Vua Nệm muốn thành Thế Giới Di Động trong ngành đệm

Việt Hưng - 14:01, 15/06/2018

TheLEADERKhoản tiền hàng triệu USD từ phía Mekong Capital sẽ giúp Vua Nệm mở rộng đến 300 cửa hàng trên cả nước vào năm 2022.

Quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund III (“MEF III”) của Mekong Capital cho biết vừa hoàn tất khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Vua Nệm, hoạt động trong lĩnh vực phân phối đệm, chăn ga gối và các giải pháp giấc ngủ.

Dù giá trị khoản đầu tư chưa được tiết lộ, nhưng theo thông lệ của MEFIII, thường quỹ này sẽ bỏ ra từ 8 đến 15 triệu USD để đầu tư thiểu số, hoặc nắm quyền kiểm soát.

Trao đổi với TheLEADER, bà Nguyễn Thu Thủy, trưởng đại diện của Mekong Capital trong thương vụ này cho biết, Quỹ bắt đầu quan tâm tới Vua Nệm từ đầu năm 2018. Trong đó, tiềm năng thị trường còn rộng mở chính là lý do quỹ này đánh giá cao và quyết định đầu tư vào chuỗi Vua Nệm.

Theo thống kê sơ bộ tại Việt Nam, tính đến nay chỉ khoảng 30% người dân là sử dụng đệm, còn lại thói quen người tiêu dùng vẫn chuộng nằm chiếu hoặc các sản phẩm truyền thống khác. Vị đại diện này cho rằng, dư địa dành cho chuỗi bán lẻ Vua Nệm tại thị trường Việt Nam là rất lớn.

Khảo sát nội bộ của Mekong Capital cho thấy nhiều nhân viên Mekong Capital cũng có thói quen sử dụng đệm thường xuyên. Nhưng bố mẹ, con cái họ lại chưa sử dụng đệm. Điều này đồng nghĩa, trong mỗi hộ gia đình, luôn có "khoảng trống" để Vua Nệm cung ứng sản phẩm.

Bên cạnh đó, trước khi đầu tư vào Vua Nệm, quỹ này từng quan sát nhiều thị trường nước ngoài như Mỹ, Hà Lan, Nhật, Nga, Úc... Ở các nước phát triển, tỉ lệ dùng đệm lên tới 90%. Thậm chí, bất chấp thời tiết nắng nóng quanh năm như ở Brazil hay Mexico, người dân vẫn chuộng nằm đệm.

"Khi thu nhập người dân cao hơn, họ sẽ hướng tới nằm đệm. Dần dần, chúng ta có thể coi đệm là một sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. Tại Việt Nam, tiềm năng thị trường rất lớn. Nhìn riêng vào thị trường chung cư - mỗi tháng có thêm khoảng 2.000 căn hộ mới tung ra ở thị trường HCM và Hà Nội, dư địa là rất lớn", bà Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, phía Mekong Capital cũng nhận thấy, bán lẻ đệm và các sản phẩm cho giấc ngủ là mô hình đã được chứng minh thành công ở nhiều thị trường Châu Âu, đặc biệt là Mỹ. Cá biệt, có chuỗi bán lẻ đã mở rộng quy mô lên tới 3.500 cửa hàng và thu về lợi nhuận đều đặn. Vua Nệm học hỏi mô hình bán lẻ này và mang về áp dụng tại Việt Nam được kì vọng sẽ phát triển 300 cửa hàng Vua Nệm trên cả nước.

Mekong Capital rót hàng triệu USD vào chuỗi bán đệm lớn nhất Việt Nam: 70% người dân nằm chiếu là dư địa phát triển
Tiềm năng thị trường còn rộng mở chính là lý do Mekong Capital đánh giá cao và quyết định đầu tư vào chuỗi Vua Nệm

Về cơ bản, mô hình bán lẻ đệm tại Vua Nệm cũng giống như bán lẻ ở nhiều ngành hàng khác. Ba yếu tố được tập trung hàng đầu là địa điểm, hệ thống quản trị và nhân sự.

Trong đó, địa điểm vẫn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu. Bà Thủy cho biết, địa điểm đặt các cửa hàng Vua Nệm sẽ là mặt bằng lớn, nằm trên các tuyến phố đông người qua lại, với diện tích trung bình khoảng 150 m2. Chủ yếu chi phí bán hàng là thuê địa điểm, vì một cửa hàng đệm sẽ không cần trang trí quá nhiều, làm sao càng đơn giản, càng tiện lợi cho người mua càng tốt.

Về các sản phẩm tại Vua Nệm, chỉ cần là đệm thì loại gì cũng có. Mức giá mỗi sản phẩm giao động từ 1 đến 80 triệu đồng. Dòng chủ lực sẽ tập trung vào phân khúc 5 - 6 triệu đồng. Đặc thù của sản phẩm đệm là số lượng mã hàng ít, nên quản lí hàng hóa khá đơn giản. Mỗi cửa hàng chỉ cần khoảng 20 cái đệm vừa để trưng bày, vừa để khách trải nghiệm thử, nên chi phí cho mỗi cửa hàng không quá cao.

"Vua Nệm tốn chi phí mặt bằng, nhưng không tốn chi phí nhân viên. Vì sản phẩm trưng bày tại cửa hàng dễ quản lý, nên không cần nhân viên trông coi nhiều. Một cửa hàng Thế giới di động trung bình cần 15 - 17 nhân viên, trong khi Vua Nệm chỉ cần 2 đến 3 người là đủ", đại diện Mekong Capital nói.

Thế nhưng, bà Thủy không phủ nhận, về vấn đề nhân sự, Vua Nệm gặp khó khăn là phần lớn nhân viên tại đây không dùng đệm thường xuyên. Do đó, khâu đào tạo về sản phẩm, cũng như bán hàng, chốt sale cần đầu tư rất nhiều.

Mekong Capital rót hàng triệu USD vào chuỗi bán đệm lớn nhất Việt Nam: 70% người dân nằm chiếu là dư địa phát triển 1
Vua Nệm đang triển khai chương trình dùng thử và trải nghiệm đệm miễn phí trong 120 ngày

Tất nhiên, ngành đệm cũng có những đặc thù riêng. Đại diện của Mekong Capital cho biết, đệm là sản phẩm có dòng đời quay vòng chậm, thông thường là 7-10 năm. Nhất là ở Việt Nam, thói quen nằm đệm chỉ có ở các thành phố lớn. Do đó, chiến lược mà Vua Nệm đưa ra đó là phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tuyên truyền, tăng nhận diện vấn đề chăm sóc giấc ngủ.

Đổi lại, lợi nhuận trong ngành đệm rất hấp dẫn. Ở Việt Nam, để một chiếc đệm từ nhà máy sản xuất đến được tay người tiêu dùng cần qua rất nhiều đại lí. Vua Nệm làm việc trực tiếp với nhà sản xuất, cắt bỏ hoàn toàn các khâu trung gian đó, đồng nghĩa tiết kiệm được tối đa chi phí đầu tư cho sản phẩm.

Bà Thủy xác định, dù ở hiện tại hay tương lai, đối thủ của Vua Nệm không ai khác chính là các cửa hàng bán đệm truyền thống, trải khắp các mặt phố: "Bài toán Vua Nệm gặp phải giống như Thế giới di động ngày xưa. Trước đây, không ai nghĩ là sẽ tới chuỗi bán lẻ mua điện thoại. Còn bây giờ, người tiêu dùng chỉ tới các chuỗi uy tín".

Một chiến lược bán hàng độc đáo của Vua Nệm được bà Thủy bật mí, đó là chuỗi này đang cho khách hàng dùng thử và trải nghiệm đệm miễn phí trong 120 ngày. Đệm được vận chuyển miễn phí tới nhà khách hàng. Sau thời hạn 120 ngày này, nếu cảm thấy chưa ưng ý, khách hàng có thể trả lại và không mất bất kì khoản phí bồi hoàn nào.

Đại diện phía Mekong Capital giải thích: "Việc cho nằm thử đệm sẽ giúp khách hàng nhận diện thêm nhiều thương hiệu, đồng thời, cho họ cơ hội lựa chọn những sản phẩm mới có chất lượng và giá thành hợp lí".

Quan trọng hơn cả, theo bà Thủy, chiến lược nằm thử đệm 120 ngày như một sự đảm bảo mà Vua Nệm muốn dành cho các khách hàng với ngụ ý, nếu bạn chọn sai, hoàn toàn có thể chọn lại. Bởi hạn chế của sản phẩm đệm là khách hàng sẽ khó lòng trải nghiệm được sản phẩm trước khi quyết định xuống tiền mua.

Nếu như ở cửa hàng bán đệm truyền thống, khách chỉ có thể sờ, nắm, thì ở Vua Nệm việc nằm thử sẽ trực quan hơn. "Tất nhiên, thời điểm này là quá sớm để đánh giá mức độ hiệu quả của Vua Nệm. Chuỗi mới vẫn còn nhiều việc phải làm. Và chặng đường từ 40 đến 300 cửa hàng không hề đơn giản", phía Mekong Capital kết luận.