Việt Nam đang gặp một bài toán khó trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Quỳnh Như - 10:11, 06/11/2018

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới chỉ bắt đầu nên cơ hội hay thách thức đối với Việt Nam thực sự vẫn chưa thể khẳng định được.

Việt Nam đang gặp một bài toán khó trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều nhau liên quan tới thách thức hay cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức diễn ra từ giữa tháng 6/2018, khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Chiến dịch trừng phạt đầu tiên này chia làm 2 giai đoạn: khởi đầu, Mỹ sẽ áp 25% thuế lên 34 tỷ USD thuộc danh mục 818 mặt hàng, sau đó đến gần cuối tháng 8 tiếp tục đánh thuế 25% lên 16 tỷ USD với 272 mặt hàng. Tương tự, Trung Quốc cũng đáp trả bằng động thái tương tự, áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ và cũng chia làm 2 giai đoạn.

Tới giữa tháng 9/2018, Tổng thống Donald Trump thông báo là Mỹ sẽ tiến hành chiến dịch trừng phạt giai đoạn 2: bắt đầu bằng việc đánh 10% thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và khoản thuế đó có thể tăng lên 25% từ ngày 1/1/2019; ngay lập tức, Bắc Kinh cũng trả đũa khi loan tin sẽ đánh thuế ở hai mức là 5% và 10% lên 60 tỷ USD hàng hoá Mỹ.

Ngay từ khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu chiến với nhau trên mặt trận thương mại, nhiều người nhận định rằng: Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến này, do nhiều công ty Trung Quốc lẫn nước ngoài muốn xuất khẩu sang Mỹ buộc phải dịch chuyển sản xuất qua nước khác và Việt Nam là một lựa chọn tốt nhất vì vừa gần Trung Quốc lại có lao động rẻ.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam đang gặp một bài toán khó ở thời điểm này, do liên hệ giữa nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc quá sâu. Trung Quốc đang cho thấy sự chưa sẵn sàng của mình cho cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, khi cấu trúc tài chính tiền tệ của họ yếu và nền công nghệ vẫn chưa ngang tầm với Mỹ.

“Liệu Việt Nam có tiếp nhận được hết doanh nghiệp – nhà máy di cư từ Trung Quốc sang và đủ năng lực tiếp nhận những thứ tốt và loại bỏ những cái xấu hay sẽ bị bội thực”, ông Thiên nêu vấn đề.

Trong khi đó, thông tin từ ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch tập đoàn U&I Kết quả từ một khảo sát nhỏ với 4 công ty lớn trong ngành nội thất thế giới có nhà máy đặt tại Trung Quốc, nhận thấy cho biết, Việt Nam chưa hẳn là nơi được đa số doanh nghiệp lựa chọn để “tránh bão”, minh chứng là doanh nghiệp đầu tiên chuyển nhà máy sang Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp thứ 2 sang Mexico, doanh nghiệp thứ 3 chuyển đặt hàng ở Indonesia, doanh nghiệp 4 nhờ ông Tín lập nhà máy ở Việt Nam.

Theo đó, với việc một ít doanh nghiệp quyết định chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam thì một số ngành nghề như xây dựng, dịch vụ logistics, tư vấn thuế - kế toán được hưởng lợi. Ví dụ, giá đất ở khu công nghiệp Bàu Bàng – Bình Dương xa xôi cũng đã leo lên con số 70 USD/m2, gấp đôi cách đây 2 năm.

Ông Hàng Vay Chi – Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương tiết lộ trong một sự kiện gần đây: Việt Hương vừa thu được 30 triệu USD nhờ việc bán đất cho các doanh nghiệp Đài Loan. Ông Chi cho biết, vừa có 4 công ty Đài Loan đã bị Mỹ gần như ‘áp tải’ sang Việt Nam, với tối hậu thư nếu họ không rời Trung Quốc và ký hợp đồng xây dựng nhà máy tại Việt Nam, người Mỹ sẽ rút đơn đặt hàng trong năm 2019.

Tuy nhiên, trong hội thảo Vietnam Business Outlook 2019 do TheLEADER và Group Quản lý doanh nghiệp đồng tổ chức cuối tuần qua, ông Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc trường Fullright, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong cuộc chiến tranh thương mại này, Việt Nam được hưởng lợi từ một vài ngành như giày dép và nông sản thật không đáng gì nếu so với những thứ lớn hơn rất nhiều mà chúng ta hoặc là sẽ được hoặc là sẽ mất.

Theo ông Tự Anh, mỗi một lĩnh vực kinh doanh đều gắn với một mạng lưới sản xuất hoặc chuỗi giá trị nào đó, nên việc bóc một hoạt động trong chuỗi chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam mà không ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp là rất khó. Thế nên, nếu doanh nghiệp nào đó quyết định di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, họ sẽ chọn nhà máy sản xuất công đoạn phía sau, tức chủ yếu mang tính chất lắp ráp chứ không phải nhà máy sản xuất chính và cũng sẽ không diễn ra với quy mô ào ạt.

Ngoài ra, đến thời điểm này, nếu nhìn danh mục đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2018 vẫn chưa có nhiều thay đổi, vì theo số liệu đầu tư FDI vào Việt Nam năm nay, nguồn vốn từ Trung Quốc hay hoạt động M&A chưa có nhiều sự đột biến.

Trả lời cho câu hỏi "hiện tại, vì sao doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng qua Trung Quốc không những chẳng thuận lợi hơn mà còn gặp nhiều khó khăn hơn trước" của một chủ doanh nghiệp, ông Tự Anh cho biết, lý do bởi Trung Quốc đã phá giá 9% đồng tiền của mình trong khi Việt Nam chỉ phá giá 2% so với USD.

Cụ thể: Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ còn Trung Quốc là nơi chúng ta nhập khẩu nhiều nhất, nếu cộng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới.

Khi mà đồng Nhân dân tệ mất giá 9% so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam mất giá chưa đến 2%, tức chênh 7% so với Nhân dân tệ; khi chênh như thế, về mặt kinh tế, dòng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ đi và hàng Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đắt lên một cách tương ứng. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cảm thấy khó khăn hơn trước đây.

“Từ khi diễn ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hoạt động kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều thuận lợi hơn. Nguyên nhân bởi công ty các nước chuyển nhà máy, xí nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam, khiến nhu cầu về các thiết bị bảo hộ lao động tăng lên, giúp chúng tôi hưởng lợi. Dù thế, do cuộc chiến này cũng chỉ mới bắt đầu gần đây nên chưa ảnh hưởng quá nhiều, tăng trưởng trung bình của chúng tôi cũng chỉ vào khoảng 5 - 10%”, ông Trần Hoàng Trung, Phó giám đốc Công ty Trang thiết bị bảo hộ lao động An Bắc cho biết.

Ông Trung cũng lo lắng rằng, nếu Việt Nam không biết chọn lọc các nhà đầu tư thì sẽ có nguy cơ biến thành một Trung Quốc thứ hai, từng bị nhận định là ‘nhà kho của thế giới’ – bị ô nhiễm hóa chất, bụi khói.

Nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi ngay lập tức như Công ty An Bắc, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với Việt Nam sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ khó giữ nhân sự hơn khi mà "người mới" sẽ trả lương cao hơn (lương nhân công tại Trung Quốc đang cao gấp 3 lần Việt Nam), xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, cạnh tranh tại thị trường Việt Nam khốc liệt hơn do hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam rẻ hơn trước. 

"Tôi không dám chắc chắn do chưa đo lường được các chỉ số nhưng theo tôi thấy, không biết các doanh nghiệp khác trong ngành logistic như thế nào, chứ doanh nghiệp của tôi không chịu ảnh hưởng xấu hơn hoặc tốt hơn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, có lẽ do cuộc chiến này mới diễn ra", ông Nguyễn Thành Lộc, Giám đốc Mekong Logistics chia sẻ.

Ông Lộc cho rằng, nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới cũng chỉ mới qua Việt Nam khảo sát về môi trường đầu tư kinh doanh, vấn đề về pháp lý hoặc qua thuê đất chứ chưa có chính thức sản xuất nên ngành logistics Việt chưa thực sự được hưởng lợi. Các công ty Trung Quốc dịch chuyển đầu tư sang Campuchia khá nhiều. Hiện tại, người Trung Quốc đầu tư tiền bạc và di dân qua Sihanoukville rất nhiều, khiến địa phương này đang dần được xem là "thành phố của người Trung Quốc".