Vai trò của mạng xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19

Việt Hưng - 13:31, 30/03/2020

TheLEADERNhững ngày gần đây, chính quyền các cấp liên tục ghi nhận và xử lí các thông tin giả trên mạng xã hội liên quan đến tình hình dịch Covid-19.

Trong khi virus Corona đã và đang lan rộng trên khắp thế giới, thì một loại virus nguy hiểm không kém là "tin giả" cũng lan rộng tương tự. Các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter cho biết, họ đã nỗ lực xoá những tin giả về virus corona và nhấn mạnh việc hợp tác với các chính phủ nhằm đảm bảo người dùng nhận được thông tin chính xác nhất.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy trên các nền tảng này vẫn còn hàng loạt các bài viết, ảnh và video đưa thông tin sai lệch nhưng vẫn chưa được xử lý. Điều này phản ánh hiện thực đáng sợ của nạn tin giả trên khắp thế giới.

Tại Việt Nam, những ngày gần đây, chính quyền các cấp liên tục ghi nhận và xử lí các trường tung tin giả trên mạng xã hội liên quan tới dịch Covid-19. Cá biệt, chủ tài khoản Facebook N.S đã đưa thông tin không chính xác về việc có ca tử vong vì dịch Covid-19. Sở Thông tin truyền thông TP. HCM sau đó đã có hình thức xử lý với chủ tài khoản này theo quy định pháp luật.

Có thể nói, sự lan truyền của nội dung sai lệch và độc hại về virus corona đang cho thấy mặt trái của việc sử dụng mạng xã hội, cũng như cuộc chiến khó khăn của các nhà nghiên cứu và công ty Internet với các cá nhân/tổ chức chuyên tung tin bịa đặt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đây là một cuộc chiến cam go, nhưng không phải là không có giải pháp nhằm đẩy lùi nạn tin giả. Trong đó, nỗ lực cũng như vai trò của các công ty công nghệ hiện đang vận hành các trang mạng xã hội là rất quan trọng.

Vai trò của mạng xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19
Gapo đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y Tế trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19

Ông Hà Trung Kiên, CEO mạng xã hội Gapo cho biết, ngoài việc sàng lọc kĩ các nội dung bài đăng của người dùng, Gapo hiện phối hợp chặt chẽ với Bộ Y Tế, cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các nguồn tin chính thống, đã được kiểm duyệt khác.

Gapo hiện là đối tác cộng đồng của Bộ Y Tế với dự án âm nhạc "Việt Nam Ơi! Đánh Bay COVID" - bài hát được nhạc sỹ Minh Beta viết lại lời trên nền nhạc ca khúc Việt Nam Ơi!, ra mắt đúng thời điểm Việt Nam đang gồng mình chống dịch.

Với lời ca lan tỏa năng lượng tích cực, kêu gọi toàn dân chung tay vượt qua khó khăn, đồng thời tri ân nỗ lực của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ ngày đêm vì người bệnh, dự án được đón nhận nồng nhiệt bởi hơn 3 triệu người dùng Gapo thông qua clip tự quay như: hát cover, lipsync, nhảy, diễn xuất... trên nền nhạc điệp khúc.

Tương tự Gapo, mạng xã hội Zalo liên tục đưa ra các khuyến cáo về sức khỏe tới người dùng, đồng thời tung ra bộ sticker ngộ nghĩnh liên quan tới các thông điệp như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng…

"Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần" - lời kêu gọi người dân chấp hành công tác cách ly là một trong các biểu cảm được người dùng hưởng ứng nhiều nhất. Ngoài bộ sticker độc đáo, Zalo cũng ra mắt chatbot "Phòng chống virus Corona", đồng thời tích hợp chatbot này vào Trang chính thức của Bộ Y tế nhằm thông tin nhanh đến người dân cả nước.

Bạn Hoàng Nhật (Hà Nội) chia sẻ: "Kể từ khi Bộ Y tế đưa ra các khuyến cáo cho dịch Covid-19, mình đã thuộc lòng nhờ các thông tin này có mặt ở khắp mọi nơi. So với Facebook, Twitter, các mạng xã hội của Việt Nam thông tin nhanh, chính xác và gần gũi, thân thiện hơn rất nhiều".

Vai trò của mạng xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19 1
Các mạng xã hội của Việt Nam đang cho thấy ưu thế, cũng như hiệu quả trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19

Thực tế, không riêng hoạt động chống tin giả, mà cuộc đua giành thị phần mạng xã hội tại Việt Nam đang ngày càng trở lên khốc liệt vì nhà đầu tư nào cũng muốn mình nổi bật nhất, ấn tượng nhất với người tiêu dùng. Nhiều mạng xã hội được giới chuyên môn đánh giá cao, được đầu tư với mức giá khá "khủng".

Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành, trong năm qua trung bình hằng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút - tương đương với một phần tư ngày để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị.

Trong đó, 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút. Có thể thấy, mạng xã hội đang dần trở thành một bộ phận không thể tách rời với người Việt Nam.

10 năm trước, người Việt mới chỉ biết tới Facebook, Youtube, Yahoo!, thì tới nay, con số này lên đến 455 mạng xã hội, theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Tính riêng mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 ứng dụng, website được cấp phép, kéo theo hàng loạt mạng xã hội được công bố ra mắt.

Theo báo cáo của Adsota, 76% người được khảo sát cho biết họ sử dụng các mạng xã hội để theo dõi và tương tác với bạn bè, người thân. Tiếp đến là các hoạt động cập nhật tin tức về các sự kiện đang diễn ra, hoặc các tin tức giải trí, lần lượt chiếm 48% và 39% các hoạt động trực tuyến của người dùng Việt.