VTVCab được định giá 12.400 tỷ đồng: Miếng bánh “nuốt khó trôi” trong mắt nhà đầu tư?

Trần Dũng - 09:59, 15/03/2018

TheLEADERSự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường truyền hình trả tiền, cộng thêm những sa sút trong kết quả kinh doanh của VTVCab những năm qua khiến việc định giá doanh nghiệp này tới 12.400 tỷ đồng dường như là quá cao.

Năm ngoái, để chuẩn bị cho quá trình cổ phần hóa, VTVCab đã thuê công ty kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp. Theo đó, tại thời điểm ngày 1/1/2016, VTVCab có giá trị vào khoảng 4.000 tỷ đồng. Sau đó, kiểm toán Nhà nước đã tiến hành đánh giá lại và định giá VTVCab ở mức gần 4.278 tỷ đồng theo phương pháp tài sản.

Tuy vậy trong phiên đấu giá sắp tới, giá trị VTVCab còn được định giá lên đến 12.400 tỷ đồng khiến các nhà đầu tư chờ đợi phiên IPO này ngỡ ngàng.

Cụ thể, 47,8% cổ phần của VTVCab sẽ được mang ra đấu giá với mức khởi điểm là 140.900 đồng/cổ phần vào ngày 17/4 tại HNX. Như vậy, tổng giá trị của phiên IPO đã lên tới 5.900 tỷ đồng.

Việc một doanh nghiệp Nhà nước được chào bán cao hơn hẳn mức định giá tham chiếu không phải là trường hợp cá biệt. Năm ngoái, 53,59% cổ phần của Sabeco đã được chào bán với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, vượt xa mức giá được các tổ chức định giá đưa ra.

Mức giá bị xem là quá cao, nhưng cuối cùng, số cổ phần này của Sabeco đã được bán thành công cho nhà đầu tư Thái Lan và thu về gần 5 tỷ USD cho ngân sách.

Ra giá cao, nhưng nhà đầu tư vẫn hài lòng, bởi họ tin rằng, Sabeco là một doanh nghiệp có nền tảng mạnh mẽ. Doanh nghiệp này có thị phần lớn nhất ngành bia Việt Nam, với tiềm năng tăng trưởng lớn và tương lai có thể mở rộng sang quy mô khu vực.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của VTVCab lại cho thấy ít điểm sáng hơn nhiều. Thành lập năm 2012, VTVCab tiền thân là Trung tâm Kỹ thuật truyền hình Cáp (VCTV), đã có lịch sử tham gia vào lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam từ năm 1995.

Với nguồn lực lớn từ Đài Truyền hình Việt Nam, VTVCab có lợi thế vượt trội so với các đơn vị cùng ngành nhờ lợi thế vừa sản xuất nội dung vừa bán thuê bao. Song song với đó là cơ sở hạ tầng giúp VTVCab triển khai nhiều mô hình, từ truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh đến truyền hình trực tuyến. Đến nay, VTVCab đang phát sóng 200 kênh truyền hình, trong đó có 70 kênh truyền hình HD.

Tuy nhiên, VTVCab chưa bao giờ là đơn vị số 1 trên thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam. Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), từ nhiều năm nay, mới luôn là đơn vị số một trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam, trên cả khía cạnh doanh thu lẫn thuê bao.

Với VTVCab, bất chấp việc được hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng hoạt động kinh doanh của VTVCab chưa thành công như mong đợi.

VTVCab được định giá 12.400 tỷ đồng: Miếng bánh “nuốt khó trôi” trong mắt nhà đầu tư?

Năm 2016, công ty mẹ VTVCab ghi nhận 2.045 tỷ doanh thu thuần và 68,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nếu quan sát giai đoạn từ 2014 – 2016, có thể thấy mức doanh thu của VTVcab có xu hướng đi ngang, trong khi đây là giai đoạn tăng nóng của thị trường. Chỉ trong vòng 4 năm, từ năm 2013 đến 2016, doanh thu của thị trường đã tăng từ 5.800 tỷ đồng lên 12.000 tỷ đồng, số thuê bao cũng tăng từ 6,6 triệu lên 12,5 triệu người dùng.

Thị trường truyền hình trả tiền lao dốc

Một vấn đề lớn khác, đó là thị trường truyền hình trả tiền nói chung, sau một vài năm tăng trưởng mạnh mẽ, đang có dấu hiệu lao dốc. Năm 2017, thị trường có tổng cộng 14 triệu thuê bao, tăng 1 triệu thuê bao so với năm 2016, song doanh thu toàn thị trường giảm khoảng 500 tỷ đồng xuống còn khoảng 7.500 tỷ đồng.

Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm phản ánh hệ quả của cuộc chiến giảm giá cước kéo dài giữa các nhà đài. Từ năm 2014, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như VTVCab, SCTV, VNPT, K+,… đua nhau giảm giá cước để tăng số lượng khách hàng.

Chẳng hạn K+ trong năm 2016 đã cơ cấu chỉ còn lại 1 gói cước với giá chỉ 125.000 đồng/tháng, bằng một nửa so với giá cước trước đây với mục tiêu tăng số lượng khách hàng. Tương tự, một số doanh nghiệp còn sẵn sàng cung cấp dịch vụ với mức giá “rẻ như cho” chỉ từ vài chục nghìn đồng mỗi tháng.

Kết quả, mức doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao truyền hình trả tiền đã giảm từ gần 1 triệu đồng trong năm 2016 xuống chỉ còn hơn 500.000 đồng trong năm 2017.

VTVCab được định giá 12.400 tỷ đồng: Miếng bánh “nuốt khó trôi” trong mắt nhà đầu tư? 1

Thị trường truyền hình suy giảm cũng có một phần tác nhân đến từ sự lên ngôi của xu hướng OTT (truyền hình trên Internet). Trong năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã tung ra dịch vụ OTT như K+ có myK+Now, thu phí 125.000 đồng/tháng, còn SCTV có SCTV VOD, thu phí từ 30.000 - 50.000 đồng/tháng.

Bản thân VTVCab cũng cho ra mắt VTVcab ON và thu phí dịch vụ với giá cước 40.000 - 50.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khi chiến trường lan sang môi trường Internet, đối thủ của VTVCab cũng nhiều hơn và quy mô lớn hơn nhiều.

Bên cạnh các đài truyền hình, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang thử sức mình trên môi trường Internet. Có thể kể đến các nhà mạng viễn thông như Viettel, VTC, MobiFone,... những đơn vị làm dịch vụ như FPT Play, ZingTV,... và không thể quên các ông lớn nước ngoài như YouTube hay Netflix

Nhìn vào chiến trường cạnh tranh khốc liệt như vậy, khó có thể thấy “cửa sáng” cho một doanh nghiệp như VTVCab. Tất nhiên, VTVCab hiện vẫn chưa công bố bản cáo bạch tới các nhà đầu tư, vì vậy giá trị doanh nghiệp này trên lý thuyết, vẫn còn là ẩn số.

Mặc dù vậy, nhìn vào cách VTVcab kinh doanh trong quá khứ cũng như thị trường mà doanh nghiệp này phải cạnh tranh trong tương lai, có lẽ không nhiều đối tác sẵn sàng trả giá cao cho khoản đầu tư ít tiềm năng này.