Vì sao thị trường vốn 'hờ hững' với tài chính xanh?

Kiều Mai - 11:29, 02/08/2022

TheLEADERChính sách chưa rõ ràng, kịp thời, và thiếu sự hỗ trợ đồng bộ là nguyên nhân chính đang khiến đầu tư vào năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu chưa thể bùng nổ.

Nhu cầu tài chính lớn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Tại COP26 vừa qua, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngừng đầu tư sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai điện sạch và loại bỏ điện than vào những năm 2040.

Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, khi vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao.

Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam” ước tính Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040, tập trung vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.

Ước tính đóng góp từ khu vực tư nhân sẽ chiếm khoảng một nửa, tương đương 184 tỷ USD, trong khi khu vực công có thể đóng góp 130 tỷ USD. Phần còn lại sẽ đến từ các nguồn lực bên ngoài.

Tổ chức này nhấn mạnh: “Khó có khả năng Việt Nam sẽ đủ điều kiện tài trợ mọi giải pháp thích nghi và giảm thiểu biến đổi khí hậu nếu không có sự đóng góp từ các nguồn bên ngoài”.

Tại tọa đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng” do Báo Đầu tư và UNDP tổ chức, bà Kanni Wignaraja, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNDP, nhận định 368 tỷ USD vốn đầu tư từ nay đến năm 2040 là con số rất lớn, và có thể có thêm các khía cạnh khác chưa thể tính hết ngoài vấn đề tiền.

Bà phân tích cho biết điện gió, điện mặt trời có thể giảm chi phí vận hành, nhưng yêu cầu đầu tư lớn, đi cùng với đảm bảo cân đối phụ tải, cũng như ra đời các phương thức sản xuất mới giữa các ngành để chuyển đổi, sử dụng nguồn năng lượng mới. Không chỉ vậy, hành vi, tương tác tích cực trong xã hội cũng cần chú trọng.

Ngoài ra, Việt Nam cần nguồn vốn từ cả khu vực công và tư để tạo ra bước chuyển đổi, trong đó, khả năng sinh lời và tính có thể dự báo được là các yếu tố chính để có thể huy động nguồn lực.

Thời gian qua, thị trường vốn tại Việt Nam đã có chuyển động tích cực đối với tài trợ cho các dự án liên quan đến phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngày càng nhiều ngân hàng tại Việt Nam quan tâm tới tín dụng xanh và trái phiếu xanh.

Tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam hiện mới chỉ ở mức 4 – 5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, nhưng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên tới 30%, ông Hòe thông tin.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã có những bước đi tích cực trong tiến trình từng bước xanh hóa hệ thống ngân hàng, xanh hóa thị trường vốn, như ban hành Đề án Phát triển ngân hàng xanh, Chỉ thị 03/CT về tín dụng xanh, thống kê danh mục cho vay xanh của các tổ chức tín dụng…

Rào cản ngăn dòng tài chính xanh

Mặc dù có tiềm năng đáng kể để tăng cường tài chính xanh, và sử dụng khu vực tài chính làm đòn bẩy nhằm tái phân bổ vốn cho các khoản đầu tư bền vững hơn, Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức khiến huy động tài chính xanh vẫn ở mức khiêm tốn.

Theo ông Hòe, thách thức trước hết đến từ lãi suất cao, nguồn vốn trong nước hạn hẹp, đặc biệt là từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, khi chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, ít nguồn vốn trung và dài hạn.

Cùng với đó, thể chế, chính sách hiện nay vẫn thiếu sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân chuyển đổi năng lượng. Ví dụ, một dự án xanh đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn, từ đó giá bán phải cao hơn, nhưng hiện đang thiếu vắng cơ chế đấu thầu, chi tiêu công xanh, hay thiếu sự hỗ trợ giá, khiến các dự án khó thành công.

“Thách thức lớn nhất của Việt Nam có lẽ là vấn đề về mặt chính sách, tư duy về chính sách và sự đồng bộ về chính sách. Đây là điều quyết định liệu rằng có đủ tài chính xanh cho chuyển dịch năng lượng công bằng hay không”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhận thức và thói quen tiêu dùng xanh của người Việt Nam chưa cao.

Chia sẻ quan điểm, TS. Thomas Marois và GS. Uli Volz đến từ Trường SOAS, Đại học London, cho rằng mặc dù đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế mỗi quốc gia, tài chính tư nhân hoạt động độc lập lại có nhiều hạn chế, như thiếu nguồn vốn trung, dài hạn, thiếu các khoản vay chi phí hợp lý dành cho các công ty đổi mới sáng tạo nhỏ mới thành lập.

Khu vực tư nhân cũng sẽ khó sẵn sàng cung cấp tài chính cho các hoạt động mà lợi nhuận chưa chắc chắn.

Ngoài ra, một số vấn đề về quản trị như thị trường minh bạch, cạnh tranh, môi trường pháp lý, quy định về xây dựng, truyền tải và phân phối rõ ràng cũng đóng vai trò quan trọng trong huy động tài chính.

Không chỉ vậy, khó khăn của doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư vào năng lượng sạch không chỉ nằm ở vấn đề vốn.

Bà Phạm Nguyễn Ngọc Thương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính BCG Energy, cho biết doanh nghiệp vấp phải khó khăn về khung pháp lý, chính sách, bên cạnh việc tìm cách huy động thêm tài chính trong bối cảnh khuôn khổ chính sách hiện tại.

BCG đang phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, và mong muốn tăng số lượng trong tương lai. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đang mắc kẹt vì cơ chế giá điện mặt trời, và chờ đợi cơ chế cho điện gió suốt nhiều tháng qua.

Liên quan đến việc vay vốn từ hợp đồng mua bán điện, bà Thương cho biết thêm trong các hợp đồng mua bán điện hiện nay không có điều khoản nào bảo vệ các nhà phát triển như BCG Energy.

Do đó, doanh nghiệp này mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý để xây dựng nền tảng tốt cho nhà đầu tư tư nhân phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch HĐQT CME Solar, một số ngân hàng trong nước hiện rất tích cực tham gia vào dự án năng lượng, nhưng các ngân hàng nước ngoài đang rất ngần ngại.

Ông cho rằng lý do có thể bởi các ngân hàng này còn quan ngại về hợp đồng mua bán điện, cũng như cơ chế cụ thể về biểu giá khi chính sách giá FIT đã kết thúc.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Pacific Rim Investment & Management, cho rằng Việt Nam cần phát triển những dự án có khả năng vay vốn ngân hàng, và cần có lộ trình để biết mức giá năng lượng chuyển biến như thế nào trong tương lai. Khi các nhà đầu tư thấy được điều này, họ sẽ bắt đầu đầu tư các dự án năng lượng.