Việt Nam lọt Top 2 khu vực về triển vọng phục hồi nông nghiệp thực phẩm

Hoài An - 15:48, 28/04/2021

TheLEADERNgành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam hiện phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để gia tăng tính hiệu quả, linh hoạt và an toàn với môi trường cũng như chuỗi giá trị thực phẩm.

Việt Nam lọt Top 2 khu vực về triển vọng phục hồi nông nghiệp thực phẩm
Ngành nông nghiệp thực phẩm đang đóng góp lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam đã ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 tương đối sớm và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Ngành nông nghiệp thực phẩm vẫn có khả năng chống chịu trong đại dịch, đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2020, tương đương mức đóng góp tăng 3,7% tỷ USD vào GDP cả nước.

Đây là một trong những yếu tố chính để Food Industry Asia (FIA) xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về triển vọng phục hồi kinh tế ngành nông nghiệp thực phẩm thời gian tới, với số điểm 6,6/10, chỉ sau Singapore, tại báo cáo "Tác động kinh tế của ngành nông nghiệp thực phẩm tại Đông Nam Á" mới đây.

Ngành nông nghiệp thực phẩm đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế chung, tạo việc làm cũng như đưa thực phẩm lên bàn ăn với mức giá ổn định.

Tuy nhiên, theo báo cáo, cũng như các nước trong khu vực, ngành nông nghiệp thực phẩm Việt vốn có những thách thức mang tính dài hạn suốt thập kỷ qua gồm quá trình đô thị hóa nhanh và di dân khiến lao động nông nghiệp giảm. Cùng với đó, khi thu nhập tăng lên và dân số phát triển, người tiêu dùng đang đòi hỏi thực phẩm nhiều hơn và chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, ngành này phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để gia tăng tính hiệu quả, linh hoạt và an toàn với môi trường cũng như chuỗi giá trị thực phẩm. Điều này sẽ yêu cầu thực hành thông minh hơn, bao gồm cả cơ giới hóa, hỗ trợ tài chính, phát triển kỹ năng, cũng như chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý.

Để Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ông James Lambert, Giám đốc Cố vấn kinh tế châu Á của Oxford Economics cho rằng, điều quan trọng các nhà hoạch định chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành nông nghiệp thực phẩm phát triển mạnh mẽ. Muốn vậy, các chính sách tài khóa phải được hoạch định, thiết kế và truyền đạt một cách cẩn thận.

Thêm nữa, việc điều chỉnh chính sách tài khóa bao gồm việc tăng thuế bán hàng có thể làm giảm nhu cầu và phúc lợi của các hộ gia đình do thực phẩm và đồ uống không cồn hiện đang chiếm hơn 1/3 chi tiêu của những đối tượng này, ông Lambert lưu ý.

Báo cáo khuyến nghị, để xây dựng thành công các chính sách tài khóa mà không kìm hãm sự phục hồi của ngành nông nghiệp thực phẩm, chính phủ cần đáp ứng ba điều kiện: định hướng tác động đến hành vi; ưu tiên các quy định tiêu chuẩn hơn là thuế và liên tục đối thoại với ngành.

Còn theo bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, ngành nông nghiệp thực phẩm đã thể hiện khả năng chống chịu tốt trước đại dịch. Tuy nhiên, sự lây lan của Covid-19, rủi ro cung cầu và tài khóa có thể làm gián đoạn tăng trưởng.

Do đó, cần tiếp tục đa dạng hóa ngành nông nghiệp thực phẩm bằng cách nâng cao năng lực nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong công nghệ nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ, bà Tarnowka khuyến nghị.

Trước đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp thực phẩm đã đóng góp lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo của FIA nêu rõ, năm 2019, ngành này đã đóng góp 86,4 tỷ USD vào GDP, cung cấp 27,5 triệu việc làm, chiếm một nửa tổng số việc làm trên cả nước. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thực phẩm cũng đóng góp 13,2 tỷ USD tiền thuế. 

Việt Nam là quốc gia xuất siêu đáng kể các sản phẩm thực phẩm và đồ uống (F&B). Theo thống kê của FIA, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 25,5 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu chỉ có mức 15,8%, tương đương với xuất siêu 9,7 tỷ USD. Thặng dư thương mại lớn là đặc điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, chủ yếu đến từ các sản phẩm thực phẩm và đồ ăn chế biến.