Vì sao hàng nghìn người nước ngoài mua nhà nhưng rất ít được cấp sổ đỏ?

An Chi - 11:20, 08/08/2017

TheLEADERVẫn còn quá nhiều vướng mắc gây khó cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam mặc dù Luật Nhà ở 2014 sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015 đã có nhiều quy định đột phá.

Vì sao hàng nghìn người nước ngoài mua nhà nhưng rất ít được cấp sổ đỏ?
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Hàng nghìn người nước ngoài đã mua nhà

Theo Danh sách thông tin của Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện trên cả nước có 179 người nước ngoài và 667 Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam có sổ đỏ.

Mới đây, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ dẫn số liệu thống kê của Sở Xây dựng, đến ngày 15/5/2017, TP. HCM mới chỉ có 15 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài được cấp chứng nhận sở hữu nhà ở.

Trong khi đó, số lượng thực tế người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam là khá lớn, lên tới hàng nghìn căn hộ.

Những con số trên cho thấy, vẫn còn quá nhiều vướng mắc gây khó cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam mặc dù Luật Nhà ở 2014 sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015 đã có nhiều quy định đột phá.

Theo đó, Luật Nhà ở 2014 đã mở rộng hơn về đối tượng được mua nhà. Các cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự là được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Trong khi trước đó, theo Nghị quyết 19 thì cá nhân nước ngoài phải đang sinh sống tại Việt Nam, cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự mới được phép sở hữu nhà ở.

Theo kết quả khảo sát của Savill Việt Nam, sau vài năm Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, nhiều khách nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường bất động sản tại các thành phố lớn, nhất là TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Chỉriêng thị trường bất động sản TP. HCM, trong vòng hai năm qua đã có hàng ngàn giao dịch thành công với khách hàng là người nước ngoài. Trong năm 2017, đã có rất nhiều dự án “chạm trần” sở hữu khách nước ngoài.

Cụ thể, một dự án nằm ở vị trí đắc địa của quận 2 được mở bán giai đoạn 2 thì hạn ngạch dành cho người nước ngoài đạt hơn 30% trong thời gian ngắn và còn nhiều khách nước ngoài không có được suất mua căn hộ. Khách hàng trong đợt mở bán này chủ yếu đến từ Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore.

Dựa trên đánh giá chung, những dự án nằm ở vị trí chiến lược như quận 1 và quận 2, đặc biệt là khu vực Thảo Điền và Thủ Thiêm, với chủ đầu tư uy tín hiện nhận được sự quan tâm với tỉ lệ hấp thụ rất khả quan từ đối tượng khách nước ngoài.

Tại Hà Nội, thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều dự án có sự quan tâm rất lớn của người nước ngoài. Theo thông tin từ đại diện TNR Hoding, tính đến đầu năm 2017, dự án Golmark City,số 136 Hồ Tùng Mậu đã có hơn 400 người nước ngoài sở hữu căn hộ, trên tổng số 5.000 căn hộ toàn dự án.

Theo ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở của Savills, trên thực tế, các dự án, sản phẩm thu hút người mua quốc tế chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp, đi kèm với đó là đòi hỏi về chất lượng công trình, dịch vụ trong quá trình tư vấn và bán hàng tương xứng cũng như khả năng đầu tư, cho thuê lại.

Tuy số lượng căn hộ cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn tương đối thấp tốn so với mức 90.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhưng rõ ràng nếu so với con 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam trong năm năm thực hiện Nghị quyết 19 thì đây thật sự là bước đột phá rất lớn.

Gỡ nhưng vẫn... vướng!

Nhận định về thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, số lượng người nước ngoài được cấp sổ đỏ còn hạn chế là do quy trình cấp sổ đỏ chưa được phổ biến rộng rãi, thủ tục cấp sổ đỏ còn rườm rà gây nhiều khó khăn cho người dân.

Bên cạnh đó, người nước ngoài chưa nắm bắt rõ thủ tục pháp lý ở Việt Nam, và ngược lại, công tác hành chính tại một số địa phương còn chưa quen thuộc với khách nước ngoài tạo nên những rào cản trong việc cấp sổ đỏ.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể các dự án không cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.

Các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm xác định cụ thể các trường hợp cá nhân người nước ngoài đã mua nhà và đối chiếu với quy định nêu trên để xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, việc chậm triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND TP trong việc xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng, không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở đã gây chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà trên địa bàn thành phố.