Việt Nam hợp tác với Pháp để phát triển Chính phủ điện tử

Quỳnh Chi - 10:33, 31/05/2019

TheLEADERVới việc hợp tác với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định quyết tâm khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia vào cuối năm 2019.

Việt Nam hợp tác với Pháp để phát triển Chính phủ điện tử
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng gặp Giám đốc điều hành dự án của AFD Jean-Pierre Marcelli. Ảnh: VGP

Chiều ngày 30/5, Văn phòng Chính phủ và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác  về phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam. Giám đốc điều hành dự án của AFD Jean-Pierre Marcelli khẳng định, đây là một trong những dự án tốt nhất mà cơ quan này triển khai trên toàn thế giới. 

Theo Bản ghi nhớ giữa Văn phòng Chính phủ và AFD, hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên gồm: hỗ trợ Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, trọng tâm là xây dựng các chỉ số chủ yếu về theo dõi và đánh giá kết quả; xây dựng giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính quyền và bảo vệ dữ liệu; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng giải pháp xác thực định danh cá nhân và doanh nghiệp; xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ.

Ngoài những hướng hợp tác ưu tiên vừa nêu, về lâu dài, các bên có thể hợp tác về các chủ đề có cùng quan tâm như: hỗ trợ thay đổi hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng; Chính phủ số và dữ liệu mở; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; trục liên thông văn bản quốc gia...

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholar cho biết, thời gian qua, trong khuôn khổ dự án, Pháp đã huy động nhiều chuyên gia đầu ngành về Chính phủ điện tử sang hỗ trợ Việt Nam. Hợp tác Việt - Pháp về Chính phủ điện tử dựa trên 3 trụ cột chính, phù hợp với ưu tiên của hai bên. 

Thứ nhất là sự hỗ trợ của Pháp giúp Việt Nam xây dựng khuôn khổ chính sách, thể chế phục vụ việc vận hành Chính phủ điện tử. Thứ hai là chia sẻ năng lực, kinh nghiệm giữa các chuyên gia Pháp và Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau để xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử. Thứ ba là việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng cấu trúc cũng như xác định Cổng dịch vụ công quốc gia, tập trung vào phục vụ người dân, người sử dụng.

Đại sứ Bertrand Lortholar nhận định, xây dựng Chính phủ điện tử là giải pháp trả lời cho những thách thức hiện nay, để nền kinh tế cạnh tranh hơn, năng lực sản xuất cao hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. 

Việc xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách nền hành chính đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như làm sao đưa ra được các dịch vụ mới, làm sao để có định dạng điện tử hiệu quả, làm sao mang lại cho người dân những dịch vụ dễ tiếp cận, tăng cường chất lượng dịch vụ.