Vượt bão Covid-19 theo cách của Thế Giới Di Động và Thiên Long

Đặng Hoa - 07:51, 20/05/2020

TheLEADERNhanh nhạy nắm bắt những thay đổi của thị trường để có các quyết sách hợp thời, lãnh đạo Thế Giới Di Động và Thiên Long đã đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19 để hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài.

Vượt bão Covid-19 theo cách của Thế Giới Di Động và Thiên Long
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động (trái) và ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long (phải)

Những ngày đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, những doanh nghiệp lớn như Thế Giới Di Động hay Thiên Long cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của “cơn bão” khi nhu cầu thị trường giảm mạnh, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (doanh nghiệp chuyên sản xuất văn phòng phẩm) cho biết, nhu cầu của hai đối tượng khách hàng của Thiên Long đều giảm sút trong mùa dịch này. Trong đó, nhu cầu của đối tượng văn phòng có suy giảm nhưng không nhiều trong khi học sinh, sinh viên nghỉ học trong thời gian dài đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của Thiên Long.

Chính vì vậy, tập đoàn đã có sự chuẩn bị và điều chỉnh kịp thời. Về hoạt động sản xuất, doanh nghiệp này chấp nhận chịu tồn kho cao trong ngắn hạn để duy trì hoạt động sản xuất cho người lao động, coi đó là điều tiên quyết. 

Về kinh doanh, Thiên Long chủ động đẩy mạnh bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, tập trung các sản phẩm học sinh có nhu cầu ngay tại nhà. Ông Thọ cho biết sắp tới cũng sẽ đẩy mạnh phát triển mảng bán hàng qua điện thoại cho phù hợp với xu thế mới.

Lãnh đạo Thiên Long cho rằng, thị trường nội địa vốn là thế mạnh của doanh nghiệp cũng luôn thay đổi theo thời cuộc, phải nắm bắt được những nhu cầu của diễn biến thực tiễn để có thể tồn tại và phát triển. 

“Dựa vào thời điểm, thị hiếu và sự thay đổi của thị trường mà nắm bắt, đó là cách chúng tôi giữ vững được thị trường nội địa”, ông Thọ khẳng định.

Để hạn chế rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng, Thiên Long đã chuẩn bị tự chủ nguyên vật liệu và máy móc trong nhiều năm qua như tự sản xuất mực và đầu bút, tự chế tạo, sản xuất máy móc tự động hoá. 

Vốn làm việc với ba nhà cung cấp, doanh nghiệp này cũng dịch chuyển sang làm việc với bên chịu ít ảnh hưởng nhất trong thời điểm khó khăn để hạn chế tác động lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng chủ động nắm bắt tình hình và xu thế để sớm đẩy mạnh mảng bán hàng trực tuyến, song Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết, kênh bán hàng trực tuyến chỉ hỗ trợ được một phần, không thể thay thế toàn bộ thiệt hại do cú sốc Covid-19 gây ra.

Mặc dù nhận được nhiều lời kêu gọi kích cầu trong mùa dịch, nhưng trong toạ đàm trực tuyến “Giữa dòng sóng dữ” do Forbes Việt Nam tổ chức, ông Tài khẳng định “cầu này Thế Giới Di Động kích không được”. Ngược lại, ông Tài cho doanh nghiệp đi theo hướng kiểm soát chi phí với các hoạt động như thương lượng giá thuê mặt bằng với chủ nhà, cắt giảm chi phí vận hành và thu nhập của nhân viên…để bảo đảm lợi nhuận.

Nhờ đó, ông Tài tiết lộ, lợi nhuận dù sụt giảm nhưng vẫn nằm trong mức “ổn” và đang phục hồi tương đối tốt trong tháng 5/2020, dự kiến đạt doanh thu 9.000 - 10.000 tỷ đồng như bình thường. 

Trước đó, vào tháng 4/2020 là tháng bị tác động mạnh nhất bởi dịch Covid-19, doanh thu cả tập đoàn giảm 20% so với mức 9.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tài cũng khẳng định, dù gặp khó khăn nhưng trong mùa dịch vừa qua quyết bảo toàn 100% lực lượng lao động, không sa thải ai, cùng nhau chia sẻ khó khăn. Doanh nhân này lý giải, sau dịch chắc chắn doanh nghiệp cần đến nguồn lực con người để phát triển khi kỳ vọng dịch bệnh không kéo dài quá lâu.

Đáng chú ý, cả hai tập đoàn này đều cho ra mắt các sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của người tiêu dung trong mùa dịch. Trong đó, Thiên Long thúc đẩy hoạt động của nghiên cứu phát triển và bộ phận nghiên cứu thị trường cho ra mắt các sản phẩm như gôm kháng khuẩn, bọc tay kháng khuẩn và gel rửa tay khô. 

Thế Giới Di Động cũng ra mắt dịch vụ đi chợ hộ khi nắm bắt được tâm lý ngại đến nơi đông người trong mùa dịch của các bà nội trợ. Nhờ có đội ngũ IT lành nghề nên doanh nghiệp này chỉ mất mười ngày để hoàn thiện hệ thống, trong khi nhiều đối thủ phải mất đến một năm.

Ông Tài cho biết, trước đây đã có nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ này và gần như “chết” hết. Nhưng “thời cuộc tạo thay đổi”, dịch Covid-19 đã giúp thay đổi hành vi của một nhóm khách hàng mà đáng lẽ phải tốn rất nhiều thời gian.

“Nhu cầu mới lần này giống như từ trên trời rơi xuống. Đơn hàng nhiều đến mức có những lúc chúng tôi phải hoãn giao đến hai ngày. Nếu không nhanh nhạy nắm bắt, cơ hội này sẽ trôi qua”, ông Tài chia sẻ. Nhờ vậy, hàng nghìn người lao động đã được đảm bảo công ăn việc làm trong mùa dịch.

Dù rất nhanh nhạy, biết nắm bắt thời cơ và hoàn toàn có cơ hội để thực hiện việc mua bán, sát nhập với giá rẻ, thu về nguồn lợi lớn trong thời điểm này nhưng cuối cùng đã quyết định không M&A đối thủ cạnh tranh mà chỉ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các ngành nghề phụ trợ cũng là “xương sống” giúp tập đoàn phát triển.

“Nếu bây giờ tìm được một công ty kho vận hoặc vận tải ngon lành thì Thế Giới Di Động có thể đầu tư thêm vào đó. Đồng tiền đầu tư bây giờ sẽ là nguồn lực quan trọng đối với nhiều đơn vị để họ có thể sống sót và Thế Giới Di Động có thêm lựa chọn vận tải hàng hóa đi hàng ngàn cửa hàng trong tương lai”, ông Tài chia sẻ.

Theo lý giải của ông Tài, không thể vì nhìn thấy kết quả kinh doanh tháng này “ngon lành” mà tự tin về tương lai. Với văn hóa “để dành nhiều tiền mặt”, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động sau cùng, do đó hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa thực sự ngấm đòn Covid-19. Nếu không xuất khẩu được đến cuối năm, nhiều người lao động sẽ mất việc, từ đó không có tiền mua điện thoại, quá trình này sẽ diễn ra rất chậm.

Vì vậy, ông Tài xác định phải chuẩn bị cho tương lai khó khăn hơn rất nhiều, trong đó, cắt giảm mạnh các chi phí kinh doanh thay vì mở rộng. “Nếu giai đoạn này mà đi giành giật thị trường thì các đơn vị nhỏ chết trước, Thế Giới Di Động sẽ chết sau”, ông Tài nói.