Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về gia tăng chi tiêu an sinh xã hội

Phương Anh - 15:18, 09/10/2018

TheLEADERCông bố mới đây của Oxfam về Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng (CRI) 2018 cho thấy Việt Nam đã gia tăng 8,52% chi tiêu cho an sinh xã hội so với năm ngoái, mức tăng lớn thứ hai trên thế giới.

Quốc gia đứng trên Việt Nam là Ukraine với mức 15,1% gia tăng chi tiêu trong 1 năm vừa qua.

Theo báo cáo này, Việt Nam xếp thứ 12 thế giới về mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với 2 điểm %. Việt Nam cũng nằm trong Top 10 quốc gia khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cam kết mạnh mẽ nhất với việc cải thiện chính sách thuế.

Xét về chỉ số CRI năm nay, Việt Nam xếp thứ 99 toàn cầu, cho thấy nỗ lực cam kết giảm bất bình đẳng của Chính phủ.

Chỉ số CRI 2018 xếp hạng 157 quốc gia dựa trên chính sách về chi tiêu xã hội, thuế và quyền lao động - ba lĩnh vực được đánh giá là thiết yếu trong việc giảm bất bình đẳng.

Chỉ số CRI 2018 được công bố trước thềm cuộc họp các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà lãnh đạo kinh tế khác tại Ngân hàng Thế giới và Hội nghị Thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế diễn ra vào tuần này tại Bali (Indonesia).

Bất bình đẳng làm chậm tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu cuộc đấu tranh chống đói nghèo và tăng căng thẳng xã hội. Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng nếu các chính phủ không giải quyết bất bình đẳng, mục tiêu xóa đói giảm nghèo cùng cực vào năm 2030 sẽ không thực hiện được và gần một nửa tỷ người vẫn sẽ sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Ông Matthew Martin, Giám đốc phát triển Tài chính quốc tế (DFI) nhận định: “Chỉ số CRI đã cho chúng ta thấy, rõ ràng đấu tranh chống bất bình đẳng không phải việc cố gắng trở thành quốc gia giàu có nhất hay nền kinh tế hùng mạnh nhất mà là ý chí chính trị để thông qua và đưa vào thực hành các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người siêu giàu và người nghèo. Chỉ số này cho phép chúng ta nhận ra ai đang làm và ai không làm điều đó”.

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam Quốc tế cho biết: “Rõ ràng, bất bình đẳng trói buộc con người vào đói nghèo. Chúng ta thấy các em bé chết vì các bệnh có thể phòng ngừa được ở các nước không dành ngân sách cho y tế, trong khi những người giàu nhất đang trốn thuế hàng tỷ đô la. 

Chúng ta nghe những câu chuyện về những người phụ nữ sống bằng mức lương nghèo nàn và đối mặt với cái đói, mà không nhận được chút gì từ sự thịnh vượng mà chính họ tạo ra.

Những điều này hoàn toàn giải quyết được, các chính phủ thường hành động như họ cam kết chống lại đói nghèo và giải quyết vấn đề bất bình đẳng — chỉ số này cho chúng ta thấy liệu họ có hành động như những cam kết đã đưa ra không.