TS. Lưu Bích Hồ: Ưu đãi trong đặc khu kinh tế của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn

Thu Phương - 16:18, 23/09/2017

TheLEADERTheo TS. Lưu Bích Hồ, do nhận thức, tư duy và lợi ích của các cơ quan ban hành luật pháp nên đặc khu kinh tế của Việt Nam chưa đạt đến mức cao nhất của tự do hóa kinh doanh để có thể cạnh tranh và thu hút đầu tư.

TS. Lưu Bích Hồ: Ưu đãi trong đặc khu kinh tế của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. Ảnh: Vietnamnet

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa công bố Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với nhiều cơ chế được đánh giá là đột phá và vượt trội nhất trước tới nay. Dự thảo luật sau khi hoàn thiện được kỳ vọng sẽ xây dựng được ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thành ba đặc khu kinh tế có môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế... từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. 

Liên quan đến vấn đề này, TheLEADER đã có buổi trao đổi với TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Thưa ông, đặt trong bối cảnh các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí là Lào, Myanmar... đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc phát triển đặc khu kinh tế, những ưu đãi của Việt Nam đối với ba đặc khu kinh tế trong dự thảo luật liệu đã đủ để cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư?

TS. Lưu Bích Hồ: Những ưu đãi của Việt Nam đối với ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc chưa thực sự đạt được sự hấp dẫn về mặt kinh tế. 

Những thỏa thuận tự do thương mại trong Hiệp định TPP có thể coi là mức ưu đãi cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư trong đặc khu kinh tế, chúng ta có thể phải đưa ra các chính sách ưu đãi cao hơn cả TPP. Chúng ta phải đi tới tới mức cao nhất của tự do hóa kinh tế và vượt xa hơn nữa so với các quy định hiện nay.

Khi nào các nhà đầu tư, kinh doanh đến các đặc khu kinh tế của Việt Nam cảm thấy không bị hạn chế điều gì ngoài những luật có tính chất rất phổ quát trên toàn thế giới thì khi đó chúng ta mới có thể cạnh tranh với các đặc khu kinh tế khác và thu hút đầu tư.

Với quan điểm an ninh quốc phòng là gốc, vậy với đặc khu kinh tế, chúng ta giữ an ninh quốc phòng ở mức nào để vừa không gây cản trở cho các nhà đầu tư và đảm bảo an ninh quốc phòng?

TS. Lưu Bích Hồ: Phát triển đặc khu kinh tế phải đi đôi với bảo vệ an ninh quốc phòng, phải đạt được mức tối đa về giữ vững an ninh quốc phòng. Do đó, quốc phòng dứt khoát phải do quốc gia quản lý. 

Còn đối với an ninh, hiện nay ở nhiều đặc khu kinh tế của nước ngoài người ta thuê tư nhân làm an ninh. Vấn đề an ninh trật tự, an ninh kinh tế phải để đặc khu tự quản. Lực lượng cảnh sát, an ninh không cần bộ máy của Nhà nước làm. Công an, cảnh sát chỉ quản lý chung để không xảy ra tình báo, gián điệp hoạt động trong đặc khu kinh tế. Đặc khu kinh tế phải tạo điều kiện tối đa cho hoạt động đầu tư kinh doanh, miễn là hoạt động ấy không được vi phạm an ninh quốc gia và an ninh chính trị.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề gây tranh luận nhiều nhất hiện nay đối với phát triển đặc khu kinh tế là thể chế và cơ chế quản trị hành chính. Theo dự thảo hiện nay, đặc khu kinh tế không có UBND và HĐND, thay vào đó là trưởng đặc khu nắm quyền hạn rất lớn trong đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, quyền hạn đó phải được quy định một cách rất rõ ràng, đi kèm với đó là trách nghiệm và cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm sớm phát hiện sai phạm và kịp thời xử lý nếu có.

Theo ông, nguyên nhân vì sao khiến chính sách ưu đãi về đặc khu kinh tế của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn?

TS. Lưu Bích Hồ: Điều này liên quan đến nhận thức, tư duy và lợi ích của các cơ quan ban hành luật pháp. Vì vậy, chúng ta chưa dám đạt đến mức cao nhất của tự do hóa kinh doanh mà chỉ dừng lại ở mức tương đối. 

Hy vọng rằng trong thời gian đầu, chúng ta có thể làm ở mức thấp, nhưng trong tương lai, cơ chế cần được cải thiện. Có như vậy mới có thể tạo động lực cho phát triển.

Trước đây, Việt Nam đã xây dựng nhiều khu kinh tế mở nhưng thực tế đều thất bại. Vậy theo quan điểm của ông, lần này liệu Chính phủ có thành công?

TS. Lưu Bích Hồ: Phát triển đặc khu kinh tế nhằm tạo ra một mô hình có tính thực nghiệm, từ đó lan tỏa, tạo động lực cho sự tăng trưởng, phát triển chung của đất nước. Trong khi đó, hiện nay chúng ta chưa có một đặc khu kinh tế nào. TP. HCM là đầu tầu trong sự phát triển kinh tế của quốc gia. Tăng 1 % GDP của TP. HCM có thể tạo ra tăng 0,24% GDP cả nước. Vậy tại sao chúng ta không thúc đẩy đầu tàu kinh tế ấy lên để phát triển kinh tế chung, mà muốn đẩy lên phải có cơ chế đặc thù.

Thực tế, để phát triển đặc khu kinh tế, chúng ta đã chờ 30 năm. Nếu lần này vẫn không thành công, chúng ta sẽ tiếp tục phải chờ đợi. Nếu 30 năm chưa đủ "chín" trong tư duy và hành động thì phải chờ đến khi nào Việt Nam cảm thấy thực sự không còn cách nào khác, buộc phải phát triển các đặc khu. 

Chỉ tiếc là chúng ta chậm chân thì chúng ta thiệt. Thời gian là vốn quý nhất của sự phát triển. Tranh thủ được thời gian sẽ giúp chúng ta đi nhanh hơn. Trong khi đó, cái giá phải trả cho sự chậm trễ là tụt hậu, là không thể bắt kịp với sự phát triển của thế giới.

Xin chân thành cảm ơn ông!