Vì sao Việt Nam vẫn 'đuối' trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Nhật An - 14:10, 21/10/2022

TheLEADERMặc dù mức độ tham gia chuỗi cung ứng lớn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế trong phần giá trị gia tăng, năng lực khá thấp cả về quản lý sản xuất và trình độ công nghệ.

Nhiều thách thức với chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, thúc đẩy hội nhập giữa các quốc gia, với trọng tâm là mở cửa kinh tế, tạo điều kiện kết hợp hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững, trong đó chuỗi cung ứng toàn cầu đóng vai trò trọng yếu.

Trong những năm gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng trong các lĩnh vực, mang lại cơ hội mới cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu phức tạp hơn và có giá trị cao hơn.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2022, trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có quy mô tham gia năm 2018 đạt 62,1% so với tổng giá trị xuất khẩu – cao hơn mức trung bình của nhiều khu vực trên thế giới, cho thấy nền sản xuất Việt Nam đã và đang có sự gia nhập khá mạnh mẽ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị và các yếu tố bất định khác vẫn đang tạo nên những xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu.

a
Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa.

Theo đó, ông Nghĩa đánh giá chuỗi cung ứng linh hoạt, ứng dụng công nghệ số, tăng cường tính minh bạch là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển bền vững.

Do đó, để tăng cường vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch theo hướng phát triển cân bằng và bền vững hơn, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế thông qua một chiến lược dài hạn, được phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan.

Việc đánh giá tổng thể và toàn diện năng lực giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trên cơ sở tích hợp, và định vị lại nguồn lực của tổ chức. Cùng với đó, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối mạng lưới của doanh nghiệp là nhiệm vụ trước mắt và quan trọng để giải quyết bài toán khó khăn đang đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.

Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.

a 1
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 mới đây.

Tuy nhiên, trước những thách thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thị trường các nước phát triển, xu thế phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả, và trách nhiệm tra soát đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới.

Ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, sản xuất hiện nay còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người.

Thứ trưởng đánh giá những điều này đang đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam – vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh.

Doanh nghiệp còn thiếu chủ động, chuẩn bị

Nghiên cứu “Năng lực động của doanh nghiệp Việt Nam: Hiện trạng, vị trí trong chuỗi giá trị và hàm ý cho hợp tác đa phương” do VCCI thực hiện mới đây chỉ ra rằng các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã và đang tham gia tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, giá trị gia tăng còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa định hướng rõ ràng, thiếu chủ động, thiếu sự chuẩn bị khi tham gia.

a
Khả năng đáp ứng yêu cầu đối tác của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn: VCCI.

Cụ thể, có tới hơn 51% sự tham gia của Việt Nam đến từ việc tiêu thụ sản phẩm từ bên ngoài, và chỉ có 11% đến từ việc cung cấp sản phẩm ra bên ngoài cho chuỗi cung ứng.

Đáng chú ý, gần 2/3 doanh nghiệp được khảo sát chưa có sự chuẩn bị khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hơn một nửa (53,3%) không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào giải quyết những khía cạnh thuộc "phần ngọn" của vấn đề, hơn là tập trung giải quyết các khía cạnh tiền đề, các khía cạnh thuộc về năng lực nền tảng.

a 1
Trọng tâm trong kế hoạch của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn: VCCI.

Trước đó, tại hội thảo chuyên đề “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo” do VCCI tổ chức, thông tin từ khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021 cho thấy có 5.000 doanh nghiệp hoat động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng có đến 88% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đáng chú ý, xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày, và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.

Cùng với đó, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng.

Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Điều này cho thấy năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn khá thấp cả về năng lực quản lý sản xuất và trình độ công nghệ.

Giải pháp tăng vị thế trên chuỗi giá trị

Theo Tổng thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng chiến lược, mục tiêu và kế hoạch thực hiện.

Theo đó, doanh nghiệp cần có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng.

Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cũng cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau như doanh nghiệp khác, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.

“Các doanh nghiệp dẫn dắt cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động, để giúp họ tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Lan Anh phân tích.

Trên cơ sở đó, phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác đa phương để nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghiên cứu từ VCCI cũng chỉ ra rằng kết nối với các nhà cung ứng, kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi là hai hỗ trợ doanh nghiệp mong nhận được nhất để tham gia vào chuỗi cung ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong nhận được hỗ trợ về phát triển thị trường, nghiên cứu và hát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Theo đó, VCCI khuyến nghị với các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ, cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, giữa các doanh nghiệp trong các ngành, giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Không chỉ vậy, cần tăng cường năng lực hoặc kết hợp với các tổ chức khác để thực hiện các nghiên cứu thị trường để cung cấp thông tin về ngành, công nghệ cho các doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho đánh giá Việt Nam đang có một số lợi thế bao gồm nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, và tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của chính phủ, cùng với một nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Ông cho rằng điều cần thiết trong việc nhân đôi và phát triển hơn nữa những lợi thế này chính là mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, và cần phải có những nỗ lực trung – dài hạn trong tương lai.

Ông cho biết thêm từ năm 2015 đến nay, Samsung Việt Nam đã và đang phối hợp cùng với Bộ Công thương dể cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất, cũng như chất lượng, thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của Samsung, và tiếp tục nỗ lực đảm bảo những nhân viên được làm việc trong môi trường tôn trọng, an toàn.