nghiệp, chiếm 0,5%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 481 doanh nghiệp, chiếm 0,6%; Sản xuất phân phối điện, nước, gas có 658 doanh nghiệp, chiếm 0,9%.

Thứ ba là các ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất là: Kinh doanh bất động sản có 232.991 tỷ đồng, chiếm 30,2% trên tổng số vốn đăng ký; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 14,7%; Xây dựng chiếm 14,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10,4%.

Thứ tư là về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, một số ngành có tỷ trọng cao như: Kinh doanh bất động sản đạt 59,8 tỷ đồng/doanh nghiệp; Sản xuất phân phối điện, nước, gas đạt 58,1 tỷ đồng/doanh nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 20,6 tỷ đồng/doanh nghiệp; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 18,9 tỷ đồng/doanh nghiệp; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 17,5 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Thứ năm là về số lao động đăng ký tại các ngành cho thấy, một sốngành thu hút nhiều lao động gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo có 210.185 lao động, chiếm 33,7% trên tổng số lao động đăng ký; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy  chiếm 21,8%; Xây dựng chiếm 10,8% trên tổng số.

Một số ngành có tỷ trọng lao động bình quân trên 1 doanh nghiệp cao hơn so với các ngành còn lại là: ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có 22,3 lao động/doanh nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 11,8 lao động/doanh nghiệp; Sản xuất phân phối điện, nước, ga có 11,4 lao động/doanh nghiệp; Khai khoáng có 11,0 lao động/doanh nghiệp.