VCCI: Tăng thuế VAT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo
Tiêu Phong
Thứ bảy, 07/10/2017 - 08:00
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế GTGT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác.
Đó là nội dung quan trọng trong văn bản góp ý về dự thảo sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính trên cơ sở lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi cơ quan soạn thảo.
Ngày 17/8 vừa qua, Bộ Tài chính trình lên Quốc hội xem xét dự thảo sửa đổi năm luật thuế bao gồm Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế tài nguyên.
Dự thảo sửa đổi 5 luật thuế ngay khi công bố đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là nội dung sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) với việc đề nghị tăng thuế VAT từ 10% lên 12%.
Nhiều chuyên gia kinh tế uy tín cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp - hiện vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số cả nước.
VCCI cho biết, đối với thuế suất phổ thông, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng thuế từ 5% lên 6% và tăng thuế từ 10% lên 12% đối với các loại hàng hoá, dịch vụ tương ứng. Đây là một sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ trong tờ trình. Tờ trình mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế này.
Về mặt xã hội, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thuế GTGT là loại thuế luỹ thoái đánh vào tiêu dùng. Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất, nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn do tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao.
Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế GTGT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác.
Về mặt kinh tế, việc tăng thuế GTGT sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tăng thuế GTGT vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra.
VCCI cho biết, qua tham luận và trao đổi của các chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần cân nhắc một số hệ quả của chính sách này:
Thứ nhất, chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm trở lại đây thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này. Theo một đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với mô hình phát triển như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm ở mức 1% sau mỗi thập kỷ, và tác động của việc tăng thuế sẽ đẩy nhanh hơn mức suy giảm này.
Thứ hai, trong 3 nhóm doanh nghiệp (quốc doanh, dân doanh trong nước và FDI) thì các doanh nghiệp dân doanh trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng thuế GTGT. Các doanh nghiệp FDI hiện nay tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, không chịu thuế GTGT. Các doanh nghiệp nhà nước mặc dù cũng phải nộp thuế nhiều hơn nhưng sau đó có thể được thụ hưởng từ các khoản chi đầu tư tăng thêm có được từ tiền tăng thuế. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đặt ra tại Đại hội Đảng XII.
Thứ ba, việc tăng thuế còn có nguy cơ ảnh hưởng đến năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Trong 3 thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân trong nước có khả năng tạo việc làm tốt nhất trên mỗi đồng vốn đầu tư. Do đó, tiếp theo việc doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tăng thuế GTGT, năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ tư, tác động lạm phát đã được Bộ Tài chính tính toán và được coi là không lớn, chỉ làm tăng CPI một lần trong khoảng 0,06%-0,39%. Do không nắm rõ phương pháp nghiên cứu nên khó có thể bình luận sâu hơn về tác động này. Mặc dù vậy, theo ý kiến một số chuyên gia mà VCCI tiếp nhận được, đây là tác động trong điều kiện giả định là các yếu tố khác không đổi, trong đó có chi ngân sách.
Nói cách khác, nếu việc tăng thuế và số tiền thu được tăng thêm (ước đoán 70.000 tỷ đồng) được giữ lại trong ngân sách, không làm tăng chi ngân sách thì mức tăng CPI như thế là phù hợp. Tuy nhiên, Nhà nước không thể thu thêm thuế rồi để đó, mà sẽ sử dụng tiền thuế này để chi tiêu công. Việc Nhà nước sử dụng những đồng tiền thuế này chi tiêu như thế nào có thể sẽ kéo theo lạm phát.
Với những tác động kinh tế - xã hội như vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc tăng thuế GTGT như đề xuất.
"Về thuế giá trị gia tăng, chúng ta đang đứng trước yêu cầu có tiền để chi cho các chương trình ưu tiên, có nguồn thu để đối phó với sức căng về ngân sách cũng như là nợ công tăng cao", ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam nhấn mạnh.
Bất kì người dân nào, không phải là doanh nghiệp, thì đều là đối tượng chịu thuế VAT vì đó là thuế gián thu. Họ là người tiêu dùng cuối cùng, thuế tăng lên bao nhiêu thì họ gánh chịu hết - các chuyên gia phản bác ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính khi cho rằng, tăng thuế VAT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo.
Ba chữ viết tắt VAT làm tôi chợt bật ra câu hỏi: Vì Ai (mà) Tăng thuế? Vì Ai Thế? Ở một đất nước mà Nhà nước khẳng định là “của dân, do dân, vì dân”, thì rút cuộc tăng thuế VAT lần này là do ai, vì ai?
Dẫn dắt người tiêu dùng đồng hành cùng phát triển bền vững chính là kim chỉ nam cho các thương hiệu Việt tạo sự khác biệt và nâng tầm trên sân chơi toàn cầu.
Mục đích thương hiệu không chỉ giúp xây dựng niềm tin với khách hàng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội và môi trường.