Trung tâm sản xuất châu Á trước nguy cơ 'đông cứng' vì căng thẳng thương mại

Thùy Dung - 17:59, 01/06/2018

TheLEADERSự tăng trưởng của các trung tâm sản xuất chính tại châu Á đang cho thấy dấu hiệu dừng lại trước căng thẳng thương mại toàn cầu cũng như lạm phát gia tăng và đồng USD mạnh lên.

Trung tâm sản xuất châu Á trước nguy cơ 'đông cứng' vì căng thẳng thương mại

Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tại châu Á vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự tăng trưởng đồng bộ trên thế giới, bất chấp việc chính quyền Donald Trump gần đây áp đặt thuế quan lên một số đối tác thương mại lớn, gia tăng sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế và thị trường tài chính.

Theo phân tích của Reuters, khu vực sản xuất rộng lớn của Trung Quốc đối mặt với rủi ro lớn nhất và rủi ro này đã tăng lên đáng kinh ngạc trong năm nay, xuất phát từ cuộc chiến thương mại tiềm ẩn với Mỹ.

Ông Iris Pang, nhà kinh tế tại ING, đánh giá: "Căng thẳng thương mại trong thời gian tới có thể gây áp lực lên các hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng có liên quan. Tôi cho rằng những quyết định đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng bị ảnh hưởng sẽ bị trì hoàn".

Phái đoàn Mỹ sẽ đến Bắc Kinh vào cuối tuần này để tiếp tục vòng đàm phán thương mại thứ ba giữ hai quốc gia sau khi Washington tuyên bố sẽ tiếp tục tạo áp lực lên hàng hóa Trung Quốc khi đánh thuế vào khoảng 50 tỷ USD giá trị sản phẩm nhập khẩu.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm gợn sóng các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây tổn thương nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Mối đe dọa càng trở viễn cảnh sẽ xảy đến khi Mỹ và đồng minh đưa ra thuế quan để trả đũa nhau, khiến thị trường tài chính lao đao dù một số nhà phân tích cho rằng những hành động này có thể được sử dụng làm chiến thuật thương lượng.

Reuters nhận định rằng những tranh chấp thương mại toàn cầu đang đặt các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của khu vực châu Á vào cùng một điểm trong chu kỳ tăng trưởng đang có dấu hiệu mệt mỏi.

Theo công bố của Nikkei – HIS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5 của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua khi tăng trưởng kinh doanh trong nước chậm lại và lượng đơn hàng xuất khẩu khiêm tốn.

Sự tăng trưởng tại nhà máy của Đài Loan cũng chậm lại trong tháng vừa qua cùng với việc đơn đặt hàng mới rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 22 tháng.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của HIS Markit, mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, giá cả đầu ra tiếp tục tăng chậm lại khi các doanh nghiệp muốn đảm bảo doanh số bán hàng từ giảm giá bán thay vì chuyển gánh nặng chi phí đầu vào sang cho khách hàng.

Những ngày gần đây, căng thẳng thương mại giữa những nền kinh tế lớn liên tục gia tăng khi các biện pháp trả đũa được ban hành, bất chấp thỏa thuận trước đó giữa các quốc gia. Điều này có thể không gây ra tác động trực tiếp nhưng sẽ mang lại hậu quả gián tiếp khi ảnh hưởng lên các dòng đầu tư của các quốc gia thuộc chuỗi giá trị.