Vai trò kép của phụ nữ trong chuỗi giá trị nhựa Việt Nam

Kiều Mai - 08:07, 31/08/2023

TheLEADERPhụ nữ chịu tác động tiêu cực và dễ bị tổn thương hơn trước vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng lại là lực lượng quan trọng giúp chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam bền vững hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đánh giá, phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phụ nữ nghèo thường ít được tiếp cận các quyền sử dụng đất, giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ khuyến nông, tài chính.

Điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các nguồn cung tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn chế, cùng các vấn đề môi trường khác. Đánh giá này được bà Hương đưa ra tại hội thảo Bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý chất thải nhựa mới đây.

Với vị trí xã hội, nữ giới có nguy cơ bị phơi nhiễm sớm hơn và lâu hơn nam giới. Đồng thời, khi gia đình bị ảnh hưởng sức khỏe do môi trường, nữ giới sẽ nhận gánh nặng hơn do vai trò kép trong gia đình.

Nhưng mặt khác, bà Hương lưu ý rằng, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo đó, họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình.

Họ cũng được thường xem là những nhà giáo dục đầu tiên trong gia đình, nên nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý, nữ giới cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Vai trò kép của phụ nữ trong chuỗi giá trị nhựa Việt Nam
Tại khu vực phi chính thức, nữ giới chiếm đa số trong các công việc thu gom rác thải, chiếm tới 85 – 95% lao động.

Kết quả từ báo cáo đánh giá hiện trạng về giới (GESI) trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam cũng cho thấy thực tế tương tự. Theo đó, phụ nữ giữ trách nhiệm chính trong việc quản lý công việc nội trợ hàng ngày, và họ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc sử dụng các sản phẩm nhựa.

Nữ giới chịu trách nhiệm chính trong việc phân loại, thu gom, và xử lý rác thải sinh hoạt, và có xu hướng hành vi quản lý chất thải bền vững hơn so với nam giới, do họ chú ý nhiều hơn đến việc phân loại và tái sử dụng rác thải.

Tại khu vực chính thức, báo cáo cho thấy, phụ nữ thường làm các công việc kém quan trọng hơn, được trả lương thấp hơn. Nguyên nhân là do những định kiến giới cho rằng phụ nữ phù hợp với công việc thu gom và xử lý rác thải hơn là các công việc liên quan đến tái chế và quản lý.

Tại khu vực phi chính thức, nữ giới chiếm đa số trong các công việc thu gom rác thải, chiếm tới 85 – 95% lao động.

Điều đáng chú ý là hiện nay rất thiếu các cơ chế để bảo vệ nữ giới trong khu vực này, khi họ không được đề cập đến trong các chính sách, không có hội nhóm đại diện, khó khăn trong tiếp cận với bảo hiểm xã hội và y tế, khó khăn về đăng ký cư trú, tiếp cận nhà ở an toàn, phúc lợi xã hội cho bản thân và con cái.

Cùng với đó, họ còn bị kỳ thị và không được ghi nhận.

Tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, cho biết thêm, phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa chính thức và không chính thức tại các hộ gia đình và cộng đồng.

Do đó, chính quyền và cộng đồng cần ghi nhận sự đóng góp này trong quá trình xây dựng chính sách.

Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách cần có thêm các nghiên cứu, dữ liệu, và bằng chứng về những vấn đề liên quan đến nhựa, giới và hòa nhập xã hội, nhằm tránh mọi tác động tiêu cực đối với phụ nữ, lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong quá trình thực thi chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), ông nhấn mạnh.

Các khuyến nghị

Báo cáo GESI khuyến nghị, trước hết, cần nâng cao năng lực của các bên liên quan đến nữ giới trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam.

Cụ thể, các cơ quan hoạch định chính sách cần nâng cao năng lực về chủ đề bình đẳng giới trong hành động về nhựa, nhằm đảm bảo các chính sách trong tương lai sẽ giải quyết các vấn đề của các bên liên quan khác nhau.

Cùng với đó, cần khuyến khích năng lực lãnh đạo nữ thông qua việc nâng cao năng lực và định hướng lộ trình nghề nghiệp cho các lãnh đạo nữ trong lĩnh vực nhựa.

Với cộng đồng, cần truyền thông nhằm khuyến khích việc phân loại rác tại nguồn, đồng thời giảm thiểu các định kiến giới trong việc phân chia công việc tại hộ gia đình.

Về chính sách, cần huy động tiếng nói của các bên liên quan (ví dụ như doanh nghiệp, lao động khối chính thức và khối phi chính thức) trong công tác tham vấn chính sách.

Về hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức, cần hỗ trợ nâng cao điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội, hỗ trợ cải thiện sinh kế, cũng như hỗ trợ nâng cao vai trò của lực lượng lao động này trong lĩnh vực thu gom, tái chế rác thải.