TS. Nguyễn Đình Cung: ‘Không khí cải cách có vẻ chùng xuống’

Mỹ Linh - 16:09, 31/10/2019

TheLEADERMặc dù kinh tế có sự tăng trưởng tốt, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng dường như đang chậm lại và tồn tại không ít vấn đề, đòi hỏi sự cải cách thực tế và mang tính thị trường hơn nữa.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đánh giá trong năm 2019 và kể từ năm 2016 đến nay, nền kinh tế Việt Nam nhìn chung phát triển tương đối ổn định và có sự cải thiện khá rõ nét so với trước.

Những thành tích vừa qua đến từ việc Chính phủ luôn kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tăng thêm lòng tin cho các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp. Hàng loạt cải cách được thực hiện, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng” trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), vị chuyên gia cho biết dù kinh tế bên ngoài có những bất lợi, xuất khẩu vẫn có tốc độ tăng tốt, là yếu tố khá thuận lợi trong thúc đẩy tăng trưởng.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng nhờ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định và ngược lại.

Những điều này đang tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, giúp tăng trưởng dựa nhiều hơn vào khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề đáng lưu ý của Việt Nam, trước hết là tăng trưởng nhờ xuất khẩu khá bấp bênh, không chắc chắn và rủi ro không nhỏ.

Cụ thể, xuất khẩu tăng 7,6% nhưng phụ thuộc rất lớn vào Mỹ khi xuất khẩu sang thị trường này tăng tới 26,6%, cao hơn nhiều mức tăng sang các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thậm chí, xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc giảm nhẹ.

“Như vậy, Mỹ đang là cứu tinh cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đặt kinh tế Việt Nam vào thế bất định, rủi ro. Ta đừng nói xuất khẩu chung chung làm gì, nhìn vào các con số trên, ta thấy rủi ro lớn”, ông Cung đánh giá.

TS. Nguyễn Đình Cung:
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương.

Một sự suy giảm đáng ngại khác nằm tại dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi số dự án tăng 26% nhưng vốn đăng ký mới lại giảm 14,6%, cho thấy quy mô các dự án sụt giảm.

“Việc giảm này khiến ta có quyền nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức FDI đầu tư tại Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư FDI đang phân nhỏ dự án để tránh rủi ro. Và với quy mô dự án nhỏ, giảm dần thì liệu có nghiên cứu và phát triển, liệu có chuyển giao công nghệ được không?”, ông Cung đặt vấn đề.

FDI đăng ký bổ sung cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy Việt Nam chưa chắc đã được hưởng lợi về đầu tư nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cải cách tuân theo quy luật thị trường

Ngoài những yếu tố tạo tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá tốc độ cải cách, không khí cải cách có vẻ chùng xuống so với đầu nhiệm kỳ.

“Còn rất nhiều dư địa để cải cách nhưng các bộ, ban, ngành không nhìn thấy áp lực buộc phải làm. Khác với 2017, 2018, áp lực bên ngoài, bên trong rất mạnh mẽ, đến mức không thể không làm”, ông cho biết trong phỏng vấn bên lề hội thảo.

Việc triển khai những cải cách tiếp theo được đánh giá rất quan trọng để những cải cách đã có có hiệu lực mạnh mẽ hơn. Những tác động trên thực tế chưa bằng cải cách trên văn bản và trên giấy tờ.

Trước đó, ông Cung nhấn mạnh cải cách vi mô phải là một sự chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường trong nước, nâng cao mức độ an toàn và giảm chi phí cho doanh nghiệp; phải cải cách mạnh mẽ hơn, cái gì cần bỏ phải bỏ, cái gì cần làm phải làm và làm trên cơ sở khoa học, có bằng chứng.

Ông cho rằng cải cách của Việt Nam chỉ có thị trường, thị trường và thị trường, dù tìm kiếm lối đi riêng thì vẫn phải tuân theo quy luật, không nằm ngoài những vấn đề mà thế giới gặp phải.

“Tại sao lại vậy? Tại vì ở Việt Nam, mọi thứ đang đè nén thị trường, thế thì ta phải đẩy nó, phải thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa”. 

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc gỡ bỏ các quy định hành chính bất hợp lý; đơn giản hóa, hợp lý hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế.

“Tôi kiến nghị đừng để các Bộ tự làm, vì nếu từng Bộ thì không ai làm được cái này đâu. Đây là lĩnh vực đầy rẫy xin – cho và quyền lợi, không ai tự bỏ quyền của mình cả. Để các Bộ tự làm với nhau thì chỉ ra một sản phẩm thỏa hiệp thôi, không giải quyết được vấn đề”, ông phân tích.

Vị viện trưởng CIEM kiến nghị thành lập một tổ công tác chuyên ngành, chủ yếu là người bên ngoài, đặt dưới sự chỉ đạo của một phó thủ tướng để làm. Nếu không, những điều này ta đã nói 10 năm qua, có thể sẽ nói trong 10 năm tới”, ông Cung nhấn mạnh.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, không nên tập trung vào cổ phần hóa mà nên làm nhiều hơn phần mở rộng quyền tự chủ kinh doanh cho các doanh nghiệp này. Đồng thời, cần áp dụng khung quản trị theo thông lệ quốc tế để minh bạch hóa hơn hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Cung cho rằng: “Không nên coi doanh nghiệp như một công cụ để Nhà nước quản lý mà hãy coi họ là công cụ kinh doanh. Hãy tiến hành ngay bây giờ vì doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý, sử dụng khối tài sản rất lớn và việc sử dụng nhìn chung kém hiệu quả”.

Việc cải cách, làm bừng lên hiệu quả của khu vực này sẽ là động lực rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế ít nhất trong 5 năm tiếp theo.