Trung Quốc bắt đầu bị thương vì chiến tranh thương mại

Hoài Linh - 11:50, 19/10/2018

TheLEADERTốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Diễn biến mới nhất này gây áp lực lên Bắc Kinh trong việc đẩy mạnh hỗ trợ chính sách liên quan đến giải quyết rủi ro nợ và ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng trèo lái nền kinh tế qua nhiều thách thức trong bối cảnh lo ngại căng thẳng thương mại gây ra những ảnh hưởng thiếu tích cực trên thị trường chứng khoán, sụt giảm mạnh của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD làm giảm triển vọng tăng trưởng.

Theo số liệu mới đây từ Cục thống kê nhà nước của Trung Quốc được đưa bởi Reuters, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,5% trong quý III, thấp hơn mức 6,7% của quý II. Trước đó, phân tích thăm dò ý kiến của Reuters dự kiến Bắc Kinh sẽ gia tăng 6,6% GDP cho giai đoạn từ tháng 7 đến hết tháng 9.

Dữ liệu quý mới nhất này cho thấy Bắc Kinh đang dần cảm nhận những tác động từ cuộc đối đầu thương mại với Washington, thị trường lớn nhất của sản phẩm Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đã giữ được mức tăng trưởng hàng quý từ 6,7% - 6,9% trong vòng 3 năm qua.

"Nền kinh tế đã phát triển trong một phạm vi hợp lý trong 3 quý đầu tiên của năm nay. Cơ cấu và năng suất của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện", South China Morning Post dẫn tin.

Giám đốc đầu tư khu vực của UBS Global Wealth Management Kelvin Tay nhận định sự suy giảm tăng trưởng lần này của Trung Quốc là điều không đáng nhạc nhiên. "Trung Quốc không thể giữ mãi mức 6,6 - 6,7% tăng trưởng hàng quý bởi sự thật là quốc gia này đang bắt đầu suy yếu và bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ", CNBC dẫn lời.

Thị trường Trung Quốc đã vấp phải nhiều chao đảo kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng những chính sách cứng rắn của mình. Trong năm 2018, đồng nội tệ của quốc gia này giảm 6,4%, chứng khoán Thương Hải giảm 22,3% và không ít ngân hàng tỏ ra thận trọng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia châu Á này suy giảm vào tháng 8, rơi xuống dưới 10%, một ngưỡng được tờ Politico nhận định là mức khủng hoảng trong bối cảnh quốc gia đang phát triển mạnh dựa vào thương mại.

Rõ ràng, những tổn thất đang dần hiện ra sau những đòn tấn công mạnh mẽ từ Washington và những rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc đang chờ đợi được hóa giải.