Ai sẽ thắng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Nam Anh - 15:34, 15/10/2018

TheLEADERKhông ít ý kiến cho rằng cuộc đối đầu thương mại ngày càng leo thang sẽ tạo ra sự tổn hại không chỉ với hai nền kinh tế lớn nhất mà còn với cả kinh tế toàn cầu.

Ai sẽ thắng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
Chuỗi giá trị toàn cầu sẽ bị gián đoạn vì chiến tranh thương mại. Ảnh: South China Morning Post

Ông Tao Zhang, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo rằng việc các chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải điều chỉnh để thích ứng với căng thẳng thương mại sẽ làm nền kinh tế thế giới mất đi khoảng 1% GDP vào năm tới, CNBC dẫn tin.

Trên thực tế, khi nguồn lực được phân bổ lại vì lý do thị trường sẽ cải thiện hiệu quả nhưng khi những thay đổi này diễn ra vì sự biến dạng không tự nhiên trong môi trường toàn cầu, chi phí cho sự điều chỉnh sẽ tăng cao.

Tại cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Indonesia, ông Zhang cho rằng mức chi phí trên sẽ tương đương gần 1% GDP của thế giới vào năm 2019.

"Đây là một minh họa về việc hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào nhưng trên thực tế, chúng ta sẽ còn thấy những tác động phức tạp hơn, không chỉ về thương mại, đầu tư mà còn về sự tự tin và phản ứng tâm lý của mọi người", CNBC dẫn lời.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) cách đây khoảng 1 tuần, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lần đầu tiên kể từ tháng 7/2016.

Theo báo cáo, kinh tế toàn cầu sẽ đạt tăng trưởng ở mức 3,7% trong năm nay và năm sau, giảm 0,2 điểm phần trăm so với con số 3,9% được dự báo cách đây 3 tháng.

Theo vị Phó giám đốc điều hành IMF, sẽ không ai hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại và ngay cả một quốc gia có vẻ như đứng đầu, quốc gia ấy vẫn không có khả năng kiếm lợi liên quan năng lực sản xuất và sụt giảm nhu cầu.

"Sẽ không ai thắng trong trò chơi này, do đó chúng tôi thúc giục hai nước, hoặc bất kì đối tác thương mại nào, bất cứ khi nào gặp bất đồng trong thương mại, hãy để họ nói chuyện với nhau và hủy bỏ sự căng thẳng này", CNBC dẫn lời.

Theo ông, đây là điều mà cộng đồng quốc tế cần bởi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất khá quan trọng với phần còn lại của thế giới.

Thông tin từ Bloomberg mới đây cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa gia tăng thêm thuế lên Trung Quốc và tuyên bố sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trị Mỹ là vấn đề lớn hơn nhiều sự "nhúng tay" của Nga vào cuộc bầu cứ nước này hai năm trước đây.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình "60 Minutes" của CBS, ông Trump cho biết ông không muốn đẩy kinh tế Trung Quốc vào suy thoái trước khi nói về tổn thất của thị trường chứng khoán kể từ khi thuế quan được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1929.

"Tôi muốn họ (Trung Quốc) đàm phán một thỏa thuận công bằng với chúng tôi. Tôi muốn họ mở cửa thị trường như cách mà thị trường của chúng tôi đang mở", Bloomberg dẫn lời.

Tính đến nay, Mỹ đã tiến hành 3 vòng thuế đối với Trung Quốc với tổng trị giá hàng bị nâng thuế đạt 250 tỷ USD, kéo theo những biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh. Chưa dừng lại, ông Trump còn dọa sẽ nâng thuế với phần giá trị nhập khẩu còn lại, đẩy Bắc Kinh vào nguy cơ bị gia tăng thuế toán bộ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang mới đây nhấn mạnh ngân hàng này còn rất nhiều công cụ có thể sử dụng để chống lại tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại, theo thông tin đưa bởi CNBC.

"Chúng tôi còn rất nhiều công cụ tiền tệ liên quan đến chính sách lãi suất hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Chúng tôi còn rất nhiều khoảng trống để điều chỉnh, trong trường hợp cần thiết”.

Tuần trước, South China Moring Post đưa tin ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho hầu hết các ngân hàng thương mại tại quốc gia này bắt đầu từ hôm nay (15/10), lần cắt giảm thứ 4 của quốc gia này trong năm nay.