Ứng xử với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: ‘Cứ để dân làm, đừng lo quản lý’

Quỳnh Chi - 17:11, 02/05/2019

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, khi bắt đầu đăng ký kinh doanh đã gặp ngay vướng mắc.

Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua đề xuất dự án tài trợ hệ thống 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố của Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing.

Theo đó, 1.000 nhà vệ sinh công cộng hiện đại, tiện ích sẽ thay thế những nhà vệ sinh được xây từ những năm 1990. Thay vào đó, công ty này sẽ được quyền khai thác kinh doanh quảng cáo trên hệ thống cầu vượt.

Chia sẻ tại hội thảo “Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, một đại diện của Vinasing cho biết, để được cấp quyền thí điểm ở Hà Nội, doanh nghiệp này phải trải qua 4 cuộc họp do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì.

Do đây là một đề xuất mới với một hình thức hợp tác mới nên các sở, ban ngành gặp nhiều vướng mắc, không biết phải giải quyết thế nào.

Khi đã được cấp phép treo biển quảng cáo tại hệ thống cầu vượt, Vinasing lại gặp phải vướng mắc trong làm việc với ngân hàng vì muốn được cấp vốn, doanh nghiệp này buộc phải có hợp đồng đầu tư trong khi hợp đồng của công ty này với Hà Nội lại không thuộc một dạng hợp đồng nào từng có trước đây.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), làm khác thì lại thường không theo quy định, thế nhưng nếu làm theo quy định, tiến theo quy trình thì sẽ không bao giờ có đổi mới sáng tạo.

Ứng xử với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: ‘Cứ để dân làm, đừng lo quản lý’
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung

Ông Cung nhấn mạnh, làm chính sách phải tiếp cận một cách đồng bộ, không phải câu chuyện của riêng bộ nào. Đối với kinh doanh ở Việt Nam, chỉ riêng quy định thôi, khi bắt đầu đăng ký kinh doanh đã gặp ngay vướng mắc.

“Khởi nghiệp nhiều khi chưa biết là gì mà đăng ký kinh doanh thì lại phải định hình rõ nó là gì nên 4-5 tháng mới ra được giấy đăng ký kinh doanh là chuyện bình thường. Do đó, cần có cách tiếp cận khác”, lãnh đạo CIEM nhấn mạnh.

Không những vậy, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như vậy, chưa kịp làm gì đã vấp phải hàng loạt khó khăn.

Ông Cung kể lại, một mô hình du lịch quy mô nhỏ xin giấy phép 6 tháng vẫn chưa xong và cũng không biết bao giờ mới được. Doanh nghiệp này cứ đi đến đâu là vướng đến đấy. Theo ông Cung như vậy là ngăn cản đổi mới sáng tạo.

Vị chuyên gia này cho rằng, hệ thống pháp lý hiện hành không tương thích với đổi mới sáng tạo. Theo đó, cách ứng xử với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay cần theo hướng cứ để dân làm, không việc gì phải lo quản lý.

“Không phải Nhà nước biết đến đâu thì cho dân làm đến đấy ngược lại, cần quản lý vì phát triển. Chúng ta đang đầy rẫy rào cản và với cách tiêp cận mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tin rằng khó khăn của mình sẽ được giải quyết”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, năng lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay vô cùng lớn, chỉ cần tháo bỏ một phần nào đó những khó khăn, rào cản thì họ sẽ bùng nở, nguồn năng lượng này sẽ từ đó được kích lên.

“Đừng ràng buộc, đừng bó hẹp rằng chỉ những người này mới được làm còn người kia không được, chỗ nào đang kém phát triển chính là dư địa để chúng ta phát triển”, ông Cung nói.

Ở một góc nhìn khác, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cũng khẳng định, nền kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo là một tiến trình tất yếu. 

Bộ Giao thông vận tải của nhiều nước đã bỏ rất nhiều thời gian, tiền bạc nghiên cứu giải pháp nhưng sau đó để thị trường tự động lựa chọn và tự tạo ra ưu thế. Việc phát triển một nền kinh tế như vậy là tất yếu của quá trình phát triển, dù Việt Nam có muốn hay không cũng không thể cản được.

Ông Du nhận định, Việt Nam thay vì cấm đoán thì nên ủng hộ các mô hình kinh tế mới nhưng đặt trong ba điều kiện bao gồm khả năng tạo công ăn việc làm, thu ngân sách và ý tưởng mới.

Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: ‘Cứ để dân làm, đừng lo quản lý’
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019

Chuyên gia đến từ đại học Fulbright lấy dẫn chứng, nói đến chơi trò chơi điện tử thông thường người ta sẽ nhắc đến những tác động tiêu cực nhưng thực ra cách đây khoảng chục năm khi Việt Nam chưa có nguồn lực đầu tư, các mô hình mới trên thế giới nhảy vào và góp phần rất lớn trong việc hình thành nên hạ tầng công nghệ.

“Nếu chờ các quy định cho phát triển hạ tầng công nghệ thì không bao giờ làm được, trong khi đó lại là cơ hội để bắt kịp với thế giới”, ông Du nhìn nhận.

Khi ứng xử với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, ông Du chỉ ra hai sai lầm có thể gặp phải. Loại thứ nhất là cấm những lĩnh vực tạo nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam và thứ hai là có thể khuyến khích những hình thức kinh doanh có thể tạo nhiều tổn hại. 

Theo chuyên gia đến từ đại học Fulbright, nếu phải chọn giữa hai loại sai lầm này thì Việt Nam nên chấp nhận sai lầm thứ hai, nghĩa là đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và phát triển những ý tưởng mới.