Tri kỷ của startup Việt Nam

Việt Hưng - 11:23, 18/11/2019

TheLEADERVới 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp, Shark Nguyễn Hòa Bình khẳng định, ông thấu cảm sự cô đơn và thiếu thốn của người trẻ. Do đó, vị “cá mập” muốn trở thành một người bạn "tri kỷ" của các startup Việt, để đồng hành với các nhà sáng lập vượt qua khó khăn trên con đường đi đến thành công, với thời gian và chi phí tối ưu nhất.

Cũng giống như cuộc đời bất kỳ một con người nào, ta luôn muốn tìm được người bạn tri kỷ, đồng hành, chia sẻ định hướng, thậm chí phản biện để giúp ta tránh được những sai lầm không đáng có. “Qua kinh nghiệm cá nhân tôi thấy rằng các startup rất cần một nhà đầu tư mang tính tri kỷ, nên tôi luôn định vị NextTech và quỹ Next100 là tri kỷ của các startup trước khi là một nhà đầu tư”, Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech khẳng định.

Dù chỉ xuất hiện trong 5 tập phát sóng của Shark Tank mùa 3, ấn tượng mà Shark Bình để lại trong lòng khán giả vô cùng lớn. Cá tính nói thật, nói thẳng chẳng sợ mất lòng nên ông được cộng đồng mệnh danh là vị Shark “phũ phàng và lạnh lùng” nhất mọi thời đại. Chia sẻ bên lề, Shark Bình dí dỏm cho hay: “Thương cho roi cho vọt, ghét mới cho ngọt cho bùi”.

Những lời nói của Shark Bình gai góc, phũ phàng nhưng đều xuất phát từ kinh nghiệm sau nhiều lần khởi nghiệp với 40 dự án lớn nhỏ khác nhau trong 20 năm qua. Trong số 40 dự án đó, có thành công cũng có thất bại nhưng điều quan trọng nhất là giúp ông ngộ ra chân lý rằng: “Thiếu thốn nhất của một startup không phải là thiếu tiền mà là cô đơn, thiếu tri kỷ”.

Là tri kỷ nên Shark Bình muốn giúp các startup tìm được long mạch. Long mạch ở đây tức là một bí quyết, công thức bí mật về sản phẩm, về phương thức vận hành kinh doanh đem lại tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp. “Bất kỳ một startup nào cũng phải tìm thấy long mạch để kinh doanh thành công. Nếu chưa tìm thấy long mạch thì đổ càng nhiều tiền đầu tư càng lãng phí và đem lại thất bại cho startup”, ông nói.

Hành trình đi tìm long mạch

Sinh năm 1981, Shark Nguyễn Hòa Bình bắt đầu tiếp xúc với máy tính và mày mò viết phần mềm từ khi học cấp 3. Năm 2001, khi là sinh viên năm 2 Đại học Công Nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Shark Bình thành lập công ty PeaceSoft - chuyên viết phần mềm cho các cơ quan doanh nghiệp. Không vốn liếng, không người cố vấn, không trụ sở, không nhân viên, ông đương đầu với biết bao khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp.

Ông tự nhủ: “Nếu thành công thì sẽ có sự nghiệp, còn thất bại thì cũng học được nhiều điều quý giá để tiếp tục phấn đấu phát triển sau này”. Nỗ lực của doanh nhân trẻ tuổi ngày ấy đã phần nào được đền đáp khi nhiều công ty đã tin cậy và ký hợp đồng với ông. “Nhưng chưa được 3 năm là tôi mệt mỏi, đi ‘code dạo’ ráo mồ hôi là hết tiền, ốm không làm được là đói”, ông chia sẻ.

Thời điểm đó, Internet tại Việt Nam bắt đầu phát triển, Shark Bình tham khảo mô hình của eBay và Alibaba, mở sàn thương mại điện tử Chodientu.vn và gọi vốn thành công từ IDG Ventures. Vận hội của công ty này còn tiếp tục khởi sắc khi được eBay chọn là đối tác chiến lược tại thị trường Việt Nam. Tưởng chừng giai đoạn cực thịnh của Peacesoft sẽ được duy trì dài lâu sau cái bắt tay lịch sử với “người khổng lồ”, nhưng…

Tri kỷ của startup Việt Nam
Chân dung Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech

Vào lúc bầu trời trong xanh thì những đám mây đen bắt đầu kéo tới. Khi “mối tình” giữa hai bên đang diễn ra mặn nồng thì thời cuộc trên thương trường “ngoài kia” thay đổi nhanh đến chóng mặt. Một loạt tên tuổi nước ngoài như Lazada, Shopee đổ bộ rầm rộ vào nước ta khiến cuộc đua trên đấu trường thương mại điện tử trở nên khốc liệt. Không còn đủ sức để cạnh tranh, eBay buộc lựa chọn rút khỏi thị trường châu Á, đột ngột cắt ngang “cuộc tình” với Peacesoft, “bỏ của chạy lấy người” một cách phũ phàng.

Đang từ đỉnh cao đứng trên vai người khổng lồ, Shark Bình như rơi xuống vực thẳm khi đối tác chiến lược không muốn tiếp tục cuộc chơi đốt tiền. PeaceSoft dần mất thị trường vào tay các "ông lớn" khác và nguy cơ mất luôn sự nghiệp hơn 10 năm xây dựng. Đối mặt với nhiều thách thức, ông chủ PeaceSoft quyết định chuyển hướng kinh doanh từ "thương mại điện tử" sang "điện tử hóa thương mại".

Từ đây, Shark Bình xây dựng lại tầm nhìn và quyết định thành lập tập đoàn NextTech năm 2014 xoay quanh 4 lĩnh vực chính là: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và giáo dục công nghệ. NextTech được biết đến thông qua các dự án tên tuổi như: FastGo, Ngân Lượng, Boxme, mPOS, Vimo...

Nhiều người mệnh danh Nguyễn Hòa Bình là “ông hoàng khởi nghiệp”. Bởi kể từ khi thành lập PeaceSoft, tiền thân của NextTech vào năm 2001 đến nay, NextTech lúc nào cũng… khởi nghiệp, có năm khởi nghiệp đến 5-7 công ty. Mới đây nhất, người ta thấy NextTech phát triển ứng dụng FastGo, chuyên về dịch vụ công nghệ gọi xe, chỉ sau hơn 8 tháng đã có hơn 40.000 đối tác lái xe đăng ký sử dụng.

Chiến lược đàn cá hổ

Shark Bình từng tuyên bố, ông chẳng ngại Lazada, cũng sẵn sàng cạnh tranh với Alibaba ở thị trường Việt Nam. Khi được hỏi vì sao lại tự tin đến thế thì ông kể, trong văn phòng ở công ty ông có treo một bức tranh, mà ở đó, Jeff Bezos (ông chủ Amazon) cưỡi cá mập bên phải, Jack Ma (Alibaba) cưỡi “cá sấu sông Dương Tử” ở bên trái, còn NextTech ở giữa - là đàn cá hổ, loài cá bao giờ cũng đi theo đàn, nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, và có thể thắng được các con cá to nhờ vào sức mạnh của cả tập thể.

Chủ tịch NextTech cho rằng, mỗi “ông lớn” đều có một cách riêng để sống. Nhưng ít nhất NextTech có hệ sinh thái để không bị các ông lớn đè chết. Tất nhiên việc có nguồn tiền dồi dào để đầu tư cũng mang lại cho các ông lớn những hiệu quả đáng kể. Ví dụ, họ sẵn sàng cho tiền khách hàng, khách hàng vào đó có thể mua được sản phẩm dưới giá vốn. Chiến lược này có thể thu hút được khách hàng rất nhanh trong giai đoạn đầu, nhưng không bền vững, vì sẽ đến lúc giá bán phải quay trở lại trạng thái trung bình. Còn với NextTech, hệ sinh thái giúp người bán hàng cảm thấy tiện dụng hơn.

“Chúng tôi là một đàn cá hổ, nhỏ, khéo léo và sắc bén, dùng hệ sinh thái có nhiều thành viên khác nhau tấn công từ mọi phía. Một con cá to có thể bị giết chết, nhưng rất khó để giết cả một đàn cá hổ”, Shark Bình nói. Dù không tiết lộ doanh thu và lợi nhuận, nhưng Shark Bình cho biết, NextTech hiện sở hữu gần 2.000 nhân viên tại 8 quốc gia trong khu vực, sản lượng giao dịch điện tử hàng năm của NextTech ước đạt 3 tỷ USD.

“Bây giờ giấc mơ “đi ngủ tiền cũng về” của tôi đã thành sự thật, thậm chí “đi chơi tiền cũng về”, ông cười sảng khoái. Nếu tiếp xúc đủ lâu với Shark Bình sẽ nhận ra đây hẳn là câu nói đùa, bởi với ông, tiền không phải là tất cả. Dù đang nắm trong tay một gia sản không nhỏ, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng lại để… đi chơi. Nếu trước đây, NextTech đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành doanh nghiệp có giá trị tỷ USD, thì nay mục tiêu đó đã thay đổi, cũng giống như cái cách mà NextTech chuyển mình cách đây ít năm.

Từng một mình dấn thân và tự đương đầu với những thử thách, hơn ai hết Nguyễn Hòa Bình hiểu rất rõ con đường đến thành công đối với những người tiên phong thật gập ghềnh, phức tạp. Chính vì thế ông luôn tạo điều kiện cho các bạn trẻ trong công ty phát huy khả năng sáng tạo, giúp họ đạt được mục đích một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

“Chúng tôi muốn trở thành bệ phóng cho 100 doanh nhân công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á”, Shark Bình nói và cho biết, mục tiêu doanh nghiệp tỷ USD mặc dù rất có ý nghĩa nhưng phạm vi tác động lại hạn hẹp. Còn khi trở thành bệ phóng cho 100 doanh nghiệp khác, câu chuyện sẽ là cùng phát triển và giá trị mang lại cho cộng đồng sẽ lớn hơn gấp bội. Giống như Facebook, Google cũng đã làm được cho cộng đồng công nghệ thế giới.

Tri kỷ của startup Việt Nam 1
NextTech thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100 với quy mô 10 triệu USD

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Ước tính mỗi năm thế giới có 50 triệu dự án startup công nghệ ra đời, còn Việt Nam là khoảng 1.000 dự án. Tuy nhiên, trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có đến 92% trong số này sẽ thất bại và phải giải thể. Chính vì vậy, NextTech đã thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100 với quy mô 10 triệu USD, giúp tư vấn, huấn luyện đồng thời hỗ trợ thực chiến mọi mặt cho các startup Việt.

Mục tiêu của Next100 là cung cấp chương trình huấn luyện cho 100 startup công nghệ hoặc startup truyền thống ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số, thông qua việc đào tạo hỗ trợ các nhà sáng lập starup vượt qua các khó khăn bước đầu để né tránh thất bại và vươn tới thành công với thời gian và chi phí tối ưu nhất.

Chủ tịch NextTech khẳng định, ông thấu cảm sự cô đơn và thiếu thốn trong giai đoạn khởi nghiệp, nên ông định vị mình như một người bạn "tri kỷ" của các startup Việt. "Đã từng là startup khởi nghiệp thành công nên NextTech mong muốn mang đến các kinh nghiệm và nguồn lực góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh ở tầm khu vực", Shark Bình nói.

Hơn bao giờ hết, ông muốn chứng tỏ rằng, người Việt Nam có thể làm được điều gì đó không thua kém các quốc gia khác. Ngoài ra, chiến lược của NextTech là luôn thay đổi và làm những cái mới để tiếp tục được nhìn thấy những cơ hội khác. Nếu đứng yên thì đồng nghĩa với thất bại. Mặc dù chưa biết tiếp theo sẽ bước đến đâu, nhưng với Shark Bình là luôn phải tiến về phía trước. “Tôi còn có thể làm việc được khoảng 30 năm nữa, phải làm được điều gì đó cho tương lai chứ”, ông tâm sự.

Chia sẻ thêm về tiêu chí lựa chọn startup để đầu tư, Chủ tịch NextTech cho biết, đối tượng của Next100 không phải các startup thành công hay chưa mà quan trọng là đội ngũ con người. Startup có hiểu biết về lĩnh vực mình đang làm hay không, có chăm chỉ hay không, có năng lực nhận thức và thay đổi hay không, nếu bảo thủ không chịu thay đổi sẽ khó nhận được đầu tư. Với ông, thái độ quan trọng hơn trình độ.

Lời khuyên của vị “cá mập”, đó là khikhởi nghiệp không nên chú trọng quá nhiều đến tiền. “Tiền nhiều khi là thuốc độc đối vớicác startup. Có những cây ngoài sa mạc tưới nhỏ giọt thì sống lâu, nhưng có câyđổ ào ào cả nước và phân vào thì lại chết. Tôi cho rằng khi startup chưa tìm thấylong mạch thì càng đổ nhiều tiền đầu tư thì càng dễ hư hỏng và nhanh chết. Ngượclại các startup thấy được long mạch rồi, tiếp vốn kịp thời thì nhanh chóng chiếmlĩnh được thị trường và đạt được khoảng cách với các đối thủ”, ông nhấn mạnh.

Bài viết đã được đăng tải trên đặc san DOANH NHÂN VIỆT: VÌ MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG. Để đặt mua, xin liên hệ Toà soạn TheLEADER.

Hà Nội: Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ - Điện thoại: 024 3244 4359

TP. HCM: 102D Lê Thị Riêng (Lầu 6), phường Bến Thành, Quận 1 - Điện thoại: 08867 08817