Xây dựng Vân Phong thành trung tâm du lịch, giải trí cao cấp

Nhật Hạ - 12:11, 14/04/2022

TheLEADERKhu kinh tế Vân Phong được kỳ vọng trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, có sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Xây dựng Vân Phong thành trung tâm du lịch, giải trí cao cấp
Kinh tế biển sẽ là nền tảng ở Khu kinh tế Vân Phong với cảng trung chuyển container quốc tế.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, trên cơ sở khai thác sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, Vân Phong được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế năng động, phát triển ngành nghề mới, trình độ cao; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển.

Trong đó, ngành dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí ở Vân Phong sẽ có những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Mô hình đề xuất phát triển du lịch, dịch vụ, văn hoá cao cấp là ưu tiên các hoạt động hội thảo, hội chợ triển lãm, dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có casino, trung tâm giải trí, tổ chức các sự kiện văn hóa, khoa học.

Dịch vụ hiện đại phát triển theo hướng kinh doanh cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, hỗ trợ khách hàng và các ngành dịch vụ gắn kết với hoạt động du lịch...

Bên cạnh đó, Khu kinh tế Vân Phong sẽ được xây dựng theo hướng phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, quy tụ nguồn lực sáng tạo với phương thức quản lý mới, tiên tiến; nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển.

Kinh tế biển sẽ là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế; dịch vụ logistic, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng.

Chính phủ kỳ vọng Vân Phong sẽ là khu vực đáng sống, người dân có mức sống cao và hạnh phúc vào năm 2050.

Theo quy hoạch, các khu vực dịch vụ du lịch và đô thị du lịch sinh thái biển bao gồm phía Nam bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn, khu du lịch đảo Điệp Sơn, khu đô thị du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang - Mũi Đá Son, Đại Lãnh, Dốc Lết, Đông Nam Ninh Phước.

Khu sinh thái nông - lâm nghiệp và ngập mặn ở phía Tây đường sắt quốc gia Bắc - Nam, khu vực Lạc An. Rừng ngập mặn sẽ được trồng để tôn tạo cảnh quan và nâng cao giá trị sinh thái của các khu vực ngập mặn ven biển; trồng rừng, tôn tạo cảnh quan trên các khu vực núi thuộc chân dãy núi Hoa Sơn, bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn, núi Hòn Hèo, núi Ổ Gà...

Trung tâm bán đảo Hòn Gốm sẽ gắn với cảng trung chuyển quốc tế, dịch vụ và công nghiệp logistic, cảng du lịch. Các trung tâm công nghiệp, khu công nghiệp gồm Vạn Thắng, Dốc Đá Trắng, Ninh Thủy, Vạn Lương.

Các khu đô thị đa chức năng gồm Vĩnh Yên, Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã, khu vực Đại Lãnh, thị trấn Vạn Giã và vùng phụ cận, trung tâm thị xã Ninh Hòa, Dốc Lết và vùng phụ cận, Đông Bắc Ninh Hòa và Xóm Quán.

Khu kinh tế Vân Phong được thành lập từ năm 2006, với diện tích 150.000 ha, trong đó 70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước. Vân Phong nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Bắc Vân Phong) và thị xã Ninh Hòa (Nam Vân Phong), tỉnh Khánh Hòa. 

Dân số Vân Phong hiện có 240.000 người; năm 2030 dự kiến khoảng 350.000 đến 380.000 người. Năm 2040, dân số tối đa hơn nửa triệu người.

Theo định hướng xây dựng Khu kinh tế Vân Phong ban hành năm 2014, khu vực này sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản. Có thể thấy, đến nay một số định hướng đã được điều chỉnh. 

Trước đó, vào tháng 9/2020, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Công ty IPPG) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã tuyên bố tài trợ 5 triệu USD để thực hiện lập quy hoạch khu vực Vân Phong.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, lợi thế của Vân Phong mà các nơi khác không có được là địa phương còn rất nhiều đất còn trống, thuận lợi để phát triển kinh tế. Nếu đầu tư vào Vân Phong, IPPG sẽ hình thành các khu vực casino, khu mua sắm, khu khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp, khu giải trí, cơ sở thể dục - thể thao (khoảng 100ha).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn thực hiện các khu dân cư và công nghiệp; cơ sở hạ tầng (năng lượng công nghệ thông tin; cung cấp nước sạch; xử lý nước thải; viễn thông); sân bay quốc tế và đường bộ; khu vực cảng (vận tải hàng hải, vận tải hành khách, bến đỗ cho các tàu du lịch quốc tế); ngành hậu cần (hệ thống giao thông liên tỉnh, trung tâm hậu cần đa chức năng).

Thời điểm đó, IPPG cho biết sau khi vận động và làm việc với các công ty, tập đoàn trên thế giới thì có khoảng 200 đơn vị đăng ký nghiên cứu, dự kiến sau khi quy hoạch hoàn thành sẽ thu hút khoảng 60 tỷ USD vốn đầu tư.