Việt Nam ‘gỡ nút thắt’ chuỗi cung ứng toàn cầu

Phạm Sơn - 22:26, 16/02/2022

TheLEADERDuy trì được chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi khơi thông tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, một trong những nguyên nhân gây ra áp lực lạm phát trên toàn thế giới.

Việt Nam ‘gỡ nút thắt’ chuỗi cung ứng toàn cầu
Các nhà sản xuất lớn nhanh chóng phục hồi hoạt động sau khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ảnh

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra hồi tháng 12 vừa qua, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận xét, trải qua 2 năm dịch bệnh, chuỗi cung ứng tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung ít bị tổn thương hơn so với những khu vực khác.

Đây là yếu tố thuận lợi để Việt Nam tận dụng làn sóng phục hồi kinh tế toàn cầu, khi các quốc gia triển khai những gói tài khóa “chưa từng có tiền lệ”, kéo theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh mẽ.

Thực tế là nhiều nhà sản xuất trên toàn thế giới đang rất lưu tâm tới yếu tố thuận lợi này. Báo Spunik của Nga đưa tin, Việt Nam đang trở thành “cứ điểm sản xuất mới” của thế giới.

Đây không phải lời khẳng định mang tính chủ quan mà được chứng minh qua hàng loạt dự án mới, dự án điều chỉnh tăng vốn từ những ông lớn như Samsung, Intel, Nike, Foxcon, Lego, Megatron… trong 2 năm dịch bệnh vừa qua.

Trong đó, đại diện hãng điện tử, công nghệ hàng đầu Samsung cũng nhiều lần khẳng định sẽ biến Việt Nam thành cứ điểm toàn cầu của tập đoàn này.

Gỡ nút thắt trong chuỗi cung ứng

Chiến dịch tiêm phủ vaccine Covid-19 của Việt Nam đạt được kết quả hết sức khả quan, với gần 80% dân số được tiêm đủ liều, hơn 30% dân số được tiêm mũi tăng cường.

Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiến lược “sống chung an toàn với virus Covid-19”, thay vì những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, kéo dài như quý III/2021.

Hãng tin tức Reuters cho biết, một nhà sản xuất hàng dệt may hàng đầu thế giới đã báo cáo số ca nhiễm lên đến 26 nghìn người tại những cơ sở sản xuất ở Việt Nam, cao hơn gấp đôi so với mức đỉnh dịch của năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn duy trì hoạt động.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong thời gian giãn cách xã hội, Nike đã chuyển một phần sản xuất sang quốc gia khác để đáp ứng kịp các đơn hàng. Tuy nhiên, ngay sau khi những biện pháp hạn chế được nới lỏng, hoạt động sản xuất của Nike tại Việt Nam nhanh chóng được khôi phục. Điều này cho thấy lợi thế của Việt Nam trong tổ chức sản xuất quy mô lớn không hề mất đi sau thời gian chống chịu với dịch bệnh.

“Hoạt động sản xuất diễn ra bình thường tại Việt Nam sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trong chuỗi cung ứng đang gây ra lạm phát toàn cầu”, Reuters nhận xét.

Không khí sản xuất với tiến độ cao đang bao trùm các nhà máy, dù mới kết thúc kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Trả lời Reuters, công nhân tại một nhà máy da giày cho biết đang tích cực làm thêm giờ để bù cho khoản thu nhập bị hao hụt bởi dịch bệnh.

“Việt Nam có thể duy trì năng lực sản xuất của các nhà máy. Điều này hỗ trợ tích cực cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, nông nghiệp và hàng điện tử”, Reuters dẫn lời một chuyên gia tại công ty kiểm toàn EY.

Sự có mặt của những nhà sản xuất lớn cùng với không khí làm việc sôi động, không còn nỗi lo gián đoạn bởi dịch bệnh là điểm cộng giúp Việt Nam thăng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt khi công xưởng của thế giới là Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “zero Covid-19”.