Trí tuệ nhân tạo dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0

Phạm Sơn - 10:13, 10/04/2021

TheLEADERViệt Nam đang từng bước thực hiện những mục tiêu tham vọng về chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Trí tuệ nhân tạo dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về vai trò của trí tuệ nhân tạo. Ảnh: VGP.

Cuối tháng 3, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng tập đoàn Naver đến từ Hàn Quốc đã công bố hợp tác và cho ra mắt Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (HUST-NAVER AI centre), được đặt trong khuôn viên của Đại học Bách khoa.

Trong thời gian tới, Naver sẽ hỗ trợ đại học tập huấn, đào tạo nhân lực về AI cho Việt Nam, cũng như cử kỹ sư tới giảng dạy, hỗ trợ thực tập và cấp học bổng.

Nikkei Asia Review bình luận, thỏa thuận hợp tác này là một phần trong Sáng kiến vành đai nghiên cứu và phát triển (R&D) AI, với mục đích phát triển mạng lưới R&D về AI trên toàn cầu của tập đoàn Naver. Tháng 8/2020, Naver ký kết quan hệ hợp tác với một trường đại học khác của Việt Nam là Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cũng về nghiên cứu và đào tạo AI.

Về phía Việt Nam, dự án hợp tác với Naver sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ cao theo chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 cũng như chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.

Chiến lược tham vọng

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021, tại lễ khởi công Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), các lãnh đạo Chính phủ đã cùng đưa ra những thông điệp thể hiện sự quyết tâm cao độ của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo, tận dụng những thành tựu cuộc cách mạng 4.0 để bứt phá mạnh mẽ.

Sau đó chưa đầy một tháng, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được ban hành, với những mục tiêu tham vọng. Cụ thể, theo chiến lược, tới năm 2030, Việt Nam phấn đấu nằm trong top 4 ASEAN và top 50 thế giới về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI, xây dựng được 10 thương hiệu về AI có uy tín tầm cỡ khu vực, thành lập 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI, trong đó có 1 đại diện nằm trong top 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo AI dẫn đầu ASEAN.

Chiến lược cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, AI là lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng cho sự đột phá về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng bền vững.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chiến lược này là phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2030 được đặt ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Sự vào cuộc của các chủ thể

Chủ trương về đổi mới sáng tạo quốc gia đã được nêu ra tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định “phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp là trung tâm, Trường Đại học và Viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh”.

Theo đó, các doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu cần được khuyến khích đẩy mạnh hoạt động, nâng cao tính kết nối, hợp tác để tạo nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển cũng như tạo điều kiện để ứng dụng thành tựu nghiên cứu, phát triển vào thực tế. Điều này là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như AI.

Thực tế cho thấy, từ trước khi chiến lược quốc gia về AI được ban hành, các chủ thể đã nhận thức được vai trò của AI và tích cực đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cũng như ứng dụng AI vào nhiều sản phẩm thực tiễn.

Tháng 5/2020, Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI Research thuộc tập đoàn Vingroup đã công bố kế hoạch đầu tư vào siêu máy chủ AI tiên tiến nhất thế giới là Nvidia DGX A100, với hiệu năng vượt trội tương đương một trung tâm dữ liệu. Đại diện VinAI cho biết, đây sẽ là bước đệm cho những hoạt động nghiên cứu chuyên sâu.

Cũng trong khoảng thời gian giữa năm 2020, tập đoàn FPT công bố hợp tác với Mila, viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, đối tác của hàng loạt tập đoàn hàng đầu như Google, Microsoft, VNG…

Bên cạnh đó, phân hiệu trường đại học FPT chuyên về AI cũng được khởi công tại tỉnh Bình Định, dự kiến đi vào hoạt động kể từ năm nay.

Trí tuệ nhân tạo dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0
Xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên của Việt Nam được tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Phenikaa.

Một tập đoàn công nghệ lớn khác của Việt Nam là Phenikaa mới đây cũng đã thành công ứng dụng công nghệ AI vào các sản phẩm như robot khử khuẩn, robot trợ lý, ứng dụng hiệu quả vào đời sống, đặc biệt là công tác phòng chống đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, tháng 3 vừa qua, tập đoàn Phenikaa chính thức cho ra mắt sản phẩm xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào thực tế, thay vì chỉ "nghiên cứu rồi đút vào ngăn kéo" như lối mòn nhiều doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu vấp phải.

Các tập đoàn lớn khác như Viettel, BKAV cũng đã có những bước khởi đầu để tiến vào lĩnh vực được coi là công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 này. Nhiều doanh nghiệp startup cũng sử dụng AI cho các giải pháp công nghệ mới tung ra thị trường.

Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, dự án hợp tác của Naver được cho là sẽ mở đường để các doanh nghiệp ngoại tiến sâu hơn vào thị trường AI đầy tiềm năng tại Việt Nam. Đặc biệt, ông lớn Samsung cũng đến từ Hàn Quốc và là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt tới công nghệ AI. Đầu năm 2020, trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam chính thức được khởi công, với kỳ vọng đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ kỹ sư về AI cũng như các công nghệ dữ liệu lớn (big data), 5G, internet vạn vật (IoT)…

Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp của tập đoàn Bosch tại Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các vấn đề nghiên cứu liên quan tới AI. “Chúng tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo là chìa khóa giúp cuộc sống của chúng ta an toàn hơn, dễ dàng hơn và thân thiện với môi trường hơn”, đại diện tập đoàn Bosch tại Việt Nam cho biết.