Việt Nam áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp với đường nhập từ 5 nước ASEAN

Nhật Hạ - 16:13, 02/08/2022

TheLEADERĐường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, có nguồn gốc nguyên liệu từ Thái Lan sẽ bị Việt Nam áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hơn 47,6%.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp với đường nhập từ 5 nước ASEAN
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới.

Bộ Công thương vừa quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước thuộc ASEAN dựa trên cơ sở quá trình điều tra khách quan, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Theo đó, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%.

Trong đó, thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026.

Kết quả điều tra cho thấy đây là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường của Thái Lan.

Đồng thời, các chỉ số kinh tế cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.

Việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại trên nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía.

Trường hợp đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại chính nước họ sẽ không bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh.

Bộ Công thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung - cầu, giá cả… để triển khai các công cụ quản lý phù hợp theo quy định nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và hài hòa lợi ích giữa người nông dân trồng mía, các doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.

Trước đó, vào tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía nhập trực tiếp từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, với mức thuế suất tổng cộng 47,64% .

Nguyên nhân chính đến từ việc đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên gần 1,5 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019. Năm 2020 cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành mía đường với thuế nhập khẩu ở mức 5%.

Đường nhập khẩu từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ đã gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước. Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, trước khi ngành đường thực thi ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến năm 2020 chỉ có 30 nhà máy còn hoạt động, 11 nhà máy đã buộc phải đóng cửa.

Trong 30 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ. Khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước. Diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể do thu nhập từ cây mía không đảm bảo cuộc sống của người nông dân. Có những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán với giá rất rẻ do bán phá giá và nhận được trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan.

Trong bối cảnh đó, phòng vệ thương mại đang là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất trong nước trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.