Việt Nam có 10 lợi thế để bắt kịp nền công nghiệp 4.0

Nguyễn Anh Tài - 09:09, 31/10/2017

TheLEADERChưa bao giờ Việt Nam có điều kiện bứt tốc, đón đầu để tận dụng tốt điều kiện khoa học công nghệ tốt của thế giới như hiện nay.

Việt Nam có 10 lợi thế để bắt kịp nền công nghiệp 4.0
Việt Nam đang có nhiều tiềm năng bắt kịp nền công nghiệp 4.0

Thế giới đã bước sang nền công nghiệp thế hệ thứ 4. Nội hàm này cần làm rõ khi thế giới phẳng đã đi qua gần hai thập kỷ, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, nền kinh tế chia sẻ (điển hình như Uber) đã thực tiễn khái niệm nền kinh tế tri thức để trở thành nền công nghiệp thế hệ thứ 4 này.

Thời gian gần đây, xu thế kinh tế thế giới xuất hiện các sản phẩm công nghệ mới, nên cách đầu tư, dòng vốn cũng vì thế mà vận hành liên tục theo nhu cầu vô tận của các ý tưởng khởi nghiệp, không chỉ tại Mỹ, Israel… mà tại những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil hay Việt Nam… Nên rõ ràng chúng ta không thể chần chừ được nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong các lần tham dự các diễn đàn doanh nghiệp cả trong nước lẫn quốc tế đều có các phát biểu mang tính hiệu triệu đến cộng đồng và doanh nhân doanh nghiệp.

Có nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu kinh tế trong nước hoài nghi, lo ngại rằng Việt Nam chưa qua khỏi nền công nghiệp thế hệ thứ 2 thì nói gì chuyện hội nhập bắt kịp nền công nghiệp lần thứ 4 này. 

Tôi thì nghĩ khác. Chưa bao giờ Việt Nam có điều kiện bứt tốc, đón đầu để tận dụng tốt điều kiện khoa học công nghệ tốt của thế giới như bây giờ vì mấy lẽ sau:

Thứ nhất, Việt Nam là một dân tộc uyển chuyển, thông minh. Rất thích tìm tòi cái mới, mong muốn được làm chủ, ngay trong lúc là nhân viên cũng trong tư thế nếu có cơ hội là tách ra khởi nghiệp ngay, phù hợp vô cùng với tính chất của nền kinh tế đầy sáng tạo.

Thứ hai, đất nước chúng ta có xuất phát điểm kinh tế thấp, từ khó khăn đi lên nên khát vọng làm giàu của đại đa số người dân là rất lớn. Muốn chứng tỏ mình bằng chị bằng em, bằng các nước láng giềng xung quanh và xa hơn là các nước giàu có trên thế giới.

Thứ ba, dân số trẻ; đặc biệt những người trẻ thế hệ 8x, 9x và sau nữa đã có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận, làm việc ngay trong môi trường kinh tế số, kinh tế internet; thậm trí chỉ số này còn cao hơn hẳn nhiều nước đang phát triển khác.

Thứ tư, Nhà nước đã mở cửa hội nhập với thế giới gần như hết công suất. Đây là thuận lợi đặc biệt chưa từng thấy trong suốt quá trình lịch sử phát triển của nước ta. Chỉ đứng sau Singapore, Hồng Kông về độ mở thị trường, trong đó có những lĩnh vực chúng ta mở còn mạnh dạn hơn như nhà ở, đất đai…

Thứ năm, một Chính phủ hành động, phục vụ, liêm chính đã được vận hành. Đi vào từng doanh nhân, doanh nghiệp cũng như trong từng bộ ngành, địa phương. Việc sửa đổi các bộ luật của Quốc hội vừa qua cũng nhằm tạo điều kiện minh bạch hơn, công bằng hơn cho người dân và các nhà đầu tư. Đây là nền tảng cơ bản có tính cú hích để nền kinh tế cất cánh.

Thứ sáu, an ninh, chính trị ổn định với những cam kết bảo vệ mạnh mẽ quyền lợi, quyền tài sản của các nhà đầu tư quốc tế vào nước ta làm ăn của Chính phủ ngày càng tăng cường. Vì thế, những năm qua rất nhiều nguồn vốn đổ vào nước ta thông qua đầu tư trực tiếp FDI, ODA, hay đặc biệt các quỹ đầu tư tăng vốn liên tục thời gian gần đây để mua cổ phiếu các công ty trong nước thông qua thị trường chứng khoán.

Thứ bảy, thời gian qua đã giảm vị thế độc quyền của các công ty nhà nước bằng cách cổ phần hóa ra cho tư nhân, bắt buộc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cải tổ hệ thống ngân hàng, trong sạch hệ thống tài chính, xử lý kiên quyết nợ xấu. Một bước tiến rất lớn trong hội nhập với nền tài chính toàn cầu là Chính phủ đã nới room của các ngân hàng trong nước cho các nhà đầu tư ngoại rót tiền vào lên mức cao dần trên 30%, rồi cho phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài mở trong nước. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng tuyên bố sẽ cho phép bán 100% cổ phần ngân hàng mua 0 đồng cho nhà đầu tư quốc tế.

Thứ tám, Việt Nam hành động mạnh mẽ trong việc không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt trong hoạt động cấp phép đầu tư. Để phát triển bền vững, Chính phủ đã đưa ra định hướng rõ ràng trong phát triển kinh tế mũi nhọn là: Du lịch, nông nghiệp sạch, hữu cơ, giàu dinh dưỡng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ.

Thứ chín, nước ta nằm ở vị trí địa lý đặc biệt kết nối Asian-Trung Quốc. Nằm trên tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Lợi thế vùng trời mở ra sẽ trở thành nơi trung chuyển của các hãng hàng không trên thế giới.

Thứ mười, chúng ta có lực lượng kiều bào hùng hậu tại nước ngoài; đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật…Đây là lợi thế rất lớn khi kiều bào đa phần có nền tảng tri thức cao, nguồn vốn dồi dào. Đặc biệt lòng yêu nước và luôn muốn đóng góp cho quê hương, bên cạnh rất nhiều du học sinh xuất sắc sẽ về nước đóng góp không ngừng tăng lên mỗi năm.

Với những lợi thế ấy, không thể nói Việt Nam chúng ta không bắt kịp, mà thậm chí còn có thể nổi bật trong tiến trình hình thành, phát triển trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới. Điều cần thiết lúc này là mỗi chúng ta, từ doanh nhân, doanh nghiệp cho đến từng bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt lên chương trình hành động thật chi tiết để tận dụng tối đa tiềm lực sẵn có cho mục tiêu hội nhập nhanh và chắc vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, cũng như hạn chế những thách thức, như lời thúc dục của Thủ tướng Chính phủ

Tôi cũng đề xuất Chính phủ nên thành lập một ban/bộ phận nghiên cứu thật sâu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp Thủ tướng có những quyết sách kịp thời, có tính căn cơ, mũi nhọn nhất để ngay từ những thời điểm đầu tiên của nền công nghiệp 4.0 đang đến chúng ta không bị lỡ nhịp.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Anh Tài - doanh nhân, nhà tư vấn chiến lược đầu tư.