Việt Nam có đang ‘hụt hơi’ trước EVFTA?

Phạm Sơn - 17:59, 25/09/2020

TheLEADERHiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực là cơ hội lớn nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức, bắt buộc các cơ quan chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp cần phải xem xét lại phương pháp tiếp cận với các hiệp định tự do thương mại.

Việt Nam có đang ‘hụt hơi’ trước EVFTA?
EVFTA là một hướng đi đúng trong chính sách phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương nhận định, EVFTA là một hướng đi đúng trong chính sách phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, với mức độ cam kết cao và đối tác tiềm năng, EVFTA là một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và đặc biệt có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh xu hướng dòng vốn toàn cầu dịch chuyển cùng các tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Việt Nam ký kết thành công hiệp định thương mại với đối tác có cơ cấu kinh tế không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Các hiệp định trước đó, bao gồm cả CPTPP dường như chỉ đóng vai trò tập dượt cho EVFTA.

Đồng quan điểm với ông Thái, Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan so sánh việc ký kết thành công EVFTA có ý nghĩa quan trọng không kém sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, các hiệp định tự do thương mại (FTA) trước đây cũng đã tạo ra nhiều cơ hội, tạo ra sự kỳ vọng nhưng cũng để lại không ít hụt hẫng.

Lý giải về điều này, bà Lan cho rằng Việt Nam dường như bị “hụt hơi” khi các FTA trước đây đến quá nhanh và dồn dập. Chính điều này dẫn tới sự chuẩn bị chưa được kỹ càng.

Đây cũng là điều đáng phải lưu tâm ở EVFTA khi sắp tới, một FTA vô cùng quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) cũng sắp hoàn tất ký kết và đi vào hiệu lực.

Thực hiện các cam kết trong FTA, nền kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu to lớn nhưng chỉ ở một số chỉ tiêu, cụ thể là thúc đẩy xuất khẩu và thu hút FDI.

Cụ thể, các nền kinh tế ngày càng mở cửa, hội nhập sâu rộng nhưng người hưởng lợi nhiều nhất lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Việt Nam có đang ‘hụt hơi’ trước EVFTA?
Các chuyên gia tại Phiên thảo luận thuộc khuôn khổ Hội thảo EVFTA: Những điều doanh nghiệp cần biết.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, khu vực FDI đóng góp tới hơn 20% GDP và gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang quá phụ thuộc vào FDI.

Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu cũng không nhận được quan tâm đúng mức từ phía chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Thái nhận định, xuất khẩu đóng vai trò tạo ra nguồn ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu, còn nhập khẩu mới là hoạt động quan trọng nhất, giúp đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên đề, hội thảo, tọa đàm cũng như chiến lược, chính sách từ phía chính phủ thường chú trọng mục tiêu tăng cường xuất khẩu, ít đề cập đến việc làm sao để nhập khẩu ổn định và bền vững.

“Lần này sẽ khác”

Chỉ ra nhiều khuyết điểm trong công tác tận dụng lợi thế từ các FTA, bà Lan cũng bày tỏ thái độ lạc quan về những kỳ vọng đối với EVFTA sẽ trở thành hiện thực.

Đã có 12 bài học trước đây rồi. Chẳng lẽ học 12 bài học mà không cải thiện được gì!
Chuyên gia Kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan.

Theo đó, với 12 FTA đã đi vào hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam đang dần làm quen với cơ hội đến từ mở cửa và hội nhập kinh tế sâu rộng.

Gần đây, nhiều lãnh đạo Đảng và nhà nước cũng đang nhắc rất nhiều đến vấn đề cải thiện nội lực của nền kinh tế. Bà Lan nhận xét, nhìn nhận đúng vấn đề sẽ là bước đi quan trọng để đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp và kịp thời.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, EVFTA đang đến rất đúng lúc, khi nhiều vấn đề khó khăn toàn cầu đẩy nền kinh tế vào tình cảnh éo le. Trong bối cảnh đó, EVFTA sẽ là cứu cánh và cơ hội để nền kinh tế gượng dậy, phục hồi và phát triển.

Đồng quan điểm với bà Trang, bà Lan bổ sung thêm, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có khát vọng đổi mới và vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây chính là sự chuẩn bị về tinh thần để đương đầu thách thức và tìm kiếm cơ hội sắp tới.

Mặt khác, EVFTA chứa đựng những nội hàm tương ứng với tư duy về phát triển của Việt Nam, được thể hiện trong Báo cáo Việt Nam 2035.

Báo cáo Việt Nam 2035 đưa ra 182 kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước. Gần đây, nhóm tác giả, bao gồm Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã xem xét lại và cho biết, có tới 170 văn bản pháp quy có lồng ghép những khuyến nghị của báo cáo.

Đây cũng chính là minh chứng cho thấy Việt Nam đang có những bước chuyển mình trong tư duy chính sách dần phù hợp hơn với mục tiêu Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ như Báo cáo Việt Nam 2035 đặt ra, cũng phù hợp hơn với việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ EVFTA.

Tuy nhiên, chính phủ cũng như doanh nghiệp cần phải có những bước đi bài bản, đúng đắn hơn để có thể thực sự trang bị đủ nội lực, chớp lấy thời cơ phát triển.