Xây dựng hiệu quả chỉ số xanh cấp tỉnh

Phạm Sơn - 21:21, 07/06/2022

TheLEADERTheo các chuyên gia, xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh cần có sự đóng góp ý kiến từ phía người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi ô nhiễm môi trường, thay vì chỉ hỏi đánh giá từ doanh nghiệp.

Xây dựng hiệu quả chỉ số xanh cấp tỉnh
Hội thảo xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI)

Sau 25 năm thành lập, Bắc Ninh, từ một tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước với xuất phát điểm kinh tế thấp, hạ tầng lạc hậu, đã lột xác trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nằm trong top dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP, thu hút được nhiều "đại bàng" về “làm tổ” như Samsung; Canon; Foxconn…

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bắc Ninh cũng ngày càng trở nên phức tạp. Bước vào thời kỳ mới khi phát triển bền vững trở thành xu thế, Bắc Ninh đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết thực trạng ô nhiễm.

Trong đó phải kể đến sự đổi mới về công nghệ tại nhiều lĩnh vực cốt yếu. Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng viện Kinh tế xã hội Bắc Ninh, vừa qua tỉnh đã xây dựng một số nhà máy đốt rác phát điện để xử lý hiệu quả rác thải rắn. Mặt khác, Bắc Ninh cũng xây dựng một loạt dự án logistics xanh, giúp hoạt động logistics giảm 50% lượng phát thải.

Ô nhiễm tại các làng nghề là một vấn đề gây nhức nhối tại Bắc Ninh. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền tỉnh đã thay đổi tư duy, không còn “sợ ảnh hưởng đến người dân” mà kiên quyết gây sức ép cho các làng nghề thay đổi công nghệ, áp dụng chế tài nghiêm khắc nhưng cũng tạo điều kiện để các đơn vị chuyển đổi sản xuất.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng tỏ ra đồng tình với tư tưởng phát triển mới của chính quyền tỉnh Bắc Ninh. Theo ông Bắc, nếu trước đây, doanh nghiệp phản ứng gay gắt khi bị tạo sức ép thì đến hiện tại đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, từ đó tình nguyện thực hiện chuyển đổi cùng với sự hỗ trợ từ phía chính quyền.

“Cả doanh nghiệp và chính quyền đều nhận thức được “xanh” là tài nguyên, là tiền. Giữ được cái “xanh” là có tiền, mất đi cái “xanh” là mất đi lợi thế cạnh tranh”, ông Bắc nhấn mạnh.

Không chỉ Bắc Ninh mà nhiều địa phương khác trên cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng xanh, bền vững, đóng góp vào thực hiện cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh không đơn giản. Trong thực tế, có nhiều dự án “nghe có vẻ xanh” nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lại có những ngành nghề tưởng chừng ô nhiễm nhưng khi áp dụng công nghệ mới, quy trình mới lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm đáng kể.

Từ thực tế đó, với mong muốn cung cấp thông tin hỗ trợ địa phương sàng lọc các dự án đầu tư, đồng thời tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện hơn với môi trường, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Suntory Pepsico Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đề ra sáng kiến xây dựng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI).

PGI được xây dựng tương tự như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là bộ chỉ số rất hữu ích trong việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực hấp thu vốn đầu tư của các địa phương. Vì vậy, PGI được kỳ vọng cũng sẽ trở thành bộ chỉ số mang tính bứt phá, giúp quá trình chuyển đổi xanh diễn ra bài bản và hiệu quả.

PGI đánh giá, xếp hạng về chất lượng môi trường tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, dưới góc nhìn và hoạt động thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ số này sẽ được triển khai vào năm 2022, lồng ghép trong khảo sát PCI.

Nói về chủ trương xây dựng PGI, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận xét, “không phải bàn cãi” về tính cấp thiết của một bộ chỉ số đánh giá năng lực “xanh” của các địa phương.

Tuy nhiên, ông Bình lập luận, trong thực tế, tăng trưởng xanh có thể đem lại lợi ích dài hạn cho tất cả các bên liên quan nhưng đánh mất đi lợi ích ngắn hạn của một số tổ chức, doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng “xung đột ý chí” giữa một số doanh nghiệp và chính quyền, có thể ảnh hưởng đến chất lượng chỉ số.

Từ vấn đề này, tại hội thảo tham vấn xây dựng PGI, Giám đốc Economica Việt Nam đề xuất, việc xây dựng chỉ số PGI có thể tích hợp cách làm của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là lấy đánh giá từ phía người dân.

Cũng từ chính sự “xung đột ý chí”, PGI cần phát huy vai trò hài hòa lợi ích giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, theo đó cần gợi ý được doanh nghiệp, chính quyền cần thay đổi như thế nào, từ sự hiểu biết, nhận thức, thái độ đối với tăng trưởng xanh, cho tới những hành động cụ thể.

Để làm được điều này, PGI có thể tích hợp nội dung đánh giá liên quan đến việc ứng dụng công nghệ mới, xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất xanh… để tạo hình mẫu và truyền cảm hứng.

Đồng quan điểm với ông Bình, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, cho biết, người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi ô nhiễm môi trường, vì vậy chỉ số PGI rất cần thiết có sự đóng góp ý kiến từ phía người dân.

Mặt khác, PGI cũng sẽ không hiệu quả nếu chỉ xây dựng dựa trên quan điểm định tính bởi “doanh nghiệp nào chẳng muốn ủng hộ tỉnh nhà, nên chẳng bao giờ dám nói xấu quá”. Vì vậy, song song với những nhận xét định tính, cần phải có yếu tố định lượng, là những số liệu, chỉ tiêu cụ thể như mức chi ngân sách cho đầu tư tăng trưởng xanh; tỷ lệ doanh nghiệp tiết kiệm điện, nước hay có cơ sở xử lý xả thải đạt chuẩn…

Một cản trở đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi xanh là thiếu nguồn lực đầu tư, hoặc đầu tư lớn dẫn đến đội chi phí, không cạnh tranh nổi với những đối thủ vẫn duy trì phương thức sản xuất gây ô nhiễm. Đây là vấn đề cần được PGI tháo gỡ.

Ông Hòe đề xuất, việc xây dựng chỉ số PGI cần nghiên cứu, tham vấn thêm các đối tác ngành tài chính, ngân hàng để có sự đánh giá, thẩm tra, định hướng nguồn vốn vào các dự án bền vững. “Nếu vẫn cứ đầu tư vào các dự án phá hoại môi trường thì ô nhiễm vẫn cứ ô nhiễm thôi”, nguyên Viện phó Viện Chiến lược ngân hàng nhà nước nhấn mạnh.