Viettel: Hành trình sáng tạo từ những điều nhỏ nhất

Minh Nhật - 08:00, 06/08/2022

TheLEADERNgày nay, giá trị của doanh nghiệp không còn nằm ở nhà xưởng, máy móc mà nằm ở những bằng sáng chế. Như chúng ta đã biết, những sáng chế về công nghệ từ thung lũng Silicon đã mang lại cho những doanh nghiệp công nghệ Hoa Kỳ hàng tỷ đô la. Và tại Việt Nam, Viettel là công ty đi tiên phong trên con đường chinh phục và phát triển những tài sản trí tuệ đó.

Viettel: Hành trình sáng tạo từ những điều nhỏ nhất
Viettel là một trong những công ty đi tiên phong trong quản trị tài sản trí tuệ

Xuất thân từ một doanh nghiệp lắp đặt và thi công chỉ vỏn vẹn hơn 40 nhân lực trong ngành viễn thông, hiện nay, Viettel đã vươn lên thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Viettel có giá trị thương hiệu lên đến 8,76 tỷ đô la, xếp thứ 227 trong danh sách các thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới, và trong nhiều năm liền là thương hiệu viễn thông lớn nhất Đông Nam Á.

Để làm được điều này, Viettel đã trải qua một hành trình dài vắt qua bốn thập kỷ đổi mới và sáng tạo. Đây là động lực phát triển lớn nhất của Viettel. Sáng tạo từ những điều được coi là nhỏ nhất, dám làm những điều không ai dám làm và sáng tạo để trở thành những người tiên phong để đi cùng kỷ nguyên mới.

Sáng tạo từ những điều nhỏ nhất

Tại Viettel có ba công tác quản lý tài sản trí tuệ chính, bao gồm: hoạt động sáng kiến ý tưởng, hoạt động R&D và hoạt động sở hữu trí tuệ.

Trong đó, có thể nói hoạt động sáng kiến ý tưởng là hoạt động gần gũi nhất. Hoạt động này nhằm khuyến khích người Viettel sáng tạo và sáng tạo không ngừng từ những việc hàng ngày. Người Viettel làm việc trên tinh thần: “Việc ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua” và “Sáng tạo từ những việc nhỏ nhất”. Sáng kiến ý tưởng tại Viettel được định nghĩa là có tính mới trong phạm vi của tập đoàn. Ví dụ, nếu có bất cứ một sáng kiến ý tưởng nào đã xuất hiện trên thế giới hoặc ở một doanh nghiệp khác, nhưng nếu được sử dụng, vận dụng hiệu quả và mang lại lợi ích trong tập đoàn thì ý tưởng sáng tạo đó cũng sẽ được Viettel công nhận, lập hội đồng đánh giá, khen thưởng.

Ở Viettel đã từng có một câu chuyện như thế này: Giống như những chỗ khác, các nhân viên văn thư Viettel vẫn thường dùng tay để đếm số trang khi đóng dấu văn bản. Và nhiều năm cách đây, một nhân viên Viettel đã có ý tưởng là lấy xăm xe đạp để quấn đầu ngón tay, từ đó việc đếm số trang được tiện và nhanh hơn, khiến công việc được hiệu quả hơn. Và đương nhiên, ý tưởng này đã được Viettel đánh giá là tiện lợi và hiệu quả. Với những ý tưởng này, nhân viên của Viettel cũng sẽ nhận được một phần thưởng dù nhỏ thôi, nhưng có tác động khuyến khích tinh thần sáng tạo rất lớn cho nhân viên đó và những nhân viên khác trong tập đoàn.

Hoạt động đổi mới sáng tạo thứ hai đó là hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây là hoạt động thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Kết quả của hoạt động này là các sản phẩm mới, công nghệ lõi của sản phẩm, cơ sở dữ liệu, thuật toán xử lý phần mềm, bí quyết kĩ thuật, cách xây dựng đề tài dự án…

Và cuối cùng là hoạt động sở hữu trí tuệ. Viettel đã có bằng độc quyền sáng chế đầu tiên vào năm 2011. Tuy nhiên, hoạt động đăng ký đơn không được duy trì nhiều. Cho đến năm 2017, Viettel bắt đầu quan tâm đến hoạt động đăng ký SHTT trở lại và xác định rằng đây là động lực trong sự nghiệp đổi mới sáng tạo của tập đoàn.

Hoạt động quản trị tài sản sở hữu trí tuệ

Có thể thấy rõ ràng rằng vào năm 1975, tài sản hữu hình như nhà xưởng máy móc… trên tổng tài sản của doanh nghiệp của các doanh nghiệp trên toàn thế giới chiếm một tỉ trọng rất lớn, trên 80%; trong khi đó tài sản vô hình chiếm tỷ trọng thấp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ trọng này có sự đảo chiều. Giá trị vô hình (trong đó có tài sản sở hữu trí tuệ) của 500 doanh nghiệp vốn hóa hàng đầu của Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng rất lớn. Ngày nay, giá trị của doanh nghiệp nằm ở những bằng sáng chế, chứ không phải nằm ở nhà xưởng, máy móc. Đây chính là xu hướng chung của thế giới, và Viettel cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Để bắt kịp được xu hướng chung này, Viettel đã thực hiện một số hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp. Đầu tiên, Viettel đã ban hành quy chế quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích CBCNV tạo ra tài sản trí tuệ và đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho tập đoàn.

Tiếp đó, Viettel luôn chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị bên ngoài, chẳng hạn như Cục sở hữu trí tuệ, Viện quản trí tài sản trí tuệ Minh Đức… để tổ chức các khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ cho cán bộ công nhân viên trong tập đoàn về vai trò, tầm quan trọng của SHTT cũng như những kỹ năng cần thiết trong quá trình nộp đơn đăng ký sáng chế.

Cùng với đó, tập đoàn luôn tích cực trao đổi làm việc với các nhóm đề tài ở phía dưới để hướng dẫn họ cách thức ghi nhận tài sản trí tuệ, sau đó là đăng ký bảo hộ những tài sản trí tuệ đó. Trong quá trình làm đề tài dự án, luôn có rất nhiều phương án để có thể ra được sản phẩm cuối cùng, nhưng những phương án đó thường nằm trong đầu của các kỹ sư, rất ít khi được viết ra, được lưu lại để những thế hệ kỹ sư sau này của Viettel có thể ứng dụng những ý tưởng, sáng tạo đó.

Chẳng hạn, để phát triển một đề tài, chúng ta sẽ có 3, 4 phương án thực hiện, nhưng chỉ có một phương án thành công. Trước đây, những kỹ sư của chúng tôi thường chỉ viết ra phương án thành công mà còn bỏ qua phương án chưa đạt được kết quả. Tuy vậy, những phương án chưa thành công này biết đâu lại có thể được ứng dụng trong một đề tài khác trong tương lai. Chính vì vậy, tập đoàn đã khuyến khích, hướng dẫn các nhóm dự án ghi lại tất cả những bí quyết kỹ thuật và quản lý chúng. Từ đó, sau này những dự án khác có thể sử dụng những bí quyết kỹ thuật này mà không mất công sức và nguồn lực để phát triển và tìm lại nữa.

Cuối cùng, Viettel cũng tham gia vào nhiều hiệp hội và tổ chức lớn trên thế giới để cập nhật công nghệ cũng như các tiêu chuẩn quốc tế hiện đại, để chắc chắn rằng những sản phẩm mà tập đoàn làm ra đã đủ tiêu chuẩn để đưa vào hoạt động kinh doanh.

Trong 3 năm qua, Viettel đã tổ chức nhiều khóa đào tạo về SHTT cho các bộ công nhân viên, trong đó có sự tham gia của nhiều cơ quan tổ chức bên ngoài,chẳng hạn như Trung tâm thông tin về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ. Qua những khóa đào tạo này, cán bộ công nhân viên của tập đoàn được trang bị những kiến thức về vai trò của TSTT, các phương pháp định giá TSTT, cách thức tra cứu thông tin sáng chế và cách thức viết bản mô tả sáng chế bằng tiếng Việt.

Đặc biệt, việc đào tạo về cách thức viết bản mô tả sáng chế là rất quan trọng. Bởi vì đối với tập đoàn công nghệ như Viettel, khi thuê những công ty luật bên ngoài làm dịch vụ viết bản mô tả sáng chế, đa phần luật sư sẽ không hiểu rõ về công nghệ nên khó có thể viết được bản mô tả toát lên được nội dung sáng chế như người kĩ sư. Ngược lại, nếu không được đào tạo thì các kĩ sư cũng khó có thể viết được một bản mô tả sáng chế có chất lượng. Chính vì vậy, sau những khóa học này, trong hai năm vừa qua, nhiều kĩ sư của Viettel đã có thể tự hoàn thành được bản mô tả sáng chế, giảm sự phụ thuộc vào những công ty cung ứng luật bên ngoài.

Những trái ngọt đầu tiên

Với hành trình sáng tạo và đổi mới không ngừng, tập đoàn đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được trong hoạt động quản trị tài sản trí tuệ.

Tập đoàn đã xét công nhận một nghìn sáng kiến ý tưởng, với tổng giá trị làm lợi cho tập đoàn đến hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Và mặc dù hoạt động ghi lại bí quyết kỹ thuật rất tốn thời gian và công sức, Viettel đã khuyến khuyến khích các CBCNV lưu lại được hàng nghìn bí quyết kỹ thuật và quản lý chúng. Mỗi khi thực hiện một dự án mới, người thực hiện dự án có thể tra cứu bí quyết kỹ thuật đó một cách dễ dàng, từ đó biết được tập những dự án trước đã làm được gì rồi để không phải đầu tư thời gian, công sức lại một lần nữa.

Về công bố khoa học, Viettel đã được đăng 150 công bố khoa học tại các cơ quan tổ chức uy tín trong nước và trên thế giới. Đây là thành quả rất đáng tự hào của toàn bộ đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và CBCNV của tập đoàn trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay.

Số đơn đăng ký tăng dần và tăng qua các năm. Năm 2021, số đơn đăng ký của Viettel đạt 102 đơn, dự kiến 2022 sẽ nộp 115 đơn. Từ giờ đến 2025, mỗi năm Viettel đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng đơn đăng ký từ 10-15%/năm.

Cho đến thời điểm hiện tại, Viettel đã nộp 410 đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam và hơn 50 đơn đăng ký tại Mỹ. Trong đó, Viettel đã được cấp 61 bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam và 12 bằng sáng chế tại Mỹ. Kết quả này ghi dấu Viettel trở thành doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều bằng độc quyền sáng chế nhất tại Việt Nam và trên trường quốc tế.