Việt Nam trình diễn 6 giải pháp công nghệ nông nghiệp tại Hội nghị GMS 2018

Tùng Anh - 07:00, 28/03/2018

TheLEADERChương trình Thách thức công nghệ nông nghiệp vùng Mekong 2018 vừa công bố 23 startups công nghệ nông nghiệp lọt vào chung kết.

Việt Nam trình diễn 6 giải pháp công nghệ nông nghiệp tại Hội nghị GMS 2018
Các doanh nghiệp tham gia MATCh sẽ nhận giải thưởng và được hỗ trợ vốn.

Trong số 23 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được chọn ra từ 127 doanh nghiệp, có 13 startup đến từ Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ nông nghiệp toàn cầu.

Việt Nam có 6 doanh nghiệp lọt vào vòng chung kết với các dự án được đánh giá là sáng tạo và hữu ích ứng dụng trong nông nghiệp như nền tảng công nghệ IOT của Demeter, Gel nano của Nano Technology STV, chế phẩm vi sinh Sumitri của PADCO và một số dự án khác của Thủy sản Đại Thành, Cricket One và Rynan Technology Vietnam. 

Với quy trình lựa chọn cạnh tranh, chương trình Thách thức công nghệ nông nghiệp vùng Mekong (MATCh) tìm kiếm giải pháp công nghệ nông nghiệp và các mô hình kinh doanh mới nhằm thay đổi ngành nông nghiệp tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng theo hướng phát triển bền vững và bao trùm.

Các ứng cử viên vòng chung kết sẽ có cơ hội chia sẻ, học hỏi và hoàn thiện giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh của mình với các chuyên gia, các nhà đầu tư, và cố vấn. Họ sẽ tham dự khóa tập huấn để hoàn thiện mô hình kinh doanh và mở rộng kết nối.

Bên cạnh đó, các ứng cử viên sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng sông Mekong vào ngày 30 – 31/3 và trình diễn giải pháp và công nghệ của mình, được mời tham dự Cuộc thi Future Food Asia Award tổ chức vào ngày 23/5/2018 tại Singapore.

MATCh là chương trình thúc đẩy khởi nghiệp đầu tiên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; được tài trợ bởi chính phủ Australia và Ngân hàng phát triển châu Á, đồng tổ chức bởi Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI), Future Food Asia Award, và chương trình Hỗ trợ nông nghiệp cốt lõi giai đoạn mở rộng (CASP).

MATCh sẽ gồm hai chương trình bao gồm: Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp dành cho các startup trong nông nghiệp tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam và chương trình Tăng tốc tiếp cận thị trường dành cho các doanh nghiệp công nghệ công nghiệp trên toàn thế giới mong muốn mở rộng thị trường sang bốn nước nêu trên.

“Chúng tôi hết sức ấn tượng với các giải pháp công nghệ từ các ứng cử viên. MBI và các đối tác sẽ cùng các chủ nhân của sáng tạo công nghệ này triển khai giải pháp để góp phần biến ngành nông nghiệp khu vực tiểu vùng Mekong trở thành trung tâm cung cấp lương thực an toàn, dinh dưỡng hàng đầu cho thế giới”, ông Dominic Mellor, Giám đốc MBI - Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển Châu Á, chia sẻ.

Bà Isabelle Decitre, nhà sáng lập và CEO của ID Capital, doanh nghiệp vận hành chương trình Future Food Asia Award Competition nhìn nhận, các doanh nghiệp tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã nắm bắt công nghệ và điều chỉnh tương đối nhanh chóng để dễ dàng ứng dụng cho các thị trường và khách hàng tại khu vực này.

“Các nhà cung cấp giải pháp toàn cầu thường là những công ty già dặn hơn và việc hỗ trợ họ phát triển trong Tiểu vùng sông Mekong sẽ đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ và tạo hình mẫu để doanh nhân địa phương có thể học tập và phát triển”, bà Isabelle Decitre cho biết

“MATCh tạo dựng nền tảng giúp các doanh nghiệp kết nối trong hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp. Chúng tôi thực sự đã chia sẻ và học hỏi rất nhiều từ các ứng viên và cố vấn. Tôi hy vọng rằng MATCh sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng tôi cùng tạo nên sự khác biệt trong khu vực sông Mekong”, ông Phạm Duy Hưng, CEO Công ty Phát triển Nông nghiệp Phương Nam (PADCO) nhận định.