Đang thành công theo đuổi nghiệp mỹ thuật, anh Trần Quốc Nam đã làm những người xung quanh không khỏi bất ngờ khi đột ngột thay đổi lựa chọn, đi theo con đường giúp đỡ người khuyết tật.
Gặp gỡ anh Nam trong một chương trình tôn vinh những phụ nữ khuyết tật vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phóng viên đã không khỏi bất ngờ trước triển lãm ảnh những người phụ nữ bình dị mà mạnh mẽ được ghi lại đầy xúc động và chân thành qua góc máy của anh.
Anh giúp các chị em chụp hình, đẩy xe lăn, tận tình hỏi thăm những chị em vừa đáp chuyến bay TP HCM – Hà Nội buổi sáng. Người đàn ông khoác chiếc áo sơ mi đỏ, quần bò xanh, giày thể thao đang tất bật đó là anh Trần Quốc Nam, Ủy viên thường trực Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội người khuyết tật thị xã Sơn Tây.
Khi được hỏi về chức danh của bản thân, dù đã làm việc trong cộng đồng người khuyết tật được 15 năm, anh Nam vẫn rất “bẽn lẽn” khi kể về mình “Nhiều người không biết anh làm nghề gì. Hôm nay chỗ này, ngày mai đã đi chỗ kia. Anh là thầy, là người anh của những bạn trong cộng đồng người khuyết tật”.
Từ chối bị gắn nhãn là người khuyết tật
Theo lời anh Nam kể lại, khi mới vừa 1 tuổi, một trận sốt virus đã khiến cho chân của anh bị teo cơ co rút. Từ sau trận ốm, dù vẫn đi lại được, nhưng một chân của anh đã không còn đứng thẳng.
Tuy vậy, may mắn khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học giữa Thủ đô, anh Nam được gia đình quan tâm, đối xử bình đẳng và tạo điều kiện tốt nhất cho việc học. Vì vậy, từ khi còn nhỏ đến khi đi học hết THPT, anh chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm hay nghĩ rằng mình là người khuyết tật.
Bước ra trường đời, anh Nam quyết định theo đuổi nghiệp mỹ thuật. Với công việc này, anh không những nuôi sống được bản thân mà còn có được những thành công nhất định. Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi và có lẽ cuộc sống của anh sẽ tiếp tục chẳng có gì khác biệt so với những người bình thường, những người không khuyết tật nếu không có những điều tác động làm anh thay đổi.
Đầu năm 2009, khi được mời tham gia một chương trình mit-tinh dành cho người khuyết tật tại Hà Nội, các thành viên trong BTC đã đề nghị anh Nam với vai trò là người khuyết tật hãy giúp đỡ những thành viên khác trong cộng đồng trong hoàn cảnh khó khăn. Và phản ứng đầu tiên của anh khi đó là… từ chối.
Anh Nam nghĩ rằng mình không thuộc về cộng đồng người khuyết tật. Anh cho rằng anh là một người hết sức bình thường, có thể tự lo và chăm sóc tốt cho bản thân. Hơn hết, anh không muốn bị gán mác là người khuyết tật.
Nhưng chính buổi mit-tinh này đã làm anh thay đổi. Tại chương trình, anh nhận thấy rằng không phải người khuyết tật nào cũng tự tin trong cuộc sống như anh. Những mặc cảm, tự ti này này đến từ những áp đặt, rào cản mà họ gặp phải trong gia đình, xã hội. Quan sát này đã khiến anh Nam quyết tâm phải làm gì đó để cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.
Cùng với các chính sách về NKT ngày càng được nhà nước quan tâm, anh Nam đã thành lập Hội người khuyết tật thị xã Sơn Tây. Đây là tổ chức hội đầu tiên được thành lập ngay sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008.
Từ sau khi thành lập hội, anh bắt đầu tìm kiếm, nắm bắt tất cả những cơ hội, kiến thức, kĩ năng để hỗ trợ người khuyết tật. Với những nỗ lực đó, trong rất nhiều ứng cử viên trên khắp Việt Nam, anh được tổ chức Christian Blind Mission – CBM (Đức) chọn lựa để đào tạo thành một chuyên gia về lĩnh vực NKT.
Sau đó, anh cũng liên tiếp được nhiều tổ chức khác cả trong và ngoài nước chọn cho đi học về từng lĩnh vực chuyên sâu như truyền thông, rủi ro thiên tai... trong hỗ trợ người khuyết tật.
Khi lòng tốt là một lựa chọn
Từ những công việc đầu tiên khi về nước như đồng hành với người khuyết tật trong việc tư vấn hướng dẫn cho đội ngũ y tá, bác sỹ ở các bệnh viện về kỹ năng khám chữa bệnh cho người khuyết tật khi họ đã gặp vẫn đề về thể chất lại gặp tình trạng cần chăm sóc sức khỏe, sau này anh Nam đảm nhiệm ngày càng nhiều công việc trong công tác hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật.
Hỗ trợ người khuyết tật là một công việc không hề đơn giản. Người khuyết tật gặp nhiều rào cản và trở ngại trong công việc và cuộc sống: rào cản thể chất, rào cản tâm lý, rào cản pháp lý, rào cản kiến thức, kỹ năng và rào cản về gia đình, xã hội.
Trong 15 năm hoạt động Hội, anh Nam đã đồng hành cùng cộng đồng trong việc giải quyết hầu hết các khía cạnh của vấn đề đó.
Cũng như hầu hết tất cả những người làm công tác xã hội khác, một trong những hoạt động cơ bản nhất mà anh Nam thực hiện là hoạt động từ thiện. Những hoạt động này thường hướng tới tạo một phần sinh kế cho người khuyết tật hoặc cung cấp những điều kiện cơ bản cho cuộc sống của người khuyết tật.
Cụ thể, anh Nam đã thành công kêu gọi cộng đồng hỗ trợ được những khoản tài trợ có giá trị hàng trăm triệu đồng từ nhu yếu phẩm thiết yếu cho anh chị em người khuyết tật trong đại dịch Covid-19, cho đến những thiết bị hỗ trợ (như giường y tế, xe lăn), đồ dùng gia đình (tivi-lò vi sóng-quạt-xe đạp) và cả tiền mặt trong những trường hợp khẩn cấp.
Tuy vậy, theo anh, đây là hoạt động cần thiết nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Vấn đề lớn nhất của người khuyết tật không phải là kế sinh nhai mà là mong muốn được tiếp cận nhu cầu của đời sống một cách bình đẳng, có khả năng đóng góp cho cộng đồng, xã hội, trở thành người có ích.
Những điều đó đòi hỏi công tác hỗ trợ người khuyết tật phải đi sâu và đi xa hơn rất nhiều. Để hỗ trợ người khuyết tật có thể tiếp cận những nhu cầu đời sống tốt hơn, đầu tiên anh Nam tập trung vào hoạt động y tế.
“Người khuyết tật ấy mà, họ giống như những cỗ máy bị hỏng cần sửa chữa. Ra vào bệnh viện suốt”, anh Nam lạc quan tếu về hoàn cảnh của mình và những người cùng cảnh ngộ.
Trong suốt những năm qua, anh Nam thường xuyên hợp tác với các tổ chức công và tư nhằm hỗ trợ y tế cho người khuyết tật trên khắp Việt Nam. Những hoạt động đó có thể kể đến như đánh giá nguy cơ rủi ro thiên tai đảm bảo lồng ghép vấn đề của người khuyết tật, tư vấn định hướng sinh kế, thúc đẩy hòa nhập và bình đẳng cho trẻ em khuyết tật tại trường học, tập huấn các kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ Hội, tập huấn về thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực cho phụ nữ khuyết tật...
Ngoài những hoạt động trong cộng đồng, anh làm việc với các cơ quan có liên quan như Bộ nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Thương binh xã hội … với vai trò là chuyên gia trong lĩnh vực người khuyết tật, nhằm chỉ ra những lúng túng trong việc thúc đẩy bình đẳng, xóa bỏ mặc cảm tự tin và hỗ trợ người khuyết tật hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực chuyên sâu…
Nói thì ngắn gọn nhưng kể chi tiết về hoạt động hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật, đó là một hành trình rất dài và nhiều gian nan:
Trong suốt những năm qua, anh trở thành người thầy, người anh, người bạn, người em trên nhiều phương diện của các anh chị em khuyết tật trên mọi miền tổ quốc. Anh dạy họ về cách thành lập một tổ chức dành cho người khuyết tật, cũng như hướng dẫn về cách tổ chức bộ máy, cách thức hoạt động, lên kế hoạch tạo kinh phí cho các tổ chức đó.
Cùng với đó là những khóa huấn luyện nghề nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Những cuộc giải cứu người khuyết tật khỏi hoàn cảnh sống kém, bị bạo hành…
Và những cố gắng đó rồi cũng đã có thành quả. Sau gần 15 năm làm việc với người khuyết tật, anh Nam cùng với các tổ chức trong và ngoài nước đã tư vấn hoạt động hỗ trợ thành lập thành công hầu hết hội người khuyết tật ở các tỉnh thành, đem lại công ăn việc làm và niềm hi vọng cho hàng ngàn người lao động khuyết tật.
Với số lượng hội người khuyết tật ở các tuyến cơ sở được nhân lên, người khuyết tật ở các địa phương nhiều vùng miền trên cả nước đã có chỗ để sinh hoạt. Đây cũng là những tổ chức góp phần bảo vệ quyền lợi, tạo cơ hội việc làm và trao quyền cho người khuyết tật...
Đó là những điều mà anh Nam đã làm trong suốt những năm qua. Với những đóng góp không ngừng của mình, anh Nam đã đạt được nhiều danh hiệu đáng quý: nhận giấy khen "Công dân ưu tú- gương người tốt- việc tốt" của UBND thành phố Hà Nội, nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ lao động TBXH vì thành tích vượt khó trong lao động học tập, Kỷ niệm chương của Liên hiệp hội NKT Việt Nam về thành tích Đóng góp xuát sắc cho sự nghiệp vì hạnh phúc cho người khuyết tật, giấy khen của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác...
Càng tham gia hoạt động thúc đẩy sự hòa nhập và bình đẳng cho cộng đồng, tận mắt thấy được những mảnh đời còn nhiều bất hạnh và chứng kiến sự lớn mạnh của các tập thể qua thời gian, anh Nam càng thấy quyết định năm đó của mình là đúng đắn.
“Công việc hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật giờ đây là công việc toàn thời gian của anh. Và với anh, lựa chọn “là một người khuyết tật” là một điều vô cùng ý nghĩa”, anh Nam chia sẻ.
Không có những rào cản mà người khuyết tật thường gặp phải, anh Nam hoàn toàn có thể chọn sống một cuộc đời bình thường, sống vì bản thân. Nhưng lựa chọn “là một người khuyết tật” đã thay đổi cuộc đời anh, và có lẽ cũng góp phần thay đổi phần nào cuộc sống của những người khuyết tật mà anh từng ngày hỗ trợ.
Người ta thường nói: “Thông minh là một món quà, còn lòng tốt là một sự lựa chọn”. Con người ta có thể dùng sự thông minh để đổi lấy sự thành công, còn lòng tốt sẽ để lại cho họ một cuộc đời ý nghĩa và đáng sống.
Cảm kích trước những hành động của anh Nam, chị Huỳnh Thanh Thảo, một người khuyết tật rất nặng sống tại Củ Chi được anh đồng hành trong chương trình “Vươn lên mạnh mẽ” dành cho phụ nữ khuyết tật toàn quốc năm 2022, chia sẻ tâm tư: “Cảm ơn anh vì đã lựa chọn “đi nghiêng”, để chúng em được đứng thẳng hơn”.
Quanh ta, vẫn có rất nhiều người đang lặng lẽ chọn lòng tốt, mỗi ngày.
Làm thế nào để người khuyết tật có thể mở nắp lọ mà không phải sử dụng toàn bộ bàn tay? Hay làm thế nào để một người bị viêm khớp hoặc chấn thương đầu gối có thể bước vào phòng tắm một cách an toàn? Đó là nhờ kiểu dáng của sản phẩm được thiết kế hợp lý.
Gần 10 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp xã hội Kym Việt đỡ trở thành bệ đỡ cho nhiều người khuyết tật để họ có thể tự tin làm chủ cuộc đời và cống hiến cho xã hội.
Vincom 20 năm tiên phong thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo giá trị bền vững cho khách hàng, đối tác, cộng đồng và xã hội, khẳng định vị thế thương hiệu bất động sản bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Nhu cầu vốn tăng cao giai đoạn cuối năm đang thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất. Dự kiến, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ tăng lên mức 5,1-5,2%/năm vào cuối năm nay.
Trong số ít dự án bất động sản kiến tạo môi trường sống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, Đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City Hà Nam đang tạo nên cơn sốt.
Tân Á Đại Thành lọt Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 và Top 5 trong ngành sản xuất, theo Anphabe, khẳng định môi trường làm việc chuyên nghiệp, bền vững.
LuxGroup Foundation phối hợp cùng tổ chức Green Dream tổ chức sự kiện trồng hơn 2.000 cây rừng tại thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.